Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại hội thảo khoa học “Hoạt động giám sát qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam tổ chức sáng nay (12/3).
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, có hai loại văn bản cần được giám sát, đó là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và văn bản áp dụng pháp luật cá biệt. Liên quan đến loại văn bản thứ hai này đang rất tranh cãi, vì Quốc hội, MTTQ đã giám sát văn bản cá biệt thì sẽ giám sát các vụ việc và vụ án cụ thể. Vậy có làm được không?
Về vấn đề này có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất kiến nghị Quốc hội và MTTQ chỉ giám sát vĩ mô trong việc hoạch định chính sách, không đi vào giám sát cụ thể- tức là không giám sát các văn bản áp dụng pháp luật cá biệt. Quan điểm thứ hai cho rằng không có giám sát cụ thể thì không có giám sát vĩ mô, vì giám sát cụ thể là những minh chứng để khẳng định cho các luận cứ của giám sát vĩ mô đúng hay sai.
Ông Quyền cho biết, trước đây Ủy ban Pháp luật thường giám sát cá biệt, giám sát việc giải quyết một số vụ án cụ thể, trong đó có giám sát điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí giám sát cả những bản án do Hội đồng thẩm phán TANDTC-là cơ quan xét xử cao nhất ra phán quyết, và bản án này qua giám sát đã phát hiện có sai phạm.
“Tôi nhớ có vụ án mà bị cáo trong vụ án đó phạm tội giết người và bị tuyên án tử hình. Nhưng qua giám sát thì thấy bị cáo này bị oan. Cuối cùng chúng tôi mời Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện VKSNDTC, Chánh án TANDTC đến cùng thảo luận và khẳng định là oan.
Tại sao trong tố tụng bây giờ có thủ tục tố tụng đặc biệt để xử lý những vụ án bị sai. Đến Hội đồng thẩm phán cũng sai? Chính là xuất phát từ việc nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hồi đó… Như vậy, thủ tục tố tụng đặc biệt ở tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ngày nay xuất phát từ cội nguồn của vụ án này”- ông Quyền cho biết.
Vẫn theo lời ông Quyền, trên thực tế, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vẫn giám sát các vụ án cụ thể. Bản thân ông đã phụ trách một vụ giám sát vụ án dân sự của ông Trương Gia Hải. Đây là một vụ án qua 4 vòng xét xử với 14 năm, cứ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại kháng nghị và trở về sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm…Sau giám sát thì bản án cuối cùng dừng lại giống y như bản án đầu tiên xét xử sơ thẩm.
“Bản án cách đó 14 năm xét xử sơ thẩm và bản án cuối cùng khi có giám sát của Ủy ban Tư pháp giống nhau. Như vậy 14 năm, cơ quan nhà nước làm những điều vô nghĩa và hành người dân qua 4 vòng tố tụng. Những vụ án như vậy qua giám sát thấy rằng rất khủng khiếp”-ông Quyền chua chát
Tranh cãi gì thì tranh cãi, nhưng pháp luật không cấm giám sát cụ thể. Giám sát cụ thể là minh chứng cho giám sát vĩ mô. Đặc biệt, Khóa 12, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã làm 73 vụ thì cả 73 vụ đó ra kháng nghị để giải quyết lại vụ án.
“Nếu MTTQ không giám sát các vụ việc, vụ án cụ thể thì rất khó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”- ông Quyền nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị chức năng này cần được tăng cường, kể cả Quốc hội và MTTQ. Bởi hiện nay có các hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách (mà nhiều người vẫn gọi là tham nhũng chính sách). Hậu quả của nạn tham nhũng này rất lớn, tác động đến toàn bộ xã hội, do đó cần phải có giám sát và giám sát quyết liệt.
Ví dụ, tôi có quyền được hưởng, được áp dụng một văn bản QPPL ban hành đúng trình tự, thủ tục. Vậy văn bản ban hành chưa đúng trình tự thủ tục, chúng ta có giám sát không? Vấn đề đặt ra là trình tự thủ tục đấy có làm nên giá trị quyền con người không, có làm thay đổi quyền con người của tôi không nếu văn bản đó về mặt nội dung đã đáp ứng đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, tính thống nhất, khả thi… Do vậy, chúng ta nên xác định kỹ hơn cho đúng trọng tâm để khi thực hiện sẽ đảm bảo tính khả thi cao hơn".
(Bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật- Bộ Tư pháp)