Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo số liệu của Tổ chức Global Wellness Institute (GWI), tổng kinh tế Wellness toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 4.400 tỷ USD và dự kiến đạt đến 7.000 tỷ USD vào năm 2025. Riêng lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.
Du lịch chăm sóc sức khỏe gồm nhiều hoạt động từ cảnh quan thiên nhiên môi trường, dưỡng lão, chữa bệnh – phục hồi sức khỏe, thẩm mỹ, văn hoá tín ngưỡng, ẩm thực và giao lưu cộng đồng địa phương. Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm Onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của Nhật Bản, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ, Thái Lan với các khu nghỉ dưỡng cho người về hưu…
Điều đáng chú ý là mức chi tiêu cho du lịch Wellness này luôn cao hơn so với du lịch thông thường. Cụ thể là đối với khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều hơn 35% và khách du lịch nội địa chi nhiều hơn 77%. Điển hình là chi phí cho phòng của các khu du lịch nghỉ dưỡng này luôn ở mức cao từ vài trăm USD đến hàng ngàn USD một đêm, ngay cả tại Việt Nam.
Luật Du lịch (2017) của Việt Nam đã quy định dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch là những loại hình dịch vụ do các tổ chức, cá nhân trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhằm phục vụ nhu cầu về nâng cao sức khỏe, thể chất tinh thần của khách du lịch. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại.
Trong những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có các cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn đã được quan tâm đầu tư, có thể kể đến các điểm đến như: Kim Bôi (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), các khu du lịch, nghỉ dưỡng của Sun Group ở Quảng Ninh, Phú Quốc,… các khu đô thị như Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận), Ecopark (Hà Nội)… cũng đã tạo sức hút đối với khách hàng và du khách quan tâm đến chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại hình này của Việt Nam còn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phổ biến nhất là spa và tắm nước khoáng nước nóng với nhiều cơ sở hoạt động phục vụ khách du lịch, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khác hiện nay còn rất ít.
Thiếu chính sách định hướng tổng thể
Tại Hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản (BĐS) chăm sóc sức khỏe" diễn ra mới đây, các chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng loại hình BĐS này chưa phát huy hết tiềm năng như: Đây là khái niệm mới tại Việt Nam; “Nút thắt” về nguồn vốn; Chất lượng đội ngũ nhân lực; Công tác quảng bá tiếp thị còn hạn chế…
Vấn đề pháp lý cho loại hình BĐS này cũng được đặt ra, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam vẫn chưa có định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận, cho đến cơ chế liên kết - phối hợp giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - y tế - thể thao…
Theo TS-KTS. Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng, tại Luật Du lịch 2017, hình thức du lịch “chăm sóc sức khỏe” chưa được đề cập đến tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ). Tương tự, trong luật chưa gắn du lịch với y tế và chăm sóc sức khỏe tại các Điều 5 (Chính sách phát triển du lịch); Điều 15 (Các loại tài nguyên du lịch); Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) và Mục 3 (Lưu trú du lịch).
“Đây sẽ là điểm tồn tại khó khăn pháp lý, cần chỉnh lý. Do là căn cứ cơ sở để xác định, lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe cho các nhà đầu tư cũng như với chính quyền các cấp để quy hoạch sử dụng đất hình thức BĐS này” - Chuyên gia này phân tích.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), muốn phát triển BĐS nghỉ dưỡng cần khơi thông về mặt chính sách. Ví dụ hiện nay Luật Xây dựng cho sở hữu nhà với người nước ngoài nhưng Luật Đất đai chưa cho phép điều này. Đây cũng là rào cản để phát triển BĐS nghỉ dưỡng hay du lịch nghỉ dưỡng.
Tương tự, hình thức du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là các loại hình như condotel, sở hữu kỳ nghỉ. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện chỉ công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, còn dạng sở hữu dưới dạng kỳ nghỉ hay condotel chủ yếu dưới dạng hợp đồng dân sự.
Do đó, ông Thọ cho rằng rất cần hành lang pháp lý rõ ràng để người mua/ sở hữu được yên tâm, đồng thời cho biết trong sửa đổi Luật Đất đai tới đây, quan điểm của Bộ TN&MT là cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhà đầu tư; cân bằng giữa lợi ích các địa phương, nơi nào có thể phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nơi cần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; cân bằng thế hệ hiện tại và tương lai để nơi thải khí cacbon phải trả phí cho nơi hấp thụ cacbon.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đây là điều không thể không làm. “Cần có cơ chế mở với các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua và sở hữu BĐS. Vấn đề này hiện vướng với Luật Đất đai và Xây dựng. Quan điểm của tôi là chúng ta cứ làm và mở ra dần dần…” - ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới, về cơ bản chưa cho phép nước ngoài có được quyền sử dụng đất của chúng ta, đây là vấn đề rất quan trọng. “Quan điểm của tôi là cần tiếp tục nghiên cứu để cho phép người nước ngoài được mua, được sở hữu nhà ở, các loại hình BĐS tại Việt Nam, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, được nhận tài sản thế chấp, để có thể cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này phải nhất quán và hoàn toàn khả thi, đảm bảo có lợi cho các bên và đặc biệt là an toàn…” - ông Lực đề nghị.