Khi Nhà nước bị “dọa”

(PLVN) - “Xã hội hóa” đầu tư công là một chủ trương lớn, khi Nhà nước hết khả năng “ôm”. Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) cũng vậy, càng vậy. Giai đoạn 2011 – 2015, phải nói là các nhà đầu tư rất hăng hái đầu tư theo phương thức BOT và hạ tầng GTVT. Tuy nhiên, chính sách, luật pháp ngày càng bịt kín sơ hở thì câu chuyện đã rẽ sang hướng khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về BOT, cứ cho là “vừa làm vừa xếp hàng” nhưng cũng nhắc lại năm 2017, theo kết luận Kiểm toán Nhà nước, một số dự án đưa một số nội dung chưa có trong quy định vào phương án tài chính để hoàn vốn. 5/75 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công hơn 1.400 tỷ đồng. 9/75 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác là hơn 940 tỷ đồng chưa phù hợp.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 14 dự án giao thông BOT vì có nội dung chưa có trong quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Thế nhưng, các nhà đầu tư đồng loạt phản ứng. “Đụng” vào “túi tiền” không phản ứng mới là chuyện lạ.

Kết quả sau kiểm toán là:  61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ GTVT với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

Chỉ riêng về “nhận thức” pháp luật với vấn đề BOT, dân đã thấy giữa các Bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước rõ ràng là không ổn.

Gần đây việc thực hiện Dự án thu phí tự động không dừng được xem là giải pháp “đặc trị” để công khai, minh bạch trong thu phí BOT giao thông cũng như chống ùn tắc tại các trạm thu phí. Sự chỉ đạo này có từ Chính phủ chứ không phải Bộ GTVT tự nghĩ ra, thích thì làm, không thích thì thôi.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đến nay dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước (đại diện là Bộ GTVT) thì ra “tối hậu thư” cho các nhà BOT, còn các nhà BOT thì đổ lỗi cho Bộ GTVT và “dọa” trả dự án cho Nhà nước.

Rõ ràng, có biểu hiện “nuông chiều” doanh nghiệp quá lâu dẫn đến việc hình thành cách ứng xử của những “đứa con” khó bảo. Doanh nghiệp đã “đánh hơi” rất nhanh, Nhà nước không có vốn nên đã “làm mình làm mẩy”.

Khi làm ăn dễ, “lợi nhuận” nhiều thì không thấy ai kêu Nhà nước ơi, tôi lãi; khi “siết” lại thì hờn dỗi và “đòi trả” dự án. Điều này cho thấy, khái niệm về “đạo đức” kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân là rất mù mờ.

Không chỉ BOT, ngay các dự án BT đổi công trình lấy đất ở các đô thị lớn hiện nay cũng rất nhiều vấn đề. Đừng nghĩ các doanh nghiệp BT “đạo đức” và “trách nhiệm”. Thấy “hời” họ mới “nhảy vào” đấy.  

Còn nhớ, trước đây 3 năm khi đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có tuyên ngôn ấn tượng: “Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước”. Đừng “dễ làm”, khi thắt chặt bằng “công khai, minh bạch” mà “dọa bỏ”!

Đọc thêm