Không đăng ký tạm trú bị xử phạt như thế nào?

(PLVN) - Lao động tự do lên thành phố làm việc phải thuê phòng trọ ở thì có phải đăng ký tạm trú không? Thủ tục đăng ký như thế nào? Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc (Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) sẽ giải đáp những thắc mắc về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn đọc Nguyễn Hòa (Hà Tĩnh) hỏi: Tôi là lao động tự do, lên thành phố bán hàng và mấy người nữa cùng thuê chung một phòng trọ. Nay chủ nhà đến yêu cầu chúng tôi đi đăng ký tạm trú, nếu không sẽ bị phạt. Tôi tưởng chủ nhà phải đi đăng ký tạm trú cho chúng tôi nên dù đã ở được hơn 2 tháng, chúng tôi vẫn chưa đăng ký tạm trú. Cho tôi hỏi, chủ nhà nói thế có đúng không? Nếu bị phạt thì chúng tôi sẽ bị phạt bao nhiêu? Nếu đi đăng ký tạm trú, chúng tôi phải có những giấy tờ gì?

Ai phải đăng ký tạm trú?

LS Hùng cho biết: Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn hoặc dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú (Điều 1 Luật Cư trú năm 2006). Công dân có quyền tự do cư trú, tuy nhiên, việc cá nhân đi khỏi nơi thường trú để sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một nơi khác thì phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú tại địa phương đó.

Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú (khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006).

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là 24 tháng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006 thì: “Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”.

“Như vậy, theo quy định nêu trên thì những người thuê trọ phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định nêu trên chứ không nhất thiết phải là chủ cho thuê trọ thực hiện công việc này. Trường hợp cả hai bên, người thuê và người cho thuê đều không thực hiện việc đăng ký tạm trú cho người đến lưu trú thì cả người cho thuê trọ và người đi thuê trọ đều bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC)” – LS Hùng cho biết.

Bị xử phạt như thế nào?

LS Hùng cho biết, cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Đối với người cho thuê trọ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng về việc Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú (theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Do vậy, việc ai có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký tạm trú đó là thoả thuận giữa bạn và người cho thuê nhà. Tuy nhiên, nếu không có thoả thuận và không ai thực hiện việc đăng ký tạm trú thì cả hai đều sẽ bị xử phạt VPHC theo quy định nêu trên.

Đồng thời, theo khoản 1, khoản 4 Điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về việc kiểm tra cư trú như sau:

“1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự…

Cán bộ, chiến sĩ CAND, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia”.

Như vậy, Công an được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra về cư trú bất cứ lúc nào, việc Công an kiểm tra lúc 11h đêm thì hoàn toàn được cho phép. Trường hợp bạn đã di chuyển nơi cư trú nhưng không thực hiện việc đăng ký tạm trú sẽ bị xử phạt VPHC theo quy định pháp luật nêu trên. 

Do vậy, bạn cần phải thực hiện việc đăng ký tạm trú không chỉ để để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của công dân mà còn để bạn có thể thực hiện một số thủ tục như mua nhà, đăng ký cho con đi học… Không chỉ vậy, việc đăng ký còn có ý nghĩa với cơ quan nhà nước, giúp Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thủ tục đăng ký tạm trú 

Theo đó, LS Hùng cho biết, hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm: Một là, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

Hai là, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). 

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Đồng thời, phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú. 

Thời hạn cấp Sổ tạm trú: Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn 30 làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.

Đọc thêm