Khi bon chen trở thành... văn hóa!

(PLO) - Cảnh tượng khu khám chữa bệnh ở các bệnh viện, từ bệnh nhân đến người thân chẳng một ai chịu xếp hàng theo số thứ tự mà họ cầm trên tay có lẽ sẽ chẳng còn xa lạ với mỗi người...
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

...Ngay đến cả bác sĩ để có thể đi vào cửa cũng phải chen qua đám người đang lộn xộn trước khu khám, khu trả kết quả. Cũng không khó để thấy hình ảnh nhóm người ở bến xe buýt, ga tàu sẽ lao đến cửa lên xe dù chiếc xe chỉ vừa kịp lăn bánh tới. Họ không ý thức được cả việc nguy hiểm đến tính mạng nếu bị xô vào xe khi xe chưa dừng hẳn.

Không thể khẳng định văn hoá người Việt thấp, nhưng ý thức của người Việt thực sự kém. Trong chúng ta ai cũng từng chứng kiến, hoặc là người bị chen lấn xô đẩy khi đang xếp hàng ở những nơi công cộng. Chuyện đứng xếp hàng dường như là một điều phiền phức?

Theo thống kê của tờ The Atlantic, hàng năm tổng gộp số thời gian người Mỹ dành cho việc xếp hàng lên tới 37 tỷ giờ. Đa số, mọi người đều tự nguyện xếp hàng. Mặc dù thời gian chờ trong hàng có thể làm họ cảm thấy nhàm chán và nôn nóng, hầu như không ai chen ngang hay vượt lên trước người khác. Mặt khác, nhiều người Mỹ chia sẻ họ cảm thấy thích thú khi được xếp hàng. Nhiều người đồng tình rằng xếp hàng là một cơ hội tuyệt vời để thảo luận đủ mọi chủ đề từ chuyện học hành trên trường lớp, chuyện công việc, đến những câu chuyện phiếm hài hước, những kế hoạch đi xa thú vị, thậm chí làm quen với bạn mới. Thỉnh thoảng, chúng ta còn thấy hình ảnh người xếp hàng trao đổi với nhau những nụ cười đồng cảm trong những lúc phải chờ đợi quá lâu. 

Ở một đất nước khác cũng có nền văn hóa xếp hàng không kém đặc biệt, đó là Nhật Bản. Xếp hàng ở Nhật Bản, không biết từ bao giờ, trở thành một sinh hoạt thường nhật, một phần của cuộc sống; vì vậy, người tham gia xếp hàng không hề cảm thấy nặng nề hay bức xúc. Cả thế giới đều đã chứng kiến, người Nhật còn có thể xếp hàng kể cả trong thảm họa động đất, sóng thần.

Những hình ảnh trên hoàn toàn trái ngược với bức tranh chen lấn, xô đẩy vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người Việt quan niệm, “làm việc gì cũng phải nhanh nhanh chóng chóng”, “làm cho xong việc của mình”, nên “xếp hàng chỉ tổ tốn thời gian”. Trong xã hội, ai cũng chỉ suy nghĩ cho cá nhân như vậy, ai cũng muốn lên hàng đầu, dẫn tới đùn đẩy, chen chúc, tranh cãi với nhau, cuối cùng cả hai bên đều mất thời gian, lại rước thêm bực dọc vào thân. 

Người Mỹ, người Nhật xếp hàng không phải vì họ không quý trọng hay vì có dư dả thời gian, mà ngược lại, họ tôn trọng thời gian của bản thân và của người khác. Xếp hàng tưởng chừng là một hành động nhỏ nhưng lại ẩn chứa nhiều bài học văn hóa đáng suy ngẫm. Tính kiên nhẫn, tự giác, bao dung vốn là đức tính được nhấn mạnh trong các nền giáo dục phát triển.

Trên thực tế, ở Việt Nam, trẻ con từ mẫu giáo cũng đã được dạy bảo việc xếp hàng theo thứ tự: xếp hàng vào lớp học, xếp hàng khi học tập, xếp hàng đến những nơi công cộng. Vậy nhưng cụm từ “văn hóa xếp hàng” dường như vẫn chưa hề tồn tại trong văn hóa của người Việt Nam ta. Thay vào đó, người lớn chúng ta  dường như quen thuộc hơn với cụm từ “văn hóa bon chen”.

Vậy, phải chăng “văn hoá xếp hàng” của người Việt có vấn đề chính vì lỗi của người lớn?

Đọc thêm