Vậy những người này đã thực hiện đúng quyền giám sát của mình hay chỉ lạm dụng quyền đó để làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT)?
Quyền giám sát của người dân
Đoạn clip trên đã lan truyền trên mạng xã hội, do một nhóm người (được cho là các Youtuber) dùng điện thoại ghi hình. Theo nội dung trong clip, người quay phim cho rằng việc CSGT dựng cọc tiêu để làm nhiệm vụ là lấn chiếm lòng, lề đường. Nhóm người này còn yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình chuyên đề, kế hoạch làm việc để kiểm tra.
Hai bên xảy ra đôi co khi CSGT yêu cầu nhóm này di chuyển ra khỏi khu vực làm việc (khoanh vùng bằng cọc tiêu giao thông) nhưng nhóm người liên tục “dẫn luật” khẳng định CSGT đang “làm sai nghiệp vụ”.
Ngày 23/2, lãnh đạo Phòng PC08 (Công an TP HCM) cho biết Phòng đã nhận được báo cáo của Đội CSGT Phú Lâm về vụ việc này. Lãnh đạo PC08 khẳng định việc lực lượng CSGT dựng cọc tiêu, tổ chức kiểm tra chuyên đề trong sự việc trên là hoàn toàn đúng với quy định. CSGT được dừng phương tiện ở vị trí thích hợp để kiểm tra.
Đại diện PC08 cũng cho biết, CSGT thực hiện chuyên đề kiểm tra đều tuân thủ đầy đủ quy định về biển báo, cọc tiêu. “Người dân có quyền giám sát nhưng chỉ được đứng ngoài khu vực cô lập, tức là khu vực ngoài cọc tiêu để giám sát bằng hình thức ghi âm, quay phim… Và chỉ được quyền giám sát chứ không được quyền kiểm tra kế hoạch. Người dân có thể lên trang thông tin điện tử hoặc đến trụ sở đơn vị để xem thông tin được niêm yết tại đây” – đại diện PC08 nói.
Bênh cạnh đó, việc nhóm Youtuber cho rằng lực lượng CSGT có hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm pháp luật khi lập chốt tuần tra, kiểm soát phương tiện tham gia giao thông là không đúng. Bởi, theo quy định tại Điều 16 Thông tư 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT thì CSGT được quyền lập điểm (ngoài trạm CSGT) để dừng, kiểm soát phương tiện tham gia giao thông.
Khi lập điểm dừng, kiểm soát thì CSGT phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Nghĩa là lúc này CSGT được phép sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố để làm nhiệm vụ.
Còn theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 67/2019 của Bộ Công an thì “khu vực bảo đảm trật tự, ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT và an ninh trật tự.
Khu vực bảo đảm trật tự, ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”. Như vậy, CSGT được quyền lập chốt ở vị trí thuận tiện, đảm bảo an toàn, đặt cọc tiêu, xe mở đèn quay báo hiệu để người tham gia giao thông được biết, CSGT cũng quây cọc tiêu khu vực làm nhiệm vụ nên không thể nói là lấn chiếm lòng, lề đường.
Có nhiều hình thức giám sát
Từ năm 2013, Cục CSGT - Bộ Công an đã có Văn bản số 2315/C67-P6 khẳng định một cách rõ ràng người dân được quyền quay phim, chụp ảnh (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh) CSGT đang làm nhiệm vụ; không ai được phép ngăn cản quyền hợp pháp này của người dân.
Tháng 1/2020, Thông tư 67/2019/TT-BCA chính thức có hiệu lực càng khẳng định quyền giám sát chính đáng của người dân. Có thể nói đây là lần đầu tiên Bộ Công an quy định chi tiết về hình thức giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Điều này cụ thể hóa các quyền của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Tuy nhiên, khi thực hiện ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, người dân cần phải đảm bảo 3 điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, ATGT); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, tại Thông tư này, Bộ Công an cũng quy định thêm 4 hình thức giám sát khác của người dân với CSGT gồm: Thông qua thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các sự việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Bàn về vấn đề này, Luật sư Phạm Duy Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hải nêu quan điểm, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA người dân được cụ thể hoá quyền được giám sát các hoạt động của lực lượng CSGT qua hình thức quan sát trực tiếp hoặc ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, việc giám sát này phải theo quy định của pháp luật và không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, phải đảm bảo chuẩn mực văn hóa, có chừng mực trên cơ sở tôn trọng lực lượng chức năng. Ví dụ, không cầm máy quay, điện thoại gí sát vào mặt, vào người CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT.
Người dân giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình, đảm bảo thông tin giám sát khi công bố phải trung thực, khách quan; chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, Bộ Công an, nếu người dân ghi hình lực lượng CSGT mà cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cảnh sát có quyền yêu cầu ra ngoài, nếu chống đối có thể bị cưỡng chế.
Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.