Khó thoát lưới trời...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Duy Toản (SN 1987), Trần Quốc Khánh (SN 1984), Phan Đình Thư (SN 1998) đều ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và Đỗ Chí Huy (SN 1993, ở Đắk Lắk) ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Theo cáo trạng, Nguyễn Duy Toản làm việc trong lĩnh vực kiếm tiền trực tuyến (MMO) thông qua việc chạy quảng cáo thuê cho các trang web trên Google ads và lập các trang thương mại điện tử để bán hàng online dưới hình thức “dropship” (nhập hàng từ đại lý và bán lại cho khách để hưởng chênh lệch). Từ khoảng tháng 2/2019, Trần Quốc Khánh đến làm việc cho Toản. Công việc ban đầu của Khánh là đăng tải sản phẩm lên trang thương mại điện tử trên nền tảng Shopify để bán hàng và chạy quảng cáo.

Do các website được duyệt chỉ hoạt động từ 1 - 3 tuần sẽ bị Google khóa nên Toản yêu cầu Khánh lập thêm các website để khi website nào bị khóa thì có website khác thay thế, đảm bảo việc kinh doanh không bị gián đoạn.

Ban đầu, Toản hướng dẫn Khánh tạo các tài khoản quảng cáo Gooogle ads (dùng để chạy quảng cáo các website bán hàng trên hệ thống Google Shoping) các mặt hàng chủ yếu là đồ chơi, giày dép, quần áo... Sau đó, từ khoảng tháng 12/2019, các website mà Toản chỉ đạo Khánh chạy để bán hàng đều dưới hình thức bán hàng nonship (không giao hàng). Thông tin trên các website này đều là giả từ thông tin người bán hàng đến các loại mặt hàng…, còn giá bán thì thấp hơn 20 -30% giá bán thực tế.

Từ khoảng tháng 3/2020, nắm bắt được tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ bùng phát, người dân Mỹ có nhu cầu mua các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh… nên Toản chỉ đạo Khánh lập các website thương mại điện tử như uggone, mimomart, galaxymart… để chạy quảng cáo bán các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19. Trên thực tế Toản không có các sản phẩm này.

Lúc này, do các đơn hàng khách đặt phát sinh số lượng lớn, đồng thời tài khoản email của Khánh sử dụng đăng ký mua các tên miền nhận được nhiều phản hồi, khiếu nại từ phía khách hàng về việc không nhận được hàng và yêu cầu hoàn tiền, Khánh đã hỏi Toản lý do có các phản hồi trên. Toản bảo Khánh không cần bận tâm mà cứ tập trung vào việc tạo lập website. Từ đó, Khánh biết việc Toản bán hàng nhưng không giao hàng song vẫn làm chỉ đạo của Toản.

Cũng trong thời gian này, Phan Đình Thư là cháu ruột của Toản, học công nghệ thông tin đến ở cùng Toản. Toản đã chỉ đạo Thư và Khánh mua 330 Domain (tên miền) của Mỹ, chuẩn bị mã nguồn để tạo lập 110 trang website thương mại điện tử, chạy quảng cáo trên Google Shoping; lập tài khoản Paypal (trang thanh toán điện tử quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet có trụ sở chính đặt tại Mỹ) để nhận tiền từ khách hàng đặt hàng.

Sau khi thiết lập website, Thư chuyển lại cho Khánh để chỉnh sửa và đăng các mặt hàng phòng chống dịch. Các sản phẩm đăng lên website vẫn được Khánh tự sao chép trên các trang website thương mại điện tử lớn của Mỹ như Walmart, Bestbuy… mà không cần quan tâm đến khả năng cung cấp hàng hóa, rồi sau đó để giá thấp hơn so với giá niêm yết trên trang website là 20 - 30%. Thư và Khánh để thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại...) của các website bán hàng là thông tin ảo có địa chỉ tại Mỹ nhằm tạo sự tin tưởng cho người mua. Thực tế, khi khách hàng đã thanh toán tiền đơn hàng thì không nhận được hàng, khi phát hiện có gian lận trong việc bán hàng, muốn liên lạc vào các địa chỉ đó sẽ được thông báo là thông tin liên lạc không chính xác hoặc không liên lạc được.

Tạo vận đơn ảo để lừa khách hàng

Để nhận tiền thanh toán, Toản giao cho Khánh, Thư tạo tài khoản Paypal liên kết với các website thương mại điện tử mà Khánh và Thư đã lập. Tuy nhiên, theo chính sách bảo vệ người mua của Paypal, các tài khoản Paypal mới sử dụng của Khánh và Thư lập sau khi được khách hàng thanh toán tiền bị khóa tính năng rút và chuyển tiền trong thời gian 180 ngày. Vì vậy, Toản đã liên hệ với Đỗ Chí Huy và Trần Thanh Quý Quyền (SN 1991, ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Toản đề nghị Huy và Quyền cung cấp các tài khoản Paypal có uy tín cao (có khả năng rút tiền nhanh) để liên kết với các website do Toản tạo ra. Mục đích để sau khi khách hàng thanh toán bằng tiền USD vào các tài khoản Paypal của Huy và Quyền thì cả hai sẽ rút, chuyển cho Toản với tỷ lệ 15.000 - 16.000 đồng/USD theo từng thời điểm. Phần chênh lệch còn lại, Huy và Quyền được hưởng.

Do các mặt hàng nhóm của Toản đăng bán đều có giá trị thấp, hầu hết đều dưới 50 USD nên không phải khách hàng nào cũng phản hồi với Paypal hoặc cơ quan quản lý thị trường Mỹ khi không nhận được hàng. Một số khách hàng không nhận được hàng đã cố gắng vào lại các website, cố liên hệ đến các số điện thoại được cung cấp trên website nhưng đều không liên lạc được, nhiều website đã bị đóng sập hoặc thay đổi tên miền, không mở được. Do đó, họ đã phản hồi trực tiếp đến ví điện tử Paypal về việc không nhận được hàng và không liên lạc được với người bán hàng.

Paypal sau đó đã thông báo về email của các tài khoản Paypal đã được liên kết vào các trang website về các phản hồi của khách hàng và liệt các giao dịch đó vào loại giao dịch có tranh chấp, đồng thời khóa một số tính năng chuyển, rút tiền với tài khoản Paypal của người bán. Thấy vậy, Toản chỉ đạo Thư vào các trang website của đơn vị vận chuyển (UPS) sử dụng thông tin khách hàng đã phản hồi trên Paypal để tạo các mã vận đơn ảo rồi tải lên Paypal để đánh lừa khách hàng rằng đơn hàng đã được chuyển đi.

Khi thấy khách hàng phản ánh không nhận được hàng trên Paypal, Huy và Quyền hỏi Toản lý do. Nhận được câu trả lời “do dịch bệnh COVID-19” nên việc giao hàng bị chậm, họ không hỏi nữa. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2020, Huy đã chủ động hỏi Toản về việc bán hàng online bên Mỹ là như thế nào. Lúc này, Toản mới nói hình thức bán hàng là nonship (không giao hàng cho khách). Do đó, Huy đề nghị Toản để Huy hỗ trợ thanh toán Paypal với tỷ lệ ăn chia 60 - 40% trên tổng số tiền chiếm đoạt.

Sau khi “bắt tay” với Toản, Huy cấp cho Toản 29 tài khoản Paypal và nhận 35.984 USD. Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền Toản hưởng lợi là hơn 2,2 tỷ đồng. Toản sử dụng số tiền trên để mua tên miền, mua hosting để tạo website, chạy quảng cáo bán hàng, trả lương… và mua căn hộ tại dự án Vinhomes Westpoint.

Cái giá phải trả

Theo hồ sơ vụ án, sau khi có nhiều thư phản hồi của người dân Mỹ về việc các trang web do Toản và đồng bọn lập ra để bán hàng nonship, sau đó chiếm đoạt tài sản, Cơ quan An ninh điều tra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra ban đầu và chuyển tài liệu, phối hợp với Cơ quan điều tra của Việt Nam để làm rõ hành vi phạm tội của Toản và đồng phạm.

Cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn trên, nhóm của Toản đã chiếm đoạt tiền mua của 36.666 lượt khách hàng số tiền tương đương hơn 14,1 tỷ đồng. Quá trình hoạt động bán hàng nonship, Toản đã hưởng lợi hơn 2,2 tỷ đồng còn Huy hưởng lợi 202,9 triệu đồng.

Với hành vi nêu trên, Toản và đồng phạm bị truy tố, đưa ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Toản 15 năm tù, Trần Quốc Khánh 8 năm tù, Phan Đình Thư 7 năm tù và Đỗ Chí Huy 4 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Bởi theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo đã coi thường pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi và tài sản của khách hàng được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Trong vụ án này, các bị cáo có trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin nhưng vì lòng tham nên đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong đó, bị cáo Toản đóng vai trò khởi xướng, hai bị cáo Khánh và Thư đều giúp sức đắc lực cho Toản hưởng lợi số tiền bất chính. Nhưng vai trò giúp sức của Khánh lớn hơn Thư nên Khánh nhận mức hình phạt cao hơn.

Về dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo hoàn nộp số tiền mà các bị cáo đã hưởng lợi bất chính trong vụ án này để sung công quỹ Nhà nước.

Đối với Trần Thanh Quý Quyền, theo cơ quan chức năng, Quyền có hành vi hỗ trợ cho Toản thanh toán trực tuyến bằng cách cung cấp các tài khoản Paypal, để Toản liên kết vào các trang web thương mại điện tử nhận thanh toán với giá 15.000 – 16.000 đồng/USD. Kết quả điều tra xác định Quyền không biết các trang web thương mại điện tử của Toản bán mặt hàng gì và được Toản khẳng định là có giao hàng cho khách đầy đủ, không bán hàng nonship. Do đó, không đủ căn cứ xác định Quyền có hành vi hỗ trợ cho Toản trong việc bán hàng không giao hàng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng Quyền sử dụng song song 2 loại tài khoản để rút tiền khách hàng đã thanh toán đơn hàng nhanh nhằm tránh các chính sách đóng băng, hạn chế các quyền rút tiền của Paypal. Tương tự, Huy cũng có hành vi cung cấp các tài khoản Paypal cho Toản để hỗ trợ thanh toán trên các trang web thương mại điện tử đến trước tháng 6/2020. Kết quả điều tra xác định Huy không biết việc Toản bán hàng nonship trên các trang web đó nên Huy không đồng phạm với Toản trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng phương thức rút tiền của Huy cũng tương tự của Quyền. Do đó, cơ quan điều tra đã có công văn đề nghị Cơ quan An ninh điều tra nội địa Hoa Kỳ tại TP HCM (HSI) yêu cầu Paypal trả lời về phương thức, thủ đoạn trên có vi phạm quy định của Paypal không để đánh giá mức độ vi phạm pháp luật. Hiện HSI chưa có công văn trả lời nên cơ quan điều tra tách hành vi của Quyền và Huy để xem xét, xử lý sau.

Đọc thêm