Mới đây, nữ ca sĩ trẻ Thiều Bảo Trâm đã trở lại thị trường âm nhạc sau một thời gian vắng bóng với sản phẩm "Sau lưng anh có ai kìa". Bản nhạc gây chú ý một phần bởi câu chuyện đồn đoán về tình cảm của nữ ca sĩ với một nam ca sĩ nổi tiếng hàng đầu trong làng nhạc trẻ Việt.
MV "Sau lưng anh có ai kìa”, như nhiều MV “ăn khách” thời gian qua, xoay quanh câu chuyện tình buồn, dở dang của một cô gái. Bản Pop Ballad có phần lời buồn bã, theo xu thế “lời hát như lời nói” đang thịnh hành thời gian qua đã nhanh chóng gây “sốt” trong khán giả. Với sự ủng hộ của fan hâm mộ, MV nhanh chóng lọt vào nhiều bảng xếp hạng âm nhạc online.
Sau 24 giờ phát hành, MV "Sau lưng anh có ai kìa" cán mốc 1,4 triệu lượt xem, với hơn 104 nghìn lượt yêu thích, hơn 11 nghìn lượt bình luận. Trước đó, MV bắt đầu vào Top Trending Music sau 3 tiếng phát hành, tiến lên Top 8 Trending Music sau 5 tiếng và lần lượt giữ vị trí Top 3 Trending Music chỉ sau 6 tiếng.
Đó sẽ là một tín hiệu đáng mừng cho nhạc trẻ Việt, nếu như đây thực sự là một bài hát mang giá trị âm nhạc, giá trị nghệ thuật cao. Tiếc rằng, với phần nhạc buồn buồn, đều đều, giai điệu khá êm tai và quen tai, đi cùng với phần lời mang phong cách của ngôn ngữ nói đôi phần suồng sã, bài hát chỉ có thể được coi là “sản phẩm âm nhạc giải trí”.
Khó có thể dành lời khen tặng về giá trị nghệ thuật cho những lời hát như thế này: “Mười lần buồn bằng một lần đau/Một trăm lần đau mới sốc một lần...” hay “Làm lộ hàng nước mắt rơi/Lúc đang yên đang lành bỗng trượt ngã đúng vào anh/Cảm xúc em luôn chân thành/Nay lại nhận cú tát rất đau”.
Trên nhiều diễn đàn về âm nhạc, có không ít người yêu nhạc cho rằng, việc nhiều người trẻ dành lời tán dương “sâu sắc”, “cảm xúc”, “chạm vào trái tim” cho MV nói trên liệu có quá lời? Nếu có dành lời khen cho MV, có thể chỉ dừng lại ở việc khen câu chuyện trong MV khá hấp dẫn và nữ ca sĩ hát... rõ lời.
Thực tế, nhiều năm nay, thị trường nhạc trẻ cũng đã chứng kiến trào lưu sáng tác bài hát có lời đậm chất... nói. Có thể kể đến những bài hát gây “giật mình” từ nhan đề cho đến phần lời như bài hát “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” (Phí Phương Anh - sáng tác Rin9); hay bài hát có cái tên “nhạy cảm” bị lên án thời gian qua là “Nắng cực” (Phạm Toàn Thắng)… Không ít những bài hát có phần lời ngô nghê, vô nghĩa hoặc phản cảm, nhưng vẫn trở thành bài hát phổ biến, được yêu thích, trở thành top trending và có mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc trong và ngoài nước của cộng đồng yêu nhạc online.
Tất nhiên, những bảng xếp hạng ấy, đôi khi chỉ nói lên một điều rằng nghệ sĩ ấy có nhiều fan hay không và fan có chịu “cày view” hay không. Nhưng nói cho cùng, sự phổ biến, nổi đình nổi đám của những ca khúc như thế cũng phần nào nói lên sự dễ dãi trong thị hiếu của thị trường nhạc trẻ.
Là “ca sĩ” hay “thợ hát”, là “nghệ sĩ” hay người “bán bài hát kiếm tiền”, bài hát sẽ trở thành một giai điệu đẹp trong kho tàng âm nhạc hay một “rác giải trí” mua vui nhất thời phụ thuộc vào tài năng và lựa chọn của mỗi người làm nghệ thuật, muốn đi con đường nào và cống hiến những gì cho khán giả.