Khi sân khấu không cần “hào quang”

(PLVN) - Sau gần 2 năm dịch bệnh kéo dài, những show ca nhạc online đã trở thành một “món ăn” tinh thần không thể thiếu với khán giả Việt Nam. Ý nghĩa của những hoạt động âm nhạc này vượt xa một sự kiện giải trí, chạm tới trái tim khán giả ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn nhất...

“Hát cho những ai ở trong nhà”

Đại dịch COVID-19, thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống âm nhạc Việt, khiến các hoạt động giải trí phải hoãn hủy, các sân khấu không thể sáng đèn. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn cản các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn thông qua các nền tảng trực tuyến.

Còn khán giả cũng ngày càng quen thuộc với các chương trình biểu diễn tại gia và các show trực tuyến. Không chỉ tích cực trở lại với các sản phẩm âm nhạc mới mẻ, một số ca sĩ còn đầu tư nhiều hơn vào các chương trình trực tuyến để khán giả có trải nghiệm tốt hơn cả về nghe và nhìn.

Hình thức ngày càng đa dạng, cách thể hiện và chất lượng nghệ thuật của các sản phẩm ngày càng được hoàn thiện chỉn chu hơn. Có thể kể đến show online “Hát cho những ai ở trong nhà” của Đức Tuấn, “Livestream in sweet home” của Tuấn Hưng, series “Quang Vinh Retreat” của Quang Vinh...

Những hoạt động âm nhạc này không chỉ mang đến cho khán giả một “món ăn tinh thần” đầy ý nghĩa, giải tỏa “cơn buồn chán” khi phải ở nhà, mà còn góp phần cổ vũ tinh thần chung toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Như nhà sản xuất âm nhạc - nhạc sĩ Tuấn Thăng đã nhận định, sự trở lại của các nghệ sĩ với “những đêm nhạc chất lượng, đáng xem, giúp đời sống văn nghệ vẫn tươi vui trong bối cảnh dịch bệnh tương đối ảm đạm”.

Ca sĩ Hồng Nhung biến căn nhà của mình thành “sân khấu” để thể hiện các sáng tác của chính cô và nhiều nhạc sĩ khác ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Mong muốn của nữ ca sĩ là “được góp chút giải trí nhạc thơ mùa giãn cách cho các gia đình sau cơm tối quây quần để tâm trạng mỗi người thấy thanh bình ngay cả trong giông bão”.

Ngoài show diễn tại nhà, Hồng Nhung còn xuất hiện với Hà Anh Tuấn trong series âm nhạc và cuộc sống “The master of living show”. Đặc biệt, những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Hồng Nhung thể hiện trong các buổi “biểu diễn tại gia” còn được cư dân mạng chia sẻ với nhau với sự hào hứng, trong đó cũng có cả sự hoài niệm.

Cũng với hy vọng “giúp khán giả có được những giây phút thư thái trong cao điểm chống dịch”, ca sĩ Quang Vinh đăng tải series Quang Vinh Retreat trên nền tảng Youtube. Tại đây, anh vừa trò chuyện với khách mời về cuộc sống vừa thể hiện các ca khúc theo phong cách acoustic. Ví dụ, nam ca sĩ song ca với Jun Phạm bài “Nếu em đi”, với Hiền Thục ca khúc “Đêm lạnh”, và khúc “Khi người lớn cô đơn” với Ali Hoàng Dương.

Bên cạnh đó, để “thoả” nỗi nhớ sân khấu, ca sĩ Quang Hà cũng biến phòng thu tại nhà thành một sân khấu âm nhạc. Nam ca sĩ cũng vừa thực hiện show nhạc online “Tránh COVID-19” mà anh đã thể hiện một loạt ca khúc “hit” quen thuộc, được phát trực tiếp trên fanpage Facebook của mình.

Các nghệ sĩ trẻ cũng sáng tạo những chương trình âm nhạc online theo phong cách riêng của mình. Đơn cử, trong series Moodshow được phát trên Youtube, ca sĩ Bảo Anh đã thể hiện chuỗi ca khúc thập niên 1990 được làm mới, ngay tại phòng khách nhà cô, khiến người xem cực kỳ hào hứng. Ngoài ra cũng phải kể tới series “Chill at home hát trên sân thượng” của Tăng Phúc, “Ở nhà nghe ca cùng Lân Nhã” của nữ ca sĩ Lân Nhã,… và nhiều chương trình biểu diễn trực tuyến theo dòng nhạc indie, underground.

Đáng nói, những show diễn được phát trực tiếp hoặc quay lại từ các sân khấu ở bệnh viện dã chiến cũng có sức hút to lớn đối với khán giả. Có thể nói đến những màn trình diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ tình nguyện như: Trần Mạnh Tuấn, Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Nam Cường, Ngọc Linh, Quốc Đại… Dù show diễn ra trong điều kiện thiếu thốn các thiết bị kỹ thuật sân khấu nhưng phần lớn đều gây được ấn tượng mạnh với khán giả, được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ. Bởi đó là những rung động chân thật, trong những thời khắc thật đặc biệt.

“Sẻ chia yêu thương, vượt qua đại dịch”

Âm nhạc nói riêng, văn hóa nói chung là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Âm nhạc cũng gắn liền với quá trình sáng tạo của cá nhân và cộng đồng nhằm hướng đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiều người nghệ sĩ không thể bước vào tiến tuyến để trực tiếp “đẩy lùi” dịch bệnh nhưng những tình cảm và sự tích cực họ đem đến, thông qua các sản phẩm nghệ thuật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các nhà hát thuộc Bộ thực hiện chương trình nghệ thuật online mang tên “Cháy lên” tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật được dẫn dắt bởi MC Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, với sự tham gia của các nghệ sĩ Phương Mai, Huệ Thương, Vân Anh… từ Sân khấu Đông kinh, không gian Văn hóa Việt (Nhà hát nghệ thuật Đương đại Việt Nam); nghệ sỹ Việt Cường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam; các nghệ sỹ Lệ Thu, Trang Nhung (Nhà hát Chèo Việt Nam)…

Hoạt động nằm trong chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” – một chủ đề xuyên suốt cho tất cả các chương trình trực tuyến trong giai đoạn này. Mục đích là tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch, cũng như góp thêm những “món ăn tinh thần” đến với khán giả trên khắp mọi miền đất nước trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ở một diễn biến khác, hơn 20 nghệ sĩ Việt đã cùng nhau góp mặt, hòa ca trong MV “Sống như tia nắng mặt trời” (sáng tác Đình Bảo) nhằm lan tỏa và cổ vũ tinh thần chống dịch của xã hội, đặc biệt là vùng tâm dịch Sài Gòn. Dàn sao Việt bao gồm: Cẩm Vân, Hà Trần, Thanh Hà, Minh Tuyết, Uyên Linh, Hiền Thục, Ái Phương, Bùi Lan Hương, Hoàng Mỹ An, Tóc Tiên, Orange, Quang Dũng, Đình Bảo, Quốc Thiên, Đỗ An, Khải Đăng, Mai Tiến Dũng, Soobin Hoàng Sơn, Phạm Hoài Nam, Rapper Gonzo. Ngoài ra còn có nhiều nghệ sĩ múa, các người mẫu, nhà thiết kế, các influencer (người có ảnh hưởng) và các Hoa hậu H’hen Niê, Khánh Vân.

Quả thực, mấy năm nay nhạc Việt đã trở nên vô cùng sôi động với rất nhiều thể loại nhạc, xu hướng âm nhạc du nhập từ nước ngoài như EDM, nhạc remix, MV tiền tỉ,… làm chúng ta quên rằng phần lớn âm nhạc Việt Nam vẫn có cái chất rất đời và rất nghệ thuật, không hề chạy theo số đông hay bị “đắm mình” trong những scandal vô lối.

Và trong dòng chảy xuyên suốt của âm nhạc Việt, phần đông nghệ sĩ vẫn đang không ngừng cố gắng để cải thiện kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bản thân, để mang đến cho khán giả những sản phẩm chất lượng nhất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ nhất. Về phía khán giả cũng ngày càng “gạn đục lấy trong”, tìm kiếm và tôn trọng những giá trị đích thực của nghệ sĩ và tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa.

Đặc biệt, trong những thời điểm “ngặt nghèo” nhất - mọi người đang gặp khó khăn liên tiếp bởi đại dịch, âm nhạc Việt vẫn phát huy sức sống của nó. Không cần phải là sân khấu hào nhoáng, không cần những bộ cánh đắt đỏ, ca sĩ Việt tìm đến những tâm hồn đồng điệu thông qua âm nhạc và những câu chuyện cuộc sống, như một cách để “chữa lành tâm hồn” cho chính bản thân và chia sẻ với những hy sinh, chán nản, đau thương, mất mát của khán giả.

Như ca sĩ Tùng Dương từng nói tại một đêm hòa nhạc thiện nguyện online: “Âm nhạc sẽ làm chúng ta xích lại gần nhau hơn. Người Việt với truyền thống luôn tương hỗ nhau với tình đoàn kết bền chặt. Sức mạnh của cộng đồng sẽ giúp chúng ta đối mặt và vượt qua phong ba bão táp”.