Chưa có sức răn đe pháp nhân vi phạm
Gần đây nhất là vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu độc hại xuống lòng đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Đến nay, thực hiện kế hoạch khai quật các hố chôn theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thì cũng mới chỉ khai quật được 2/5 khu vực và điều đặc biệt là khối lượng chất thải nguy hại đã khai quật được vượt xa so với dự kiến và khai báo ban đầu (khai báo có 380kg, còn khai quật bước đầu đã lên tới hơn 3 tấn). Chưa thể biết được còn bao nhiêu tấn chất thải nguy hại còn dưới lòng đất tại Công ty Thanh Thái…
|
Liệu việc xử lý hành chính 421 triệu đồng có mở đường cho Công ty Thanh Thái thoát xử lý hình sự? Trong ảnh: Hiện trường kinh hoàng vụ chôn thuốc sâu |
Đáng lo ngại và bức xúc hơn cả là chiểu theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì khó có thể “buộc” trách nhiệm hình sự đối với Công ty Thanh Thái, tương tự các vụ việc nổi cộm như Vedan và Sonadezi Long Thành những năm trước.
Thực tiễn cho thấy không ít tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ, có sự thông đồng từ người phụ trách đến nhân viên, đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng có tính chất tội phạm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, về bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động... nhưng cũng chỉ có thể xử lý bằng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự). Việc xử lý bằng những chế tài này chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa các pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm.
Bổ sung là cần thiết
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới, được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng BLHS năm 1999. Trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS vào năm 2009, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý đối với các trường hợp tổ chức kinh tế (pháp nhân) thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm.
Do vậy, ông Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (có thể là các tội phạm về kinh tế, thuế, chứng khoán, môi trường...); các chế tài áp dụng đối với pháp nhân cũng như loại pháp nhân nào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (có thể chỉ những pháp nhân là tổ chức kinh tế mà không điều chỉnh các pháp nhân khác như pháp nhân là cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - tổ chức chính trị xã hội).
“Quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta mà còn đáp ứng những đòi hỏi của các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng” - ông Dũng phân tích.