Không phải khu vực bí mật Nhà nước, tại sao chợ thuốc "tai tiếng" Hapulico lại cấm quay phim, chụp hình?

(PLVN) - Mặc dù Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chỉ đạo quyết liệt, nghiêm khắc thế nhưng trung tâm phân phối dược Hapu vẫn cố ý làm trái, cấm quay phim, ghi hình.
Không phải khu vực bí mật Nhà nước, tại sao chợ thuốc "tai tiếng" Hapulico lại cấm quay phim, chụp hình?

Dán biển "cấm quay phim, chụp ảnh" là căn cứ vào nội quy và quy định của Công ty!

Trong cuộc họp mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo quyết liệt, khi phát hiện bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế.

Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc.

Thế nhưng chiều ngày 01/02, tại Chợ thuốc Hapu, người dân được mua khẩu trang với giá 50.000VNĐ/hộp to và 35.000VNĐ/hộp nhỏ sau khi xếp hàng và lấy tích kê. Điều đáng nói ở đây, việc bán khẩu trang cho người dân với giá rẻ là "chuyện tốt", thế nhưng bảo vệ toà nhà lại không cho phép người dân, PV,..quay phim, livestream hay chụp ảnh, thậm chí có thái độ, hành động "không đẹp" mỗi khi nhìn thấy ai đó giơ điện thoại lên?

84670965_790067448136982_1683448290349154304_n
Ban quản lý tòa nhà cho rằng cấm quay phim, chụp ảnh là theo nội quy của công ty

Thậm chí, bảo vệ khu vực trung tâm chợ thuốc Hapu còn ngang nhiên không cho phép quay phim chụp ảnh "gay gắt" đến mức  khi đang tác nghiệp đưa tin, 1 PV đã bị lôi thẳng ra ngoài bất chấp sự giải thích về quyền hạn và tác nghiệp theo Luật Báo chí.

Nghiêm trọng hơn khi phát hiện người dân đang chụp ảnh thì nhân viên bảo vệ lập tức hét to: "Lôi ra ngoài xóa luôn, ra cho đọc cái kia đi (biển cấm quay phim, chụp ảnh trên cửa) làm như trò hề".

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, nếu người dân muốn có bằng chứng để gửi đến các cơ quan chức năng thì làm sao để có được tài liệu?

83923542_204586414047587_7458374485196931072_n
Một PV đã bị lôi thẳng ra ngoài bất chấp sự giải thích về quyền hạn và tác nghiệp theo luật báo chí.

Căn cứ vào đâu?

Để làm sáng tỏ nội dung tại sao Trung tâm Hapu lại gắn biển "cấm quay phim, chụp ảnh", phóng viên Pháp luật Plus đã làm việc với ông Nguyễn Chiến Thắng - Trưởng Ban quản lý của Trung tâm phân phối Dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu tại đia chỉ số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

83903482_474916046793853_4631727289313263616_n
Biển cấm quay phim, chụp hình được treo tại cửa ra vào 

Ông Thắng cho hay: "Chúng tôi căn cứ theo nội quy và quy định của Công ty để thực hiện".

Để minh chứng cho những gì đã nói, ông Thắng đưa cho phóng viên 2 văn bản, văn bản 1 là Quyết định do ông Trần Quý Lợi là Tổng giám đốc của công ty CP đầu tư bất động sản Hapulico, ký ngày 10/2/2012". Văn bản thứ 2 là Nội quy Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu.

Vị này cũng khẳng định đây là hành lang và là đất của Công ty nên khi đề ra chúng tôi là Ban quản lý thì cứ thế thực hiện từ năm 2012. Khi phóng viên đặt câu hỏi, vậy văn bản này có "trên" Luật hay không? Vị này không trả lời và bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của những người có mặt!

Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật Plus, tại Điều 7 của Nội quy Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu, (Ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-TCHC ngày 10/7/2012 của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hapulico) nêu rõ. Điều 7: Quy định khi hoạt động kinh doanh của các tổ chức.

Không tự quảng cáo, quay phim, chụp ảnh, dán tờ rơi áp phích,... khi chưa được sự đồng ý của Ban quản lý Trung tâm.

don
Nội quy của Hapulico cấm quay phim chụp ảnh 

Tự cho mình quyền ngăn cản

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Thị Lan Hương, VPLS Nguyễn Minh cho hay, Ban Quản lý khu trung tâm thuốc Hapu có trả lời rằng họ căn cứ theo Nội quy và quyết định của Tổng Giám đốc Trung tâm để đặt biển "cấm quay phim, chụp ảnh" như vậy là sai.

Bởi lẽ, việc cấm quay phim, chụp ảnh được quy định tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước 2000 (sắp được thay thế bởi Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước), Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt hành vi vi phạm ở khu vực cấm …  Chợ thuốc Hapulico không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định trên nên chủ đầu tư không thể cấm người dân quay phim, chụp ảnh.

Cụ thể, theo Điều 4, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ có quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đưa ra các quy định về khu vực cấm trong lĩnh vực quản lý ngành của mình còn đối với UBND cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương thì sẽ ban hành các văn bản lập ra Danh sách đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật quốc gia trong địa phương mình quản lý theo đề xuất của Giám đốc Công an các tỉnh.

83881625_1050184355340697_7848166316614615040_n
Quyết định ban hành nội quy của tổng giám đốc Hapulico

Như vậy, pháp luật hiện hành không trao quyền cho cá nhân, tổ chức được quyền gắn biển khu vực cấm quay phim, chụp ảnh tại trụ sở, nơi làm việc.

Theo đó, hành động gắn biển cấm quay phim chụp ảnh tại chợ thuốc Hapulico chỉ là việc làm đơn phương biểu lộ ý chí của người gắn biển mà hoàn toàn không có giá trị pháp lý buộc người dân, phóng viên, Nhà báo phải tuân thủ.

Luật sư Hương nhấn mạnh: Chợ thuốc Hapulico có quyền tự đặt nội quy và quy định của tòa nhà nhưng nội quy, quy định đó trái luật và vượt quá thẩm quyền cho phép thì nội quy, quy định đó không có giá trị pháp lý. Theo đó, nội quy quy định này hoàn toàn không có giá trị bắt buộc người khác phải tuân thủ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng trung tâm Hapu đang cố tình làm trái các quy định của pháp luật nhà nước tự cho mình cái quyền ngăn cản, cấm đoán người dân làm nhiệm vụ giám sát hoạt động buôn bán, thậm chí là cản trở báo chí tác nghiệp?

Đề nghị Bộ Y tế, Thanh tra Bộ y tế, Sở Y tế TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ những sai phạm của trung tâm thuốc Hapu và xử lý nghiêm những tập thể cá nhân cố tình cản trở phóng viên?

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Theo quy định tại Điều 2, Quyết định Số: 160/2004/QĐ-TTg ngày 06/9/2004

Điều 2. Khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:

1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.

2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.

4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.

Bên cạnh đó, các khu vực trên bắt buộc phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" theo quy định thì người nào ra vào, quay phim, chụp ảnh sẽ bị xử phạt.

Đọc thêm