Truyền tích Thiền sư hóa thân đầu thai thành vua

(PLO) - Thiền sư Từ Đạo Hạnh là vị danh tăng nổi tiếng, mở đầu cho tín ngưỡng thờ “thánh Tổ” ở Việt Nam. Thánh tổ là các vị sư cuộc đời có nhiều kì bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật.
Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh
Tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh

Tự học phép thuật báo thù cho cha 

Theo các tài liệu ghi chép lại, Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, vốn tên là Lộ, tự Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông. Ông theo tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay. Tương truyền, Lộ là con quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan.

Từ Đạo Hạnh là con trai thứ hai nhà họ Từ. Đến tuổi đi học, Từ Đạo Hạnh suốt ngày thích giao du, không mấy chăm chú đến việc học hành khiến người cha buồn phiền. Mãi tới một đêm, trời đã rất khuya, ông Từ Vinh tình cờ đi qua buồng học của con, thấy sách vở bày la liệt, ngọn đèn dầu đã cháy gần tàn mà Từ Đạo Hạnh vẫn cầm cuốn sách trên tay, vừa đọc sách vừa mệt mỏi mà ngủ gật. 

Từ Vinh thấy vậy hài lòng lắm, biết rằng Đạo Hạnh dành thời gian chuyên tâm đọc sách. Đến khoa thi tăng đồ, Đạo Hạnh tham dự và đỗ đầu. Tuy nhiên, trong thời gian Đạo Hạnh đi thi thì chuyện không may xảy đến với gia đình họ Từ. Ông Từ Vinh bị một pháp sư tên Đại Điên giết chết rồi vứt xuống sông Tô Lịch. 

Biết chuyện cha bị sát hại, Từ Đạo Hạnh nuôi ý định báo thù, mặc dù đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Biết Đại Điên phép thuật cao tay, Từ Đạo Hạnh quyết tâm sang Ấn Độ học phép lạ khả dĩ có thể đánh thắng kẻ thù. Tuy nhiên, giữa đường Đạo Hạnh từ bỏ ý định sang Tây Thiên, quay về ở ẩn tại chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn.

Truyền thuyết kể rằng, trong thời gian tu tại chùa, Từ Đạo Hạnh chuyên tâm đọc bộ kinh Đại bi đà la. Đây là bộ kinh rất dày, nói về giáo lý của nhà Phật và cũng chứa đựng cả những thuật pháp cao siêu. Chỉ những người thông minh, có trí lực, kiên trì, mới có thể đọc và hiểu thấu nổi. Từ Đạo Hạnh đem cuốn kinh dày đó đọc đủ mười vạn tám nghìn lần.

Một hôm đang ngồi tụng niệm, Đạo Hạnh thấy một thần nhân cưỡi mây từ không trung đáp xuống trước mặt nói: “Kẻ đệ tử là Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy dày công tu luyện, lại kiên trì tụng kinh niệm Phật nên lại đây để thầy sai khiến”. Biết việc tu đã thành, Đạo Hạnh tìm đến đánh chết Đại Điên.

Thác sinh trở thành vua

Sau khi trả thù cho cha, Từ Đạo Hạnh bắt đầu du ngoạn các nơi tìm lại dấu Phật. Đồng thời ông gặp gỡ, đàm đạo với những cao tăng nổi tiếng đương thời. Đây cũng là thời gian diễn ra câu chuyện đẫm chất huyền thoại về việc Từ Đạo Hạnh thác sinh trở thành vua Lý Thần Tông của triều nhà Lý.

Chuyện kể rằng: Lúc bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con, đến tháng ba năm 1112, Đại Điên cũng là người tu hành nên sau đó tái sinh làm đứa trẻ, tuy 3 tuổi mà chuyện gì cũng biết, được gọi là Giác Hoàng. Vua Lý Nhân Tông biết chuyện kỳ lạ bèn đón về Kinh Sư cho ở chùa Báo Thiên.

Vua muốn nhận đứa trẻ làm con nhưng quần thần và dân chúng không nghe. Nhà vua lập đàn cầu nguyện pháp hội kéo dài 7 ngày để đứa trẻ linh dị kia đầu thai trở lại vào nơi cung cấm.

Từ Đạo Hạnh biết đứa bé là Đại Điên đầu thai để mê hoặc quần chúng, rối loạn chính pháp nên nhờ người chị mang lá bùa của mình, giả làm người đi xem hội rồi treo ở tấm rèm của đứa bé. Quả nhiên, hội tới ngày thứ ba thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng: "Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy”. Nói xong nhắm mắt ngừng thở ngay.

Biết tin, nhà vua vô cùng tức giận, lập tức ra lệnh cho quan quân tìm bắt cho bằng được kẻ lập bùa chú, giết chết Hoàng Giác. Quan quân theo lời đồn đại, tìm bắt được Từ Đạo Hạnh ở Hưng Thánh lâu đem về giam ở hoàng cung chờ xét xử. 

Trong thời gian ấy, Sùng Hiền Hầu- một người em của vua, tuổi đã cao mà chưa có con trai tìm cách xin Lý Nhân Tông tha cho Từ Đạo Hạnh. Sau đó, ông mời Từ Đạo Hạnh về nhà để giúp mình cầu tự. Trước khi đi, Đạo Hạnh có dặn Sùng Hiền Hầu rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho người đến báo để tôi biết trước”. Đến khi phu nhân Sùng Hiền Hầu lâm bồn, Từ Đạo Hạnh được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng: 

“Mối nhân duyên của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa. Vì vậy, các con chớ nên khóc làm gì”. Học trò của Từ Đạo Hạnh nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi.

Sau khi dặn dò Từ Đạo Hạnh bỗng nhiên mà hóa. Ngay sau đó, hầu phu nhân sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân Tông nhận vào nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị tức vua Lý Thần Tông, cũng tức là do Từ Đạo Hạnh thác sinh.

Ngoài ra, Từ Đạo Hạnh là một trong những danh tăng nổi tiếng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài là người mở đầu cho một tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo sau đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý - Trần, tín ngưỡng thờ "Thánh Tổ ".

"Thánh Tổ" là các vị sư, cuộc đời có nhiều công hạnh kỳ bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật. Thánh Tổ vừa đại diện cho Phật vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tuy vẫn thuộc đạo Phật nhưng lại như một thế lực thần thánh bảo trợ cho nhân dân. 

Các ngôi chùa dạng này thường có mô hình "Tiền Phật- Hậu Thánh" và đặc trưng là thường rất to lớn về quy mô, ảnh hưởng tâm linh đến cả một vùng miền, xứ sở xung quanh như: chùa Thầy, chùa Keo - Nam Định, chùa keo - Thái Bình, chùa Láng...

Đọc thêm