Hồi đầu tháng 5, một hãng tin nước ngoài đã liên hệ với quản lý của 13 nhà tang lễ tại Hà Nội. Kết quả: Tất cả đều xác nhận không có sự gia tăng về số ca tử vong. Thậm chí, số đơn đặt hàng cho dịch vụ tang lễ giảm xuống vì trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội có ít tai nạn giao thông hơn.
Đại diện của WHO tại Việt Nam trên bản tin sau đó cũng xác nhận: Không có trường hợp nhiễm bệnh nào khác ngoài những ca được ghi nhận bởi Chính phủ.
Hãng tin cho rằng, Việt Nam đã vượt qua được đại dịch nhờ sự kết hợp giữa sự lãnh đạo sáng suốt và sự hợp tác, một lòng của người dân. Họ cũng dẫn lời một Giáo sư ĐH Oxford, giám đốc một đơn vị nghiên cứu lâm sàng đang ở TPHCM đánh giá: Các quyết định trên phạm vi toàn quốc được ban hành nhanh chóng và hiệu quả.
Cuối tháng 5, thế giới sửng sốt khi bóng đá Việt Nam trở lại với một bình luận gần như một lời chào mừng: Việt Nam đã thực sự vượt qua dịch bệnh.
Có lẽ, phải kể thêm một chi tiết rất đắt nữa: Bên dưới bài viết của tờ Daily Mail (Anh) về bệnh nhân 91 có bình luận của một độc giả ca ngợi: Một quốc gia có dân số 90 triệu, biên giới dài hàng ngàn km với Trung Quốc và cách họ ngăn chặn virus để ZERO ca tử vong.
Và đó được xem là một “Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam”.
Có thể tự hào mà nói rằng: Ở thời điểm này, chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh.
Trước Quốc hội, rất cảm động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn tới các tầng lớp nhân dân “Không chỉ có bao nhiêu cụ già và trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm ra cùng chống dịch mà còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn đóng góp vật tư, thiết bị, giữ lương cho người lao động...”.
Bày tỏ lòng biết ơn với lực lượng chức năng đã “không có đêm, không có ngày, các bác sĩ thức trắng điều trị bệnh nhân, bộ đội lội suối, băng rừng lập chốt chống dịch...”.
Đặt nhân dân ở vị trí số 1 trong chiến thắng, bày tỏ lòng biết ơn nhân dân. Xin cảm ơn Chính phủ.
Cảm ơn cả vì sự sáng suốt quyết đoán; vì những gói hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt là đối tượng yếu thế, và vì đã không để đất nước rơi vào thảm họa, rơi vào hoàn cảnh phải chọn bệnh nhân để cứu.