Không lo chuyện Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bị biến tướng

(PLO) - Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 3146/ BVHTT&DL - DSVH gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Ảnh minh họa

Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không phải là mới vì trước đó tại Lễ đón bằng của UNESCO tại Nam Định ngày 2/4/2017, Bộ VHTT&DL đã công bố Chương trình hành động này với 5 nội dung chính. Đây được coi là kim chỉ nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và cũng là việc làm tất yếu nhằm thực hiện cam kết của Quốc gia với UNESCO. 

Sở dĩ ngành Văn hóa có động thái này vì thực tế hiện nay, di sản đang đối mặt với không ít thách thức và nguy cơ biến đổi, biến tướng. Trước hết là vấn đề nhận thức, nhận diện giá trị của cộng đồng xã hội về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cho đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng tín ngưỡng thờ Mẫu chính là hầu đồng. Thực tế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là thực hành nghi lễ kết hợp nhiều yếu tố văn hóa như trang phục, âm nhạc, múa thiêng... mà hầu đồng chỉ là yếu tố cấu thành của di sản.

Bên cạnh đó, trong hoạt động diễn xướng của di sản được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa của người Việt này hiện tượng “sân khấu hóa”, “di sản hóa” cũng là một thực trạng đáng lo. Trang phục trình diễn của các thanh đồng, cung văn ngày nay đã và đang bị “hiện đại hóa” ít nhiều….  

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã từng khẳng định rằng: “Tôi không lo chuyện Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bị biến tướng vì cuộc sống sẽ tự đào thải, sàng lọc đi những điều không còn phù hợp”.

Theo dẫn chứng của GS.TS Nguyễn Chí Bền, trong các kỳ Liên hoan diễn xướng Hát Văn được tổ chức ở các địa phương những năm gần đây, việc các thanh đồng vẫn thường hút thuốc, uống rượu và tung tiền phát lộc... đã được các nhóm thanh đồng, cung văn hạn chế, thậm chí bỏ hẳn.

Tại các kỳ Liên hoan diễn xướng Hát Văn do Sở VHTT Hà Nội tổ chức những năm gần đây Ban tổ chức Liên hoan cũng luôn khuyến cáo các nhóm thanh đồng, cung văn khi tham gia không nên tung tiền phát lộc và phán này, phán nọ, gây phản cảm...

Như vậy có thể nói, để chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đi vào thực tiễn đời sống, trước hết cần sự chủ động, tích cực triển khai của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các địa phương có di sản này.

Đọc thêm