Khai thác đất trái phép ở Bình Thuận: Lãnh đạo huyện làm trái quy định nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ?

(PLO) - Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình để xảy ra sai phạm liên quan đến khoáng sản và được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ” trong công tác năm 2017. 
Khu vực khai thác có ít nhất 4 vị trí tuy nhiên đoàn kiểm tra chỉ phát hiện 2 vị trí (1 và 2)
Khu vực khai thác có ít nhất 4 vị trí tuy nhiên đoàn kiểm tra chỉ phát hiện 2 vị trí (1 và 2)

Lãnh đạo địa phương thừa nhận làm sai

Như Báo PLVN đã phản ánh, việc khai thác đất trái phép tại khu vực Tấn Mài, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình diễn ra suốt nhiều năm qua. Chính quyền địa phương một mặt không xử lý dứt điểm, một mặt “tạo điều kiện” để doanh nghiệp và các cá nhân tận khu khoáng sản đất sỏi bồi nền từ việc đào ao móc hồ.

Ông Võ Ngọc Long, Phó chủ tịch UBND xã Hải Ninh khẳng định, tại địa phương không hề có mỏ khai thác đất sỏi nào được cấp phép. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận chính quyền xã và huyện đã thống nhất cho tận thu đất sỏi từ việc đào hồ trữ nước. “Mình tạo điều kiện thôi, chứ cho phép thì ai dám cho”, ông Võ Ngọc Long nói.

Rõ ràng các cấp chính quyền huyện Bắc Bình biết rõ dù tận thu khoáng sản từ việc đào ao trữ nước hay cải tạo đất thì cũng phải được cấp tỉnh cho phép mới được tiến hành. Vì vậy, UBND xã Hải Ninh và UBND huyện Bắc Bình đã thống nhất ý kiến và có văn bản gửi Sở TN&MT để xin phép.

Trong công văn “xin đất” UBND huyện Bắc Bình hứa: “sẽ chỉ đạo địa phương kiểm tra, giám sát đảm bảo tận thu đúng vị trí, khối lượng”. Vừa hứa một cách rất nghiêm túc, địa phương vừa bất chấp quy định, tự ý cho tiến hành tận thu mà không cần quan tâm đến việc UBND tỉnh vẫn chưa hề chấp thuận.

Giải thích về việc để tình trạng khai thác đất diễn ra tràn lan, quy mô lớn ông Lê Văn Long nói: “Cái này là anh xin nhỏ nhỏ thôi đó, mà không biết vì sao trên đó làm lớn”. Sau khi hỏi PV diện tích đất bị khai thác là bao nhiêu, ông Long thừa nhận: “Thôi thì anh nói thật với em chuyện đó là cái chuyện địa phương làm sai”.

Tuy nhiên, biện pháp “sửa sai” của UBND huyện Bắc Bình rất qua loa. Cụ thể, đia phương này tiếp tục đề nghị Sở TN&MT cho phép tận thu. Còn việc khai thác đã và đang diễn ra, địa phương xem xét nếu tác động môi trường lớn thì sẽ cho dừng lại. Riêng đối với các đối tượng vi phạm thì chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, còn việc khôi phục hiện trạng thì người đứng đầu UBND huyện Bắc Bình lại cho là “khó lắm”.

Một góc hiện trường khai thác đất tại khu vực Tấn Mài
Một góc hiện trường khai thác đất tại khu vực Tấn Mài

Điều ngạc nhiên, dù không nắm rõ thực trạng khai thác đất trái phép mức độ như thế nào, nhưng khi PV đưa ra thông tin một xe sỏi khai thác được bán với giá 800.000 đồng, ông Long đã đính chính: “Sáu trăm, vận chuyển đi xa lắm mới tám trăm”.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cũng cho biết, vì chuyện khoáng sản mà ông chỉ được đánh giá, xếp loại công chức là “hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu việc vi phạm trong khai thác khoáng sản không được giải quyết dứt điểm mà tiếp tục là bê bối của công tác quản lý nhà nước thì thêm một năm nữa chỉ được đánh giá, xếp loại công chức hoàn thành nhiệm vụ, sẽ đe doạ vị thế của ông.

Vấn đề đặt ra, nạn khai thác đất trái phép tại xã Hải Ninh diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt rầm rộ trong năm 2017, tuy nhiên tình hình ở đây vẫn chưa nghiêm trọng bằng các xã khác trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của lãnh đạo huyện nhưng thì liệu các cán bộ có trách nhiệm của huyện Bắc Bình có thực sự đã hoàn thành nhiệm vụ?

Sở báo cáo UBND tỉnh một nửa… sự thật

Ngay khi Báo PLVN phản ánh vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã có công văn chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin tình hình khai thác đất trái phép ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét xử lý.

Sở TN&MT sau đó đề nghị UBND huyện Bắc Bình và UBND xã Hải Ninh có báo cáo bằng văn bản tình hình kiểm tra, xử lý việc khai thác đất trái phép tại khu vực Tấn Mài trong thời gian qua. Ngày 3/7/2018, lãnh đạo Sở TN&MT cùng đại diện Sở NN&PTNT và lãnh đạo địa phương đã có buổi họp tại UBND xã Hải Ninh để nghe báo cáo và tiến hành kiểm tra khu vực tác động khai thác đất.

Ngày 25/7, Báo PLVN làm việc với lãnh đạo xã Hải Ninh, đề nghị cung cấp văn bản báo cáo về kết quả kiểm tra vụ việc, tuy nhiên đơn vị này kiên quyết từ chối. Lý do là xã chỉ có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên chứ không có trách nhiệm gửi cho báo chí, ông Vy Chăn Sềnh – Chủ tịch UBND xã Hải Ninh khẳng định.

Chỉ đạo kiểm tra vụ việc Báo PLVN đăng tải của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Chỉ đạo kiểm tra vụ việc Báo PLVN đăng tải của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Trước đó, Sở TN&MT đã có báo cáo số 196 ngày 12/7/2018 gửi đến UBND tỉnh. Trong đó xác định có 2 vị trí bị khai thác đất, tổng diện tích là 1,03ha, thuộc phần đất do UBND xã Hải Ninh quản lý, việc khai thác diễn ra từ năm 2016 đến nay. Đối tượng khai thác là ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ xã Hải Ninh), khai thác đất đổ nền làm nhà và nhà máy; tiếp đến là Công ty TNHH Quảng Bình.

Diện tích 2 vị trí khai thác do Sở TN&MT đưa ra, theo người dân ước tính là chỉ bằng một nửa trên thực tế. Vấn đề nữa, Báo PLVN từng nêu rõ, ngoài 2 vị trí nói trên, gần đó còn nhiều vị trí khác cũng bị khai thác, tổng diện tích vài chục nghìn mét vuông. Tuy nhiên đoàn kiểm tra với nhiều đơn vị ban ngành tỉnh, huyện, xã, đội ngũ hùng hậu tuy nhiên không phát hiện ra.

Hố đất rộng hàng nghìn mét vuông nhưng cơ quan chức năng không nhìn thấy
Hố đất rộng hàng nghìn mét vuông nhưng cơ quan chức năng không nhìn thấy

Ghi nhận hiện trường, có ít nhất 4 vị trí khai thác, trong đó 2 vị trí thuộc chính quyền quản lý, 2 vị trí còn lại theo lãnh đạo xã là đất cấp cho hộ nghèo để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, báo cáo cho rằng 2 trường hợp đất của hộ nghèo bị khai thác không nằm trong vị trí khai thác trái phép mà báo PLVN phản ánh. Nói thẳng ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chỉ được báo cáo một nửa… sự thật.

Việc khai thác diễn ra quy mô và khối lượng khoáng sản bị lấy đi rất lớn, ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án hình sự của Công an tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên việc kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm chỉ đề cập đến Chủ tịch UBND xã Hải Ninh mà không hề nhắc đến vai trò của ông Lê Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình. Có thể thấy, báo cáo của Sở TN&MT chưa phản ánh đúng mức độ thực tế, mâu thuẫn với thông tin lãnh đạo xã đưa ra.

Ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, tại quyết định 967 ngày 16/4/2018 của UBND tỉnh quy định rất chặt chẽ đối với việc cải tạo đất nông nghiệp bằng cách hạ mặt bằng, đào ao chứa nước, loại bỏ sỏi đá để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hàng loạt quy định đưa ra để tránh trường hợp lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản trái phép. Như người dân phải có phương án chi tiết, đầy đủ về vị trí cải tạo, diện tích, độ sâu, mục đích cải tạo trồng cây gì… Việc cải tạo phải phù hợp quy hoạch, mỗi trường hợp diện tích tối đa 2ha, đất sau cải tạo phải tươi tốt hơn trước, thời hạn cải tại tối đa không quá 12 tháng từ ngày UBND tỉnh cho phép.

Việc cấp phép được tiến hành sau khi cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra thực tế, thẩm định kỹ lưỡng. Việc cải tạo đất được các cơ quan ban ngành, địa phương giám sát chặt chẽ. Việc tận dụng khoáng sản trong quá trình cải tạo phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…

Đọc thêm