Khôi phục lòng tin

(PLO) - Tết Mậu Tuất đang đến với mỗi người, mỗi nhà và quê hương, đất nước. Mỗi độ xuân về, ai cũng thế, trong lòng nghĩ về một năm đã qua với những việc làm được, chưa được và mơ ước về năm mới với những dự định, khát khao.
Kỷ luật ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016.
Kỷ luật ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong niềm vui của mỗi người có niềm vui về sự chuyển mình của đất nước. Trong tất cả những thành tựu của năm Đinh Dậu, phải nói rằng, dấu ấn về một năm khôi phục lòng tin luôn đậm nét.

Chỉ mới cách đây mấy ngày thôi, ngày 5/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 96-TTr/UBKTTW, ngày 26/1/2018, về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

Như vậy ông Lê Phước Thanh là trường hợp mới nhất bị cách chức, dẫu chức vụ mà ông bị “cách” đã qua. Trước đó, các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, Phạm Văn Vọng, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Quốc Tuấn đã từng bị cách chức đẫ là “chức quá khứ”. 

Trước đây, do cách làm nể nang, “giơ cao đánh khẽ” nên trong dân gian đã xuất hiện những thành ngữ mới bổ sung vào kho tàng thành ngữ Việt vốn đã rất phong phú như: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, “Hạ cánh an toàn”....Với việc “sáng tạo” cách chức cán bộ cao cấp dù họ không còn ở chức vụ ấy, cho thấy đã đến lúc “hạ cánh” khó an toàn. Đây là một sự sáng tạo. Bởi, mỗi một người xung quanh có bao nhiêu quan hệ, gia đình, con cái, đồng chí, đồng nghiệp, anh em, chưa nói tới làng xóm; thậm chí đi chợ người ta còn nói cái ông này, ông kia sai phạm bị cách chức... Không chỉ người bị cách chức “đau” mà ý nghĩa giáo dục, răn đe người đang thừa hành công vụ chính là chỗ đó.

Cùng với việc xử lý cán bộ sai phạm, những ngày đầu năm 2018 sự quan tâm đặc biệt đến 2 phiên tòa, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp của Đảng. Đó là phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Đó là, phiên toà xét xử Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Điều mà dư luận chú ý, đó là trong lịch sử của Đảng chưa khi nào phải xét xử những người đã từng là cán bộ cao cấp như vậy. Đó là điều đáng suy nghĩ. Vì lẽ, cán bộ cao cấp được đào tạo, thử thách và qua nhiều cương vị công tác thì ít nhất đủ tin cậy để không phạm phải tham nhũng.

Việc công khai xét xử những vụ án như vậy đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, tạo ra phong trào lớn hiện nay mà bất kỳ thành viên nào trong Đảng cũng không thể đứng ngoài cuộc, không thể coi đó là việc của người khác. Càng chứng minh rằng: “không có vùng cấm”, “không có việc hạ cánh an toàn”.

Dấu ấn này đã và đang tạo hứng khởi trong năm mới Mậu Tuất để đất nước phát triển bền vững. T.T

Đọc thêm