Khiếu nại về các ứng cử viên đại biểu QH và HĐND đều được giải quyết sáng tỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khẳng định của ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) khi chia sẻ với PLVN về công tác kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong thời gian vừa qua.  
Khiếu nại về các ứng cử viên đại biểu QH và HĐND đều được giải quyết sáng tỏ

- Qua đợt kiểm tra, giám sát vừa qua, theo ông có những vấn đề gì cần phải rút kinh nghiệm?

- Qua kiểm tra, giám sát đợt 1, chúng tôi thấy việc giới thiệu hiệp thương ở một số cơ quan, tổ chức do chưa nắm chắc, hiểu rõ bản chất của những văn bản hướng dẫn nên một số đơn vị - chủ yếu ở cấp huyện - tổ chức quy mô các hội nghị giới thiệu, hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác chưa được rộng rãi theo đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc tổ chức, thành lập các ban bầu cử vẫn còn hiện tượng trùng lắp giữa người được giới thiệu ứng cử là thành viên các ban bầu cử. Qua giám sát, chúng tôi đã có ý kiến góp ý ngay để điều chỉnh, tránh tình trạng vi phạm Điều 27 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử).

Ngoài ra, vấn đề lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cơ bản được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp xã các địa phương tổ chức đúng theo quy định của hướng dẫn. Tuy nhiên, có một số hội nghị cử tri nơi cư trú do việc sáp nhập các đơn vị hành chính ở thôn, tổ dân phố nên điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị này còn khó khăn nhất định…

- Thưa ông, thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ giám sát về đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến công tác bầu cử như thế nào để vừa đảm bảo công khai dân chủ, vừa lựa chọn được đúng các ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật?

- Sau khi lập danh sách sơ bộ theo Hội nghị Hiệp thương lần hai thì tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người được giới thiệu ứng cử cũng như người tự ứng cử gia tăng hơn. Thông qua công tác kiểm ra, giám sát chúng tôi cũng kiểm tra rất kỹ vấn đề này. Những vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu đối với người được giới thiệu ứng và người tự ứng cử và những đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cá nhân này đều được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách sáng tỏ, khách quan. Tất cả những thông tin này đều được công khai tại các hội nghị hiệp thương, đặc biệt là tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba.

Đến nay, chúng tôi thấy các đơn vị đã bắt đầu triển khai Hội nghị Hiệp thương lần ba (từ ngày 14 đến ngày 18/4) theo quy định của pháp luật. Trong quá trình làm, có những đơn vị có số dư đảm bảo theo Nghị quyết liên tịch số 09, nhưng vẫn còn một số đơn vị do việc dự kiến ngay từ ban đầu nên không có số dư theo Nghị quyết liên tịch này mà chỉ có số dư đảm bảo quy định theo Luật Bầu cử (tại Điều 57 đối với số dư của những người ứng cử ĐBQH và khoản 3 Điều 58 đối với số dư những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp), cho nên dễ xảy ra những tình huống mà các địa phương phải chấp nhận việc thiếu số lượng đại biểu được bầu.

- Vậy Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng giải quyết như thế nào đối với những vấn đề sau khi rút kinh nghiệm, nhất là những vấn đề nổi cộm như số dư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thưa ông?

- Sau kiểm tra giám sát đợt một, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đợt hai. Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, theo đó sẽ có 5 đoàn giám sát tại 18 tỉnh, thành. Trong đợt kiểm tra, giám sát này, chúng tôi tập trung vào Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, hội nghị cử tri dành cho người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử của mình. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiểm tra, giám sát việc lập và niêm yết danh sách cử tri, trong đó tập trung vào các địa phương có nhiều công nhân, người lao động tạm trú trên địa bàn; những nơi có cử tri đặc biệt, như các trại tạm giam, tạm giữ; những cơ sở chữa bệnh bắt buộc, thậm chí là những đơn vị cách ly phòng chống dịch, những cơ sở chữa bệnh do dịch Covid-19 gây ra. 

Một nội dung quan tâm nữa là các địa phương theo quy định của Luật Bầu cử đã thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, tổ bầu cử thì trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, không để tình trạng những ngường ứng cử tham gia vào tổ bầu cử, ban bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.

- Trân trọng cám ơn ông!

Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát đợt một vừa được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức từ ngày 19/3 đến ngày 31/3/2021 tại 16 tỉnh, thành trong cả nước, ông Phan Văn Vượng cho biết, việc chấp hành các quy định pháp luật về bầu cử của các địa phương tương đối tốt. 

Thứ nhất, các tỉnh đã vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, Ủy ban bầu cử và MTTQ một cách khẩn trương; quan tâm nhiều đến công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cũng như tổ chức các hội nghị quán triệt, tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử.

Thứ hai, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương cơ bản đảm bảo thời gian quy định, đúng thẩm quyền ban hành các quyết định và đúng các thành phần phối hợp tổ chức. 

Thứ ba, việc hiệp thương để giới thiệu những người ứng cử tại các địa phương được thực hiện đúng quy trình về thời gian, các bước theo hướng dẫn của Trung ương. Trong quá trình hiệp thương giới thiệu đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan và đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng của những người được giới thiệu ứng cử.

Đọc thêm