Kháng nghị giám đốc thẩm "Vụ án Hòa Lân": Lá đơn của người không liên quan và những vấn đề cần làm rõ.

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công ty Thiên Phú đã bị lợi dụng danh nghĩa để tạo ra các vụ khiếu nại, tố cáo và khởi kiện, dẫn đến "Vụ kiện Hòa Lân", nhưng ngay cả khi Công ty Thiên Phú không thể lợi dụng được nữa thì vẫn xuất hiện những lá đơn đến từ các tổ chức, cá nhân không liên quan đến vụ kiện được sử dụng để làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Doanh nghiệp trúng đấu giá bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng kể từ khi vụ việc xảy ra không chỉ đặt vấn đề căn cứ pháp lý của các quyết định kháng nghị mà cần làm rõ cả động cơ, mục đích thực sự phía sau những lá đơn của những người không liên quan đến vụ việc.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện Hòa Lân.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện Hòa Lân.

Lá đơn bất thường gửi từ Hà Nội

Dự án 50ha tại Thuận An, Bình Dương thành hình từ đầu những năm 2000. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú, chủ đầu tư dự án đã thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất dự án để vay vốn của Ngân hàng Aggribank, Chi nhánh Chợ Lớn.

Về việc vay vốn, khi có vướng mắc thì Thanh tra Chính phủ, sau đó là Bộ Công an, VKSNDTC vào cuộc xác minh điều tra, kết luận quan hệ thế chấp vay vốn này không có dấu vi phạm.

Sau khi Công ty Thiên Phú không trả được nợ, toàn bộ quyền sử dụng đất của dự án Khu dân cư Hòa Lân được bán đấu giá để thu hồi nợ xấu và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh là doanh nghiệp đấu giá trúng.

Tuy nhiên, một nhóm cá nhân lấy danh nghĩa Công ty Thiên Phú đã tố cáo có vi phạm trong việc bán đấu giá đến Thanh tra Bộ Tư pháp. Kết luận thanh tra không hủy kết quả bán đấu giá. Bộ Tư pháp và Ngân hàng Agribank cũng đã báo cáo Thủ tướng đầy đủ về vụ việc này.

Khi sử dụng cách thức tố cáo việc bán đấu giá không thành công, nhóm cá nhân sử dụng danh nghĩa Công ty Thiên Phú để muốn chiếm lại dự án này từ doanh nghiệp trúng đấu giá đã khởi kiện ra Tòa án để huy kết quả bán đấu giá.

Tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND quận 7 và TAND TP Hồ Chí Minh, các cấp này đã không hủy kết quả bán đấu giá mà bác đơn yêu cầu của Công ty Thiên Phú (thực chất là yêu cầu của một nhóm người mua lại Công ty Thiên Phú nhằm chiếm dự án Khu dân cư Hòa Lân).

Vụ việc tưởng đã khép lại khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, nhưng VKSND cấp cao tại TP HCM lại bất ngờ ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Bất ngờ hơn nữa khi cơ sở của kháng nghị này đến từ một lá đơn bất thường gửi từ Hà Nội và của một tổ chức không phải là đương sự, không có quyền lợi và nghĩa vụ gì liên quan đến vụ việc.

Điều đáng nói nhất, tại thời điểm kháng nghị giám đốc thẩm, Công ty Thiên Phú đã có người đại diện mới và tại thời điểm này, Công ty Thiên Phú đã rút mọi đơn khởi kiện, kháng cáo và tố cáo đã gửi trước đó nên việc lợi dung danh nghĩa Công ty Thiên Phú để tạo nên các vụ kiện là hoàn toàn không thể thực hiện được.

Vì vậy, lá đơn đến từ một tổ chức không phải là đương sự của vụ án này, một lần nữa làm nhiều người nghi ngờ về động cơ thực sự của lá đơn đến từ tổ chức không phải là đương sự của vụ án.

Theo quyết định kháng nghị 174/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 22/6/2021, VKSND Cấp cao kháng nghị sau khi nhận được văn bản số 78/2021/CV-KTCKVN ngày 20/4/2021 của một tạp chí điện tử trụ sở tại Hà Nội, cho rằng quá trình bán đấu giá dự án Hòa Lân “có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích Nhà nước”.

Tuy nhiên trong hồ sơ lần đầu VKSND Cấp cao chuyển sang TAND Cấp cao tại TP HCM, lại không có văn bản số 78/2021/CV-KTCKVN. Hồ sơ chỉ có văn bản số 82/2021/CV-KTCKVN ngày 27/4/2021 của tạp chí này, nội dung rất chung chung.

Tạp chí này cho rằng “theo phản ánh của báo chí, việc không hủy kết quả bán đấu giá QSDĐ của Công ty Thiên Phú tại khu dân cư Hòa Lân có thể gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước”. Và quá trình bán đấu giá dự án Hòa Lân “vi phạm nguyên tắc công bằng giữa những người cùng đấu giá”.

Tạp chí này cho rằng Công ty Kim Oanh trúng đấu giá dự án Hòa Lân “có nhiều vi phạm, có sự giúp sức của Agribank, Công ty đấu giá và Văn phòng công chứng”; nhưng không nêu rõ đó là những “vi phạm, giúp sức” nào; mà liên tưởng cuộc đấu giá Hòa Lân “có những dấu hiệu, điểm giống” với những vụ án Út “Trọc”, Vũ “Nhôm”...

Cuối văn bản, Tạp chí này “xin kính chuyển các thông tin và đề nghị VKSND Cấp cao tại TP HCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”.

Theo LS Trâm, lá đơn của tạp chí điện tử cũng có những nội dung không chính xác về kiến thức pháp lý. Trong Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản, hoàn toàn không có “nguyên tắc công bằng giữa những người cùng đấu giá” như đơn nêu.

Luật sư Nguyễn Trâm cho rằng nếu dựa theo những lá đơn này để làm cơ sở kháng nghị, thì VKSND Cấp cao đã vi phạm tố tụng.

Theo Điều 326, 327, 328 BLTTDS, muốn kháng nghị bản án theo thủ tục GĐT thì phải có người phát hiện ra bản án có sai sót và có đơn.

“Riêng “trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị”. Tuy nhiên trong Quyết định kháng nghị 174, VKSND Cấp cao nêu rõ cơ sở là có đơn của tạp chí điện tử kia, nên có thể hiểu đây là trường hợp kháng nghị sau khi nhận được đơn”, Luật sư Trâm nói.

Theo Điều 328 BLTTDS, đơn đề nghị GĐT phải ghi rõ “đề nghị xem xét theo thủ tục GĐT” với bản án nào; Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị; Kèm theo đơn phải có bản án, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Lá đơn này không có bất kỳ một chữ “giám đốc thẩm” nào, và không có các nội dung, không đảm bảo các điều kiện như nêu trên.

Khoản 2 Điều 329 BLTTDS quy định rất rõ “VKS chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328. Trường hợp đơn không có đủ điều kiện theo quy định thì VKS yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong 1 tháng. Hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì VKS trả lại đơn”.

Thế nhưng lá đơn không hợp lệ hợp pháp này vẫn được VKSND Cấp cao tại TP HCM coi là cơ sở để kháng nghị GĐT; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử GĐT theo hướng hủy hai bản án sơ phúc thẩm, để giải quyết lại.

Người trúng đấu giá được pháp luật bảo vệ, cơ quan tố tụng liệu có làm ngơ?

Theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật Đấu giá tài sản thì người mua tài sản qua hoạt động bán đấu giá được pháp luật bảo vệ, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm. Về thủ tục bán đấu giá thì Thanh tra Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đã kết luận không hủy kết quả bán đấu giá. Do đó, không phải nghi ngờ gì về việc bảo vệ quyền lợi của người mua đấu giá dự án Hòa Lân là Công ty Kim Oanh.

Thế nhưng, trong quyết định kháng nghị, VKSND cấp cao cho rằng có một số “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” liên quan dự án Hòa Lân mà hai cấp tòa chưa xem xét. Theo đại diện của Công ty Kim Oanh, đơn vị trúng đấu giá và cũng là nạn nhân của các đơn thư đầy nghi vấn nêu trên cho biết, Công ty nhận thấy quyết định kháng nghị có quá nhiều nội dung bất thường.

Thứ nhất, VKSND Cấp cao cho rằng có vi phạm quy định về cho vay của Agribank với Công ty Thiên Phú. Đây là nhận định chưa chính xác, mâu thuẫn với quan điểm của VKSNDTC. Ngày 21/4/2015, VKSNDTC và Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã họp liên ngành Tư pháp Trung ương, kết luận việc cho vay của Agribank với Thiên Phú không có dấu hiệu của tội phạm.

Thứ hai, VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng Công ty Kim Oanh vi phạm vì chậm thanh toán. Theo ông Nguyễn Phú Đức, đại diện theo pháp luật của Công ty Kim Oanh, sau khi trúng đấu giá, chuẩn bị nộp tiền, Công ty được thông báo dự án còn nhiều đất “da beo” của các hộ dân Thiên Phú chưa đền bù; diện tích thiếu so với trên giấy, cần cơ quan chuyên ngành đo đạc xác định chính xác; sau này tiếp tục phát hiện Thiên Phú còn nợ thuế, nên Công ty phải nộp thay rồi mới làm được các thủ tục. Đây là những sự kiện bất khả kháng theo BLDS, nên Kim Oanh không có lỗi.

Thứ ba, VKSND Cấp cao cho rằng “cần thiết phải hủy kết quả đấu giá, hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để giải quyết lại nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”. Theo Luật sư Nguyễn Trâm thì đề nghị này là đi ngược Điều 4 Nghị định 10/2017/NĐ-CP.

“Khi trình tự, thủ tục cuộc bán đấu giá đã bảo đảm tuân thủ pháp luật thì Hòa Lân vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bên trúng đấu giá. VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh lẽ ra phải có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá nhưng lại đưa ra ý kiến ngược lại”, Luật sư khẳng định.

Trước quyền lợi của doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng do vụ việc kéo dài, đại diện Công ty Kim Oanh cho biết, những thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu giờ đã quá lớn và rất mong muốn Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương xem xét, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trước những quyết định rất không công bằng và thiếu căn cứ như quyết định kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP hồ Chí Minh.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm