“Kinh tế số” là gì? Là nền kinh tế được số hóa, được hỗ trợ với máy móc; là sản xuất và bán phần mềm tin học: hay người người dùng máy tính, nhà nhà dùng máy tính; hay là gì khác…?
Trả lời câu hỏi trên, ý kiến của một chuyên gia tin học nói tại Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TP HCM với DN, chuyên gia ngành công nghệ thông tin - truyền thông, đã khiến nhiều người vỡ ra nhiều kiến thức thú vị.
Theo chuyên gia này, TP HCM nên đề xuất có khung pháp lý và cơ chế thí điểm để các thành phần ngoài công lập tham gia khai thác hệ thống dữ liệu trên cùng cơ quan quản lý nhà nước. Người dân, DN có thể trả tiền để được truy cập dữ liệu theo nhu cầu thông qua cơ chế chia sẻ nguồn thu.
Nhằm tiết kiệm thời gian và ngân sách, ý kiến đưa ra TP HCM cần quy định rõ tất cả công trình thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn trước khi hoàn công phải nộp "hồ sơ số" cho cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật vào kho dữ liệu của TP. Cách làm này giúp TP không cần phải số hóa lại và có thể khai thác ngay dữ liệu. "Dữ liệu là tài sản mà nếu khai thác càng nhiều càng hiệu quả, còn đóng là dữ liệu chết. Chính vì vậy, dữ liệu rất cần tương tác, tức tác động, sự khai thác của người dân và DN", khái niệm chuyên gia này đưa ra khiến ai cũng hiểu “dữ liệu chính là tiền” như thế nào.
Nhiều chuyên gia khác đồng quan điểm nêu trên, cho rằng hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ và cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ về quy hoạch, giá đất... để trở thành nguồn dữ liệu chung. Khi dữ liệu đầy đủ, TP có thể liên thông đầu tư công, thuế, công chứng, ngân hàng... trở thành nguồn dữ liệu mở quý giá. Nhiều nước trên thế giới đã dùng dữ liệu đất đai cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn thu mới về đất đai khi tra cứu trên mạng. Như Singapore có đơn giá rõ ràng khi tra cứu thông tin đất đai.
Đại diện Sở TT&TT TP cho biết TP đã nhìn ra vấn đề trên, đã đang tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung. Các ngành cần quan tâm phát triển nguồn dữ liệu chuyên biệt nhưng vẫn tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chung. TP sẽ phát triển dữ liệu mở để người dân, DN và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của DN, chuyên gia, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định chuyển đổi số phải là cuộc cách mạng, tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá cho thành phố và cả nước. Riêng về dữ liệu, ông cho biết Sở TT&TT đang nghiên cứu chiến lược dữ liệu và đề nghị tiếp cận ở góc độ khai thác được kinh tế dữ liệu, an ninh... Có như vậy, sẽ đưa TP về đúng vị trí, không phải so sánh với 62 tỉnh, thành mà với các TP lớn của khu vực và thế giới.
Với quan điểm như trên và khi chính quyền, các hiệp hội DN, chuyên gia cùng trở thành "đồng tác giả" đóng góp cho sự phát triển của TP HCM thời gian tới; thì tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) rằng nền kinh tế số sẽ chiếm 25% vào năm 2025 và 40% năm 2030 trong GRDP; nhất định sẽ thành hiện thực.