Không bổ sung hình thức sử dụng đất xây nhà ở thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 11/1, với 87,37% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Kết quả biểu quyết thông qua dự án Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua dự án Luật.

Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, dự thảo Luật trình Quốc hội (QH) ban đầu quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, qua thảo luận của các đại biểu QH, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).

Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như Chính phủ trình để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Ủy ban thường vụ QH giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng; trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo QH xem xét, quyết định; tiến hành tổng kết để xem xét việc luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, dự thảo Luật trình QH thông qua đã tiếp thu ý kiến đại biểu QH đề nghị có quy định loại trừ giữa quy định ủy thác để phân biệt rõ các trường hợp ủy thác thi hành án; bổ sung nội dung quy định về hồ sơ ủy thác thi hành án tại khoản 1 Điều 57 để bảo đảm đồng bộ và áp dụng thống nhất; làm rõ thời hạn “tạm dừng việc xử lý tài sản”, quy định cụ thể thủ tục xử lý tài sản sau khi không còn lý do “tạm dừng”; quy định chi tiết việc ủy thác xử lý tài sản; rà soát kỹ cả về nội dung và kỹ thuật nhằm bảo đảm tính thống nhất và đáp ứng yêu cầu áp dụng ngay của Luật.

Đọc thêm