Kì thị mà... không biết mình kì thị?
Sự kì thị tồn tại ở hầu hết các mặt, các lĩnh vực trong đời sống hiện nay, từ vùng miền đến giới tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội, tôn giáo, văn hóa... Ngoài những kì thị được nhận diện rõ ràng, bị phê phán vì sắc thái nặng nề, thì còn rất nhiều kì thị khác, khó nhận ra hơn. Những dạng kì thị này đã trở thành một phần nhận thức tiềm tàng, khiến người ta khó lòng nhận diện được chúng, thậm chí, ngay cả người có hành vi kì thị cũng không biết mình đang kì thị.
Một dạng kì thị phổ biến, đơn giản thường gặp là kì thị vùng miền. Nhìn nhận vào thực tế, giữa các miền Bắc - Trung - Nam ở nước ta vẫn có những sự phân biệt, kì thị. Ngoài những kì thị bằng miệt thị, chửi bới kiểu “bọn này đồ nọ”, hay cách gọi Bắc kì, Nam kì, thì sự kì thị còn thể hiện ở những trạng thái tinh vi hơn.
Như cái cách nhiều người miền Nam có phản ứng nhíu mày, khó chịu hay xì xầm khi một nhóm người miền Bắc xuất hiện, hay một số người bán hàng miền Bắc có tâm lý “chặt chém” khi gặp khách miền Nam. Hoặc như những bài báo bị phản ứng mạnh gần đây về “Trai Bắc bị cả dòng họ chê trách vì lấy vợ miền Tây”...
Body shaming là một từ tiếng Anh thường được dùng phổ biến thời gian gần đây, nói về hành vi chỉ trích trực tiếp hay gián tiếp về ngoại hình của người khác. Thực tế, body shaming rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, như cách người ta gọi bạn mình là “thằng béo”, “con lùn”, hay cách mà những người đàn ông ngồi vỉa hè bàn tán, bình phẩm về thân thể những người phụ nữ chung quanh.
Những hành vi ấy diễn ra thường xuyên như một thói quen, khiến người ta thấy nó là bình thường, không nhận ra đó là một sự kì thị và có nguy cơ tổn thương đến đối tượng bị kì thị.
Ở một phạm vi rộng hơn, sự kì thị còn diễn ra bởi chính những “người trong một nước với nhau”. Thói thường, không ít người Việt khá dễ dàng và cay nghiệt trong việc phê phán đồng bào mình, trong khi rất rộng lượng với "người Tây". Cùng một hành vi, người Việt sẽ nhận được chỉ trích, nhưng với Tây, với người ngoại quốc, hành vi ấy sẽ được khen, hoặc được bào chữa bằng nhiều lý do khác nhau.
Cùng những tật xấu mà bất cứ cư dân ở bất cứ quốc gia nào cũng có thể mắc phải, nhưng nếu việc ấy xảy ra với người Việt sống ở nước ngoài, thể nào cũng có hàng loạt phản ứng “người Việt là thế”, “nhục quốc thể”... Những quan điểm, những hành vi ấy, có thể nói xuất phát từ tâm thế tự ti, chuộng ngoại. Nhưng, nhìn sâu vào, đó còn là sự kì thị dân tộc, kì thị chính mình.
Kì thị và phê phán
Sự kì thị nào cũng đi kèm phê phán, chê bai, chỉ trích. Nhưng không phải hành vi phê phán, chỉ trích nào cũng có nghĩa là kì thị. Cách đây không lâu, một nghệ sĩ trẻ đã đăng bài viết trên trang cá nhân, cho rằng mình bị kì thị, thành kiến vì các hành vi, lời nói của cô luôn bị chỉ trích bất chấp đúng sai, chỉ bởi trong quá khứ cô này đã từng mắc vài sai lầm.
Tuy nhiên, không ít bình luận đã phân tích lý do vì sao hot girl này bị chỉ trích: Xuất phát điểm, cô “tiến thân” vào showbiz bằng cách tạo scandal, khoe thân. Để rồi, dù không mấy nổi tiếng, đến nay cô vẫn lựa chọn con đường tai tiếng bằng các hành động phản cảm, phát ngôn lố lăng của mình. Nhận sự chỉ trích, phê phán là điều đương nhiên và không hề có sự kì thị hay thành kiến gì ở đây cả.
So với kì thị, cùng là chê bai, chỉ trích, nhưng thái độ phê phán chân chính khác ở mục đích của hành động. Chỉ trích xuất phát từ kì thị, đó là bởi cái tâm phân biệt và đầy thành kiến. Chỉ trích xuất phát từ phê phán có nhiều nguyên nhân hơn, có thể đó là sự tỏ thái độ trước cái xấu, cái tiêu cực, cũng có thể đó là sự chê để góp ý giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Cùng là một hiện tượng chỉ trích người Việt với nhau, nhưng hành vi kì thị sẽ đi kèm chê bai bất chấp đúng sai, ném đá mà không cần phân tích, chỉ cần đối tượng của hành vi sai là “người Việt mình”. Nhưng với hành động phê phán chính đáng, những lời chỉ trích sẽ đi kèm vạch rõ cái sai như thế nào, cần sửa như thế nào, với một mục đích lớn lao hơn là góp phần xây đắp một xã hội, một cộng đồng người Việt ngày một văn minh.
Giáo dục nhận thức không kì thị cho trẻ rất quan trọng. |
Lẽ dĩ nhiên, trong xã hội không thể thiếu đi sự phê phán. Pháp luật không thể điều chỉnh tất cả mọi hành vi của con người. Còn phải có sự điều chỉnh của đạo đức, của quan niệm đúng sai. Và phê phán chính là một trong những công cụ hữu hiệu để điều chỉnh. Vì thế, phê phán là không thể thiếu cho sự phát triển của xã hội. Điều quan trọng là phải phân biệt được đâu là phê phán và đâu là kì thị.
Xóa bỏ kì thị để phát triển
Sự kì thị có lẽ đã ăn sâu bén rễ trong mỗi một xã hội, với mọi hình thức có thể. Cách đây khá lâu, có câu chuyện về một cô bé đã tự sát, để lại lá thư tuyệt mệnh, lý do rất đơn giản vì cô là con chiên ghẻ trong gia đình. Chỉ vì không được xinh đẹp, học giỏi như các chị em trong nhà, cô bé luôn bị đối xử phân biệt, nhận nhiều trách mắng, mọi hành vi đều khiến gia đình phải “ngứa mắt” nhận những cơn mưa chỉ trích.
Những uất ức kéo dài, lâu dần khiến cô bé rơi vào trầm cảm, mất đi mục đích sống và tự sát. Tương tự, tại các trường học, sự kì thị vẫn tồn tại, bởi những học sinh giỏi giang, có thành tích, khỏe mạnh hay giàu có trước những học sinh nhỏ, yếu hơn. Và kì thị ở trường học sẽ biến tướng thành vấn nạn bạo lực học đường, gây ra bao hậu quả khó lường.
Có thể khẳng định, sự kì thị để lại những vết thương rất sâu đối với nạn nhân. Đó là vết thương trong tâm lý, trong tâm hồn. Ở khía cạnh cá nhân, sự kì thị khiến cho nhiều người “ngóc đầu dậy không được”. Có người phản ứng xã hội, có người nảy sinh thái độ bất mãn và tiêu cực. Có người trầm cảm, xa lánh mọi người hay rơi vào con đường xấu, thậm chí chọn cái chết để kết thúc tất cả.
Ở góc độ cộng đồng và xã hội, sự kì thị cũng đem lại những vết thương lớn hơn. Đó là sự mất đoàn kết, thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa một số cư dân vùng miền, giữa những người khác nhau về trình độ văn hóa, kinh tế, về cả nghề nghiệp hay tuổi tác, kì thị với bệnh tật...
Hoạt động nói không với kì thị người nhiễm HIV. |
Sự kì thị đã khiến người ta nhìn nhau bằng con mắt thiếu thiện cảm, không nhìn nhận nỗ lực, năng lực hay phẩm chất của nhau, đưa ra những lựa chọn sai lầm... Ở góc độ quốc tế, những vấn nạn kì thị chủng tộc, kì thị sắc tộc, bất bình đẳng giới... vẫn đang gây ra những nỗi đau khó xóa bỏ trên toàn cầu.
Lẽ dĩ nhiên, kì thị đi ngược với sự phát triển, nói một cách khác là cản trở sự phát triển của các mối quan hệ gia đình, cá nhân và của xã hội nói chung. Nhưng để xóa bỏ kì thị hoàn toàn không phải là việc dễ dàng, khi mà có những kì thị đã ăn sâu vào máu, có những dạng kì thị được ẩn nấp dưới những hình dạng khác mà không dễ nhận ra.
Để xóa bỏ kì thị, trước hết có lẽ mỗi người cần học cách nhận diện sự kì thị mà ai cũng có trong lòng. Ngờ vực, ganh ghét, phân biệt, thành kiến... những bộ phận của sự kì thị rất cần được chỉ mặt đặt tên một cách thẳng thắn. Có nhận diện thì mới có thể loại bỏ.
Và nữa, sự mở lòng của mỗi con người, mỗi cộng đồng hay mỗi quốc gia chính là cách phá bỏ những rào cản để kì thị biến mất. Cùng là con người, dù màu da, sắc tộc, giới tính, sức khỏe, điều kiện kinh tế hay nghề nghiệp thế nào thì đều có cùng dòng máu đỏ, cùng biết yêu thương và biết đau đớn.
Quan trọng hơn là, sự kì thị không đem lại gì ngoài những vết thương. Chỉ có mở lòng, yêu thương không phân biệt thì mới có thể xóa bỏ kì thị, đem lại sự phát triển bền vững, tình yêu thương và hòa bình.