Không phải là 8 mà 9 bệnh nhân đã tử vong trong vụ tai biến chạy thận ở BVĐK Hòa Bình?

(PLO) -Đây là thông tin được một luật sư cung cấp trong phiên tòa hôm nay (18/5), xét xử các bị cáo trong vụ tai biến y khoa ở BVĐK Hòa Bình. 

 

Không phải là 8 mà 9 bệnh nhân đã tử vong trong vụ tai biến chạy thận ở BVĐK Hòa Bình?

Sáng nay 18/5, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình bước vào ngày làm việc thứ 4, xét xử vụ án tai biến y khoa khi chạy thận tại BVĐK Hòa Bình.

Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: bị cáo  Hoàng Công Lương (Bác sỹ BVĐK Hòa Bình),  bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình).

Trong phiên tòa sáng nay luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bào chữa cho 8 nạn nhân tử vong) cho biết, số nạn nhân trong vụ việc không phải là 8. Luật sư nói trước phiên tòa: “Trước khi vào phần xét hỏi tôi xin đính chính, trong vụ việc này, số nạn nhân là 9 chứ không phải là 8 nạn nhân, tôi đã trao đổi với hội đồng xét xử và được chấp nhận”.

Cũng tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lương một lần nữa khẳng định "Bị cáo không có trách nhiệm nhận lại thiết bị hôm 28/5. Trong trường hợp được thông báo sửa chữa xong bị cáo không phải báo trưởng khoa trừ những trường hợp vượt quá chuyên môn. Bị cáo không đồng ý với kết luận của VKS, bị cáo xin quyền im lặng nhưng lại xin giải thích sau khi nghe VKS công bố lời khai của ông Khiếu vì để HĐXX và những người theo dõi hiểu rõ lời khai của bị cáo như thế nào. Trước đó, bị cáo khai theo lời khai của trưởng khoa. Ngày 11/7 điều tra viên đưa cho bị cáo bản tự khai của ông Khiếu, những nội dung đó bị cáo viết lời khai về phân công nhiệm vụ tại Đơn nguyên thận giống nội dung bản lời khai của bác sĩ Khiếu từ dấu chấm dấu phẩy một".

Bị cáo Lương cũng khẳng định anh chưa được lần nào lãnh đạo BV hỏi về năng lực quản lý đối với bị cáo: "Khi bị cáo về đơn nguyên thận nhân tạo có BS Tiến được lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo."

Tiếp tục khẳng định mình không có trách nhiệm trong việc chạy máy, được HĐXX yêu cầu trả lời, điều dưỡng Điệp trả lời: "Tôi làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo từ cuối năm 2010. Việc thực hiện sửa chữa bảo dưỡng lọc nước RO được thực hiện nhiều lần. Bình thường sau mỗi lần sửa chữa xong bên phòng vật tư thông báo xong là chúng tôi cho vận hành máy vào hoạt động. Quy trình như thế nào được vận hành máy thì tôi không nắm được."

Còn bị cáo Sơn nói: "Tôi chưa bao giờ được cử đi học đào tạo chuyên ngành nào liên quan đến máy chạy thận. Tôi không được giao giám sát hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Từ khi thời điểm xảy ra vụ án tôi chưa từng thấy bảng phân công công việc. Thường thì những lần phân công công việc là trên giao ban ở phòng. Buổi sáng giao ban ngày 29/5, tôi báo cáo với ông Thắng trưởng phòng là cty sửa chữa xong hệ thống nước và ông Thắng bảo tôi hoàn tất thủ tục".

Sơn cũng khẳng định không có văn bản nào chính thức phân công bị cáo phối hợp với các doanh nghiệp sửa chữa. Từ trước đến nay khi các đơn vị sửa chữa đến Trưởng phòng vẫn giao bị cáo  làm việc với các đơn vị sửa chữa. Bị cáo liên hệ với họ để kiểm tra thiết bị, sau đó làm thủ tục, họ sửa chữa xong thì bàn giao thiết bị. "Thiết bị nào có chuyên môn tôi sẽ phối hợp với bên sửa chữa" - Sơn nói. 

Đọc thêm