Sai quy hoạch Chính phủ phê duyệt
Từ hồ sơ xin thu hồi đất của UBND huyện để thực hiện dự án nêu trên, ngày 23/8/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản thẩm định hồ sơ đất đai. Mục kết luận của Biên bản này ghi rõ: “Theo quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt thì vị trí khu đất quy hoạch (đất làm dự án - PV) là đất chuyên trồng lúa nước và đất nuôi trồng thủy sản”.
Điều tra cho thấy, quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 4/6/2002, sau đó được xét duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 31/2007/NQ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ. Việc tỉnh và huyện tự ý điều chỉnh lại quy hoạch vị trí khu đất từ đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản để làm dự án, mà không được sự phê duyệt của Chính phủ, không những là trái luật, mà còn trái chỉ đạo của Thủ tưởng.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 27 Luật Đất đai 2003 quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, xét duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp đó”.
Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/4/2008 của Thủ tướng về việc "rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 trên địa bàn cả nước”, thể hiện rõ: "Trường hợp nhất thiết phải chuyển đổi đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc đối với các dự án có ảnh hưởng đến khu vực sản xuất nông nghiệp liền kề… thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt dự án…”. Tuy nhiên trong hồ sơ dự án, không thấy thể hiện việc tỉnh báo cáo Thủ tướng sự việc này.
Bỏ qua quy định tái định cư
Theo Quyết định số 5152/QĐ-UBND ngày 11/11/2011 của UBND huyện Khoái Châu về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án trên, có những diện tích đất thổ cư bị thu hồi của nhiều hộ dân. Tuy nhiên địa phương này hoàn toàn không đề cập đến phương án tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi.
Các phương án bồi thường thu hồi đất được lập từ cấp xã đến hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện cũng đều bỏ qua nội dung xem xét bồi thường bằng đất ở mới hoặc tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Đây là những hành vi sai Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Đất đai các thời kỳ đều quy định rõ: “Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi”. Địa phương phải lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền; bồi thường bằng đất ở…
Thế nhưng những quyền lợi cơ bản này của người dân đều bị địa phương bỏ qua. Thậm chí như phản ánh của ông Đoàn Bá Mạnh (một hộ dân bị ra quyết định thu hồi đất trong dự án này), trong cuộc họp với dân ngày 3/11/2017 vừa qua, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường còn cho rằng: “Một số hộ dân không chỉ có căn nhà này là duy nhất, nên không bố trí tái định cư”. Ông Mạnh đánh giá đây là quan điểm sai pháp luật nghiêm trọng, nên sau đó đã phản bác và xin ra về vì “đã diễn giải sai luật như vậy thì không còn gì để “thảo luận đối thoại” nữa”.
Quan điểm nêu trên không chỉ diễn giải pháp luật sai lệch tùy tiện, mà còn mâu thuẫn với chính hành động của địa phương. Hộ dân Lê Thị Kim Dung phẫn nộ: “Địa phương nói như vậy còn là cãi cùn, đối phó. Vậy với gia đình tôi, không có diện tích đất nào khác nhưng vẫn bồi thường nhà cửa rẻ mạt, không bố trí tái định cư, đòi cưỡng chế lấy nhà đất rồi đẩy dân ra đường thì sao?”.
Ép cán bộ phản đối phải nghỉ việc
Sai phạm như vậy, nên không chỉ bị sự phản ứng của dân, mà dự án còn vấp phải sự phản đối của cán bộ địa phương. Như trường hợp của chi hội trưởng phụ nữ Đỗ Thị Thanh (SN 1970, ngụ đội 3, thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến). Không đồng tình việc chính quyền “đè dân” thu hồi đất thực hiện dự án, bị cấp trên gây sức ép, chị Thanh đã phải làm đơn xin nghỉ làm trong sự uất ức.
Chị Thanh cùng người chồng bị ung thư giai đoạn cuối: “Tôi không sống vì cái chức chi hội trưởng phụ nữ mà bỏ quyền lợi hợp pháp của dân”. |
Trong dự án án trên, bản thân gia đình chị Thanh cũng có 216m2 đất ruộng bị thu hồi, nhận được nhận khoản hỗ trợ giải phóng mặt bằng “bèo bọt” chưa tới 60 triệu đồng. Vị chi hội trưởng phụ nữ quyết liệt phản đối dự án, không chỉ vì khoản đền bù bao nhiêu tiền, mà còn nghi ngờ tính minh bạch của dự án. “Cấp trên nói thu hồi đất xây công trình này công trình nọ làm lợi cho dân nhưng tôi thấy dân không được lợi gì cả. Ở đây họ “xẻ thịt” đất của dân để bán trục lợi. Nếu lấy đất của dân làm đường trường trạm thì chúng tôi đã sẵn sàng ngay”.
“Người ta thu hồi đất, đền bù với số tiền rất nhỏ rồi bán lại giá “cắt cổ”. Một sào đất đền bù chỉ vài chục triệu, sau đó phân lô bán tiền tỷ. Như vậy chẳng khác nào trục lợi trên mồ hôi nước mắt của dân, cướp đất của dân”, chị Thanh bức xúc phản ánh bên mảnh ruộng của gia đình nay đã bị cưỡng chế, đã bị những người khác sang tên mua đi bán lại, mọc nhà cao tầng, dù gia đình chị chưa kí vào bất kỳ biên bản nào, chưa nhận tiền đền bù.
Chị Thanh thuật lại, trong quá trình thực hiện dự án, gia đình chị và nhiều hộ dân khác đòi quyền thỏa thuận với nhà đầu tư. Chính quyền thì khăng khăng áp đặt giá bồi thường rẻ mạt. Chị cương quyết phản đối, dù nhiều đoàn cán bộ thay nhau đến nhà “vận động” “hãy nhận tiền đền bù để giữ hình ảnh cán bộ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”. Thuyết phục không được, địa phương chuyển sang gây sức ép, nói nếu nhận tiền đền bù mới được tiếp tục làm chi hội trưởng phụ nữ. Chịu quá nhiều sức ép, cuối cùng chị Thanh tự làm đơn xin nghỉ chức vụ chi hội trưởng phụ nữ. Chị uất ức: “Tôi không sống vì cái chức chi hội trưởng phụ nữ mà bỏ quyền lợi hợp pháp của dân”.
Sau khi nghỉ công tác hội phụ nữ, chị Thanh đi làm công nhân tại một công ty may mặc. Sau đó hơn năm nay chị phải ở nhà chăm chồng bị ung thư phổi giai đoạn cuối, cả gia đình giờ chỉ còn hơn sào ruộng nên cuộc sống rất chật vật. “Địa phương cứ lấy đất nông nghiệp rồi áp giá rẻ hơn rau thế thì chúng tôi sống bằng cách nào? Nông dân không có ruộng, nghề nghiệp cũng không, lấy gì sống đây?”, chị Thanh đặt câu hỏi.
“Địa phương nói quan tâm quyền lợi của dân nhưng người dân ở đây chẳng được quyền lợi gì cả. Áp giá rẻ mạt rồi bắt dân nhận tiền, đến lúc cưỡng chế thu hồi đất thì đoàn nọ đoàn kia, “xã hội đen” o ép người dân không dám ra, thế là mất đất. Tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những mập mờ của dự án”, chị Thanh nói.
Theo hồ sơ sự việc, dự án nêu trên còn mạo danh “công ích” để “xẻ thịt” hàng trăm ngàn m2 đất, vướng nhiều sai phạm cơ bản như không có đánh giá tác động môi trường, đấu giá sai quy trình… PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.
Đối thoại công khai nhưng… “cấm cửa” báo chí
Chiều ngày 3/11, tại trụ sở UBND xã Dân Tiến, Ban thực hiện cưỡng chế UBND huyện Khoái Châu tổ chức hội nghị vận động, thuyết phục, đối thoại với hai hộ dân Đoàn Bá Mạnh và bà Lê Thị Kim Dung, là hai trong số những hộ dân đang khiếu nại, tố cáo dự án có nhiều sai phạm; và chưa chấp nhận phương án đền bù.
Nhóm PV báo PLVN và một số cơ quan báo chí đã liên hệ với cán bộ, cơ quan chức năng yêu cầu cùng tham dự buổi đối thoại công khai, thực hiện vai trò giám sát của báo chí. Các nhà báo cam kết chỉ ghi nhận sự việc, không phát biểu, không làm mất trật tự ảnh hưởng đến hội nghị. Tuy nhiên yêu cầu này bị từ chối.
Trưởng công an xã cho rằng “chỉ mời các hộ có đất lên họp công khai, mục đích lắng nghe tâm tư nguyện vọng hai hộ có đất bị thu hồi chứ không mời báo chí”. Hội nghị công khai, mục đích vận động dân chấp hành pháp luật, tại sao lại cấm báo chí? Các anh dựa vào quy định nào để không cho báo chí tham dự? Lúc này trưởng công an xã không trả lời được.
Khi PV tiếp tục yêu cầu đoàn cán bộ có ý kiến thì cán bộ tư pháp xã ra ngoài, cho hay: “Lúc đầu tưởng có báo chí tham dự nên chúng tôi đã chuẩn bị thêm ghế, nhưng huyện không nhất trí, chỉ họp với các thành phần trong giấy mời”.
Ngay sau đó một người mặc thường phục mở cửa ra hành lang tự giới thiệu là Nguyễn Duy Thanh, “đội trưởng đội an ninh công an huyện Khoái Châu”. Ông Thanh cho rằng “UBND huyện chỉ đạo họp đúng thành phần”. Hỏi ông Thanh có được giao trách nhiệm tiếp báo chí hay không, ông này trả lời “không phải, mà tôi nhìn thấy các nhà báo nên mời các anh xuống phòng uống nước”. Ngay sau đó, xuất hiện một người ngồi chắn cửa ra vào phòng họp, cài then gác cửa. Được biết ngay sau đó các hộ dân được mời tham gia “vận động, đối thoại” đều đã xin ra về vì quyền lợi hợp pháp của họ không được đảm bảo. “Đến quyền giám sát của báo chí còn bị địa phương cản trở, thì quyền lợi hợp pháp của chúng tôi chắc chắn cũng bị họ coi thường, dẫm đạp như gần chục năm nay”, hộ dân Đoàn Bá Mạnh nói.