Không nhận quà biếu - nói nhiều, thực hiện ra sao?

(PLO) - Chủ trương xóa bỏ chuyện tặng quà, biếu xén trong dịp lễ tết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của người dân. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn được vấn nạn đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, bên cạnh các chế tài thì rất cần sự gương mẫu của những cán bộ chủ chốt, từ Trung ương đến địa phương.
Trong không ít trường hợp, việc thăm hỏi, chúc Tết chỉ là cái cớ, còn tặng quà mới quan trọng.
Trong không ít trường hợp, việc thăm hỏi, chúc Tết chỉ là cái cớ, còn tặng quà mới quan trọng.

Việc cần thực hiện ngay

Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nhận và tặng quà Tết

Căn cứ Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 và Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Đậu năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện nghiêm chủ trương không tặng quà, không chúc Tết lãnh đạo dưới mọi hình thức trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. 

Theo đó, yêu cầu các Vụ, Cục, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; không chúc Tết, không tặng quà Tết cho lãnh đạo VPCP, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị, lãnh đạo các phòng, ban dưới mọi hình thức; không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện và tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội.

Sau Tết Nguyên đán năm 2017, yêu cầu các Vụ, Cục, đơn vị báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả thực hiện các nội dung trên và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 3/2/2017, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo VPCP. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp những trường hợp tặng quà và nhận quà Tết, sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Đậu năm 2017, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy, cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Quy định về một số việc cần làm ngay, Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật… để biếu xén, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Và để cụ thể hơn về quy định này, trong những ngày cuối năm 2016, Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 đã nêu rõ: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”. 

Như vậy, không chỉ “cấm tặng quà Tết cho cấp trên”, Ban Bí thư còn cấm cấp trên đi thăm và chúc Tết cấp dưới. Nhưng tại sao Trung ương lại nghiêm cấm việc tặng quà trong khi nét đẹp truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam là sự đền ơn, đáp nghĩa, là “ăn quả nhớ người trồng cây”? Giải thích điều này không khó, bởi thực tế thời gian qua đã có hiện tượng - mà hiện tượng này diễn ra nhiều đến mức phổ biến- đó là tình trạng vào dịp cuối năm, cấp dưới thường lũ lượt đến nhà cấp trên để chúc Tết. Điều đáng nói, món quà Tết mà họ đem đến không còn mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần nữa mà nặng về yếu tố vật chất và đằng sau những món quà ấy là một sự toan tính đổi chác xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân. “Tình trạng vừa qua kéo dài nhiều năm, đây chính là xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chứ không phải tình cảm yêu mến lẫn nhau”- ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ đã nhận xét như vậy. 

Nói như thế cũng có nghĩa là trong không ít trường hợp, việc thăm hỏi, chúc Tết chỉ là cái cớ, còn tặng quà mới quan trọng. Giá trị món quà cũng tùy thuộc vào ý đồ, mục đích mà người tặng hướng tới. Càng muốn được cất nhắc lên vị trí cao hơn hoặc mong muốn cấp trên bỏ qua mọi sai lầm của mình (thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng) thì người tặng phải chuẩn bị món quà thật chu đáo để thể hiện sự “biết điều” với người nhận, và câu chuyện của mối quan hệ “có đi có lại” này, không ai là không biết.

Ai giám sát?

Trò chuyện với Pháp luật Việt Nam, TS. Đinh Văn Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) từng cho rằng, việc tặng quà và nhận quà biếu vốn là hành vi giao tiếp thể hiện mối quan hệ bình thường trong xã hội. Vấn đề chỉ không bình thường khi người ta lợi dụng vào việc đó để thực hiện những hành vi tiêu cực, vụ lợi. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt đâu là chuyện quà cáp thể hiện tình cảm giữa người này và người kia và đâu là chuyện quà cáp được thực hiện với mục đích xấu. “Trong đời sống xã hội đang diễn ra một hiện tượng liên quan đến vấn đề tham nhũng, đó là tình trạng quà cáp- chúng ta vẫn thường gọi là chạy chọt, mà chạy chot thực chất là đưa và nhận hối lộ một cách “có văn hóa”. Chính vì vậy đã làm cho việc đưa và nhận quà mất đi tính chất ban đầu của nó”, TS. Đinh Văn Minh nêu thực tế.

Cũng theo Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, chuyện quà cáp là một vấn đề rất khó để đánh giá: “Thứ nhất là đánh giá tính chất của món quà đó như thế nào. Thứ hai là làm sao ngăn cấm được việc này- đây mới là vấn đề đáng lưu tâm. Bởi đâu phải lúc nào mình cũng có cơ chế để kiểm tra tất cả mọi thứ? Một khi chuyện quà cáp đã là mối quan hệ xã hội thì việc đó không chỉ diễn ra ở cơ quan, gia đình mà còn có thể diễn ra ở mọi chỗ và dưới mọi hình thức. Lợi ích đâu chỉ là tiền và tài sản nên quà cáp biếu xén, hối lộ cũng phong phú, đa dạng lắm”.

Khẳng định việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng chỉ đạo không chúc Tết lãnh đạo, không quà cáp biếu xén là một trong những biện pháp để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc này cũng được nhắc từ nhiều năm trước, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng không khỏi băn khoăn: “Nói rồi thì mọi người có làm không, có ai giám sát không? Các khóa trước cũng có chỉ thị yêu cầu cấm quà cáp, biếu xén cấp trên, nhưng không “lôi” ra được chỗ nào cả. Quan trọng là phải hành động, hành động và hành động. Tôi hoan nghênh chỉ thị vừa qua nhưng đừng làm như những khóa trước. Sau Tết Nguyên đán này phải xem từ cấp Trung ương đến các cấp ủy tỉnh đã “lôi” ra được bao nhiêu bộ ngành và cá nhân nhận quà biếu? Theo tôi, phải công khai cho dân biết và xử lý nghiêm túc; nếu không làm được thì không nên nói, bởi nếu nói mà không làm được thì càng làm mất uy tín của dân”.

Đòi hỏi sự gương mẫu của cấp trên

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề Văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón Tết năm 2017 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng như các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tuy việc biếu xén, quà cáp diễn ra dưới nhiều hình thức và rất “ma mãnh”, trong khi Đảng và Chính phủ mới chỉ ra lời kêu gọi, nhưng ông Nguyễn Túc tin rằng “khi được công khai sẽ giúp nhân dân giám sát tốt hơn”.

Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất, để quy định được triển khai nghiêm túc trong thực tiễn thì bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cũng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện những trường hợp vi phạm, đồng thời công khai trên các phương tiện truyền thông, tránh việc làm đối phó. Làm được như vậy, công tác phòng chống tham nhũng mới thực sự đạt hiệu quả và tạo niềm tin cho nhân dân. Nói như TS. Đinh Văn Minh, không thể ngay một lúc mà loại bỏ được hoàn toàn những tiêu cực trong chuyện quà cáp, nhưng phải từng bước làm giảm dần, làm lành mạnh hóa quan hệ này. Trong quá trình thực hiện, đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ phải gương mẫu, bởi khi cấp trên đã kiên quyết từ chối thì cấp dưới dần dần cũng chẳng dám đưa.  

“Tôi cho rằng, học Bác Hồ là học nói ít nhưng làm nhiều, học từ những việc nhỏ đến việc lớn. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương thời gian vừa qua đã có nhiều hoạt động mà nhân dân rất đồng tình và đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là những cán bộ chủ chốt các cấp phải làm theo. Khi cấp trên đã gương mẫu thì cấp dưới làm trái sao được”- ông Nguyễn Túc nhận xét. 

Một chủ trương đúng đắn, nhân văn...

Ông Phan Thanh Bằng, Trung tâm Lý luận chính trị -Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: 

Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 có hai điểm rất đáng lưu ý. Thứ nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Nội dung này không mới, vì năm 2012, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 21. Chỉ thị 21 và Chỉ thị 11 có điểm chung đó là ra đời sau Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI và Khóa XII), đều nhấn mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Riêng Chỉ thị 11 có điểm khác ở chỗ thể hiện quyết tâm chính trị trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị để chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phô trương, hình thức, lãng phí. 

Điểm thứ hai là các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Hiện nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã khẳng định sẽ không tổ chức bắn pháo hoa mà dành kinh phí để thăm hỏi, chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, đồng bào cả nước sẽ có một cái Tết sẻ chia, nghĩa tình, ấm áp, vui tươi và ý nghĩa, thiết thực hơn mọi năm.

Ông Bùi Công Hoan, Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 6, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: 

Chỉ thị số 11của Ban Bí thư cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong việc thực hành chống lãng phí, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Đất nước ta còn nhiều khó khăn, vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh cần giúp đỡ, việc dành thời gian và kinh phí tổ chức bắn pháo hoa để giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách là việc hoàn toàn đúng đắn, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân, mong muốn đem lại một cái Tết đầy đủ, no ấm với nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. 

Bà Đỗ Thị Tâm, cán bộ nghỉ hưu, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội:  Lâu nay, vấn nạn tham nhũng là nội dung được người dân quan tâm theo dõi. Trong Chỉ thị 11, Ban Bí thư đã yêu cầu quyết liệt triển khai thực hành chống lãng phí, đặc biệt là xử lý nghiêm những vi phạm về việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định. Bà Đỗ Thị Tâm cho rằng, đẩy mạnh công tác xử lý những trường hợp vi phạm là việc làm cần thiết và cấp bách của các cấp chính quyền trong thời gian hiện nay. 

Ông Trần Hưng Đại, phường Hải Châu, TP Đà Nẵng: 

Đây là Chỉ thị nhân văn và mang đậm tính giáo dục tinh thần tiết kiệm. Đặc biệt, Chỉ thị này góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi một việc mà lâu nay được ví như “vấn nạn”, đó là tham nhũng. 

Bà Trần Thị Liên, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương:  Năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ đã xảy ra ở các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung, đời sống của người dân tại các vùng này gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư, tôi tin rằng các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân vùng thiên tai bão lũ sẽ được đón Xuân đầm ấm, nghĩa tình hơn.  Nhóm PV

Đọc thêm