Không mong “lịch sử” kiểu này

(PLVN) - Mấy ngày nay những tin dữ về lũ lụt ở Tây Nguyên và các vùng lân cận liên tục được cập nhật và rất đáng lo ngại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lo ngại nhất là, theo đánh giá của các chuyên gia khí hậu và thổ nhưỡng, Tây Nguyên vốn có  khí hậu ôn hòa, trên cao nguyên và bình nguyên phẳng lặng này chưa hề xảy ra lũ quét và ngập lụt và giờ thì điều đó đã xảy ra.

Sạt lở hàng chục điểm trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã gây ách tắc cho hàng trăm phương tiện và làm rất nhiều người phải chịu cảnh "cơm đường, cháo chợ" chưa biết bao giờ đường mới thông. Đà Lạt - thành phố trong sương mộng mơ giờ chìm trong mưa và lũ ống, ngập lụt đã xảy ra với nơi có địa thế trên cao. Buôn Ma Thuột cũng trong tình trạng tương tự. Vùng thấp hơn, tại đồng Nai cũng đang phải ra sức chống lụt, sơ tán người.

Nguy hiểm hơn và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống nhiều người là nguy cơ vỡ đập thủy điện Đa Kar (Đắk Nông). Van xả đáy của cái đập chứa 13 triệu mét khối nước này bị hỏng và nước trong hồ đã dâng lên mức báo động. Hàng trăm hộ dân ở vùng hạ lưu đã phải sơ tán và thân đập đã khoan lỗ, chuẩn bị thuốc nổ để phá đập nếu như vẫn còn mưa lũ.

Phú Quốc - nơi được mệnh danh là Đảo Ngọc giờ đã trở thành "đảo ngập" với mức nước dâng lên trên đường ngập tới nửa mét, dải phân cách thành đập nước chảy qua như thác. Biện pháp ứng phó duy nhất là huy động các lực lượng giúp dân sơ tán lên chỗ cao. Đây là trận ngập chưa từng có tại hòn đảo xinh đẹp này và được "vinh danh" là "trận ngập lịch sử".

Không cần các nhà khoa học hay nghiên cứu chuyên ngành lên tiếng phân tích thì mọi người đã biết được nguyên nhân gây ra những biến cố "lịch sử" này. Tây Nguyên đang dẫn đầu trong danh sách phá rừng và thu hẹp đô che phủ của rừng. Đà Lạt đang trong quá trình bê tông hóa mạnh mẽ và rác đã lấp hết cống thoát nước.

Buôn Ma Thuột cũng để nhà cửa lấn sông Ea Tam - con sông thoát nước của thành phố. Thủy điện hoặc đập chắn nước cứ ra sức xây dựng chiếm chỗ, các con đường dẫn vào đây vô hình trung trở thành việc ngăn lũ thoát. Con người đã phá vỡ cân bằng sinh thái một cách không thương tiếc, không tính toán trước sau,... và tất nhiên, hậu quả đã đến, nhãn tiền và khốc liệt.

Chúng ta không mong gì những trận lũ kinh hoàng hay ngập lụt "lịch sử" - nghĩa là từ trước đến nay bây giờ mới có chuyện đó. Thế mà, phớt lờ những lời cảnh báo, những hậu quả khôn lường đã được báo trước, người ta vẫn tiếp tục xây thủy điện, làm đập ngăn dòng chảy, bê tông hóa nhà cửa và đường sá, đặc biệt, đẩy nhanh tốc độ phá rừng. Đến một lúc nào đó, không còn chỗ mà sơ tán nữa! 

Đọc thêm