Điều khuất tất trước tiên phải nhắc đến trong dự án lấy đi đất của hàng trăm hộ dân này là chỉ một thời gian sau khi được giao làm chủ đầu tư dự án “lớn bậc nhất Bạc Liêu”, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng (BTGPMBCDAĐTXD) tỉnh này đã âm thầm giải tán “không kèn không trống”, để lại những bê bối chưa biết bao giờ mới có thể xử lý dứt điểm. Dự án nay chỉ còn Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An (đăng ký trụ sở tại TP HCM) đứng tên chủ đầu tư.
Dấu hiệu mạo danh đánh vào tâm lý người dân
Lần lại nguồn cơn dẫn đến dự án Khu dân cư Tràng An Bạc Liêu, có thể thấy từ các đề xuất sau:
Ngày 3/7/2007, UBND tỉnh ra Quyết định 412/QĐ-UBND bổ sung chức năng cho Ban BTGPMBCDAĐTXD. Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 2/8/2007, UBND tỉnh có công văn chấp thuận chủ trương giao Ban BTGPMBCDAĐTXD làm chủ đầu tư dự án.
Hơn nửa năm sau, ngày 4/3/2008, Văn phòng UBND tỉnh có công văn chấp thuận mở rộng diện tích đất dự án này. Ngày 9/3/2009, UBND tỉnh có Công văn 125/VP-TH về việc liên doanh thực hiện dự án. Chín ngày sau (ngày 18/3/2009) có Hợp đồng liên doanh đầu tư thực hiện dự án giữa hai bên.
Dự án cũng được thay đổi tên gọi rất nhiều lần. Năm 2007 có tên “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu II – Khu Bến xe – Bộ đội biên phòng”. Tháng 3/2009 được gọi là “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bến xe – Bộ đội biên phòng”.
Hai tháng sau, theo Quyết định 1208/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27/5/2009 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, cái tên còn “loằng ngoằng” hơn nữa: “Khu dân cư giáp khu Bến xe – Bộ đội biên phòng đến đường tránh Quốc lộ 1A, khóm 1, phường 7, thị xã Bạc Liêu”. Và đến thời điểm hiện tại, tên dự án đơn giản chỉ là “Khu dân cư Tràng An”.
Tất cả các hộ dân chúng tôi tiếp xúc đều cho biết, họ “rơi vào “mê hồn trận” tên gọi như trên, hơn nữa ban đầu “mắc bẫy” khi nhìn thấy cái tên “Ban BTGPMBCDAĐTXD” trong liên danh đầu tư, nên cứ nghĩ đó là “dự án Nhà nước”, chứ lúc đó không nghĩ rằng đây chỉ là dự án dồn dân lấy đất phân lô bán nền”, như lời một người dân.
Những người dân bị thu hồi đất để nhường nhà cửa, ruộng vườn, tư liệu sản xuất cho dự án ban đầu không biết rằng Ban BTGPMBCDAĐTXD chỉ là một đơn vị sự nghiệp có thu, do UBND tỉnh có thể quyết định lập ra hay giải tán tùy ý, chứ không phải cơ quan Nhà nước.
Khi thực hiện dự án nhiều trăm tỷ, vốn pháp định của Tràng An chỉ có 6 tỷ đồng. |
Một điều quan trọng khác cần hết sức lưu ý, không như một số địa phương khác lập ra “Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng”, ở đây cơ quan này lại có tên dài hơn là “Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng”.
Hơn hai năm sau khi các bên ký Hợp đồng liên doanh đầu tư thực hiện dự án, không hiểu sao vị trí của Ban BTGPMBCDAĐTXD trong dự án này đã bị đẩy ra vị trí “lép vế” phía sau. Trong Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 1/7/2011 của UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành, ghi “cho phép chủ đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn & Đầu tư Tràng An và Ban BTGPMBCDAĐTXD đầu tư xây dựng dự án”.
Những người dân mất đất cho biết sai phạm đầu tiên bắt đầu từ việc giao Ban BTGPMBCDAĐTXD làm “chủ đầu tư” dự án, không khác gì cho quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Vừa được giao đất để “đầu tư”, vừa được giao quyền tính toán bồi thường bao nhiêu cho diện tích đất đó, có thể xảy ra chuyện làm sai pháp luật, “bóp” tối đa mọi khoản bồi thường, tính toán thiếu công minh.
Đứng tên mờ ám, giải tán cũng mờ ám
Thực tế cho thấy sau khi được giao cho “thẩm quyền” như trên, một số người làm việc trong Ban BTGPMBCDAĐTXD đã trở thành những “ông trời con”.
Ông Trần Hùng Hải (ngụ khóm 1, phường 7), kể lại: “Khoảng cuối năm năm 2010 thậm chí xảy ra vụ dân đuổi đánh một số cán bộ nhân viên Ban BTGPMBCDAĐTXD.
Lúc đó, dân kéo lên phản ứng bị bồi thường thấp, không hợp lý, yêu cầu làm đúng quy định. Một người dân nói: “Thủ tướng đã chỉ đạo “thực hiện dự án, đời sống người dân phải bằng hoặc cao hơn nơi cũ”…”. Một số cán bộ nhân viên Ban BTGPMBCDAĐTXD trả lời: “Vậy các ông bà lên hỏi ông Thủ tướng, chứ ở đây không biết chuyện đó…”. Dân bất bình, tràn vào đòi đánh. Các đối tượng đó phải chạy vô phòng đóng cửa “cố thủ”.
Trong biên bản cuộc họp dân cư hẻm 7, khóm 1, phường 7 vào ngày 28/11/2010, sau khi nêu ra nhiều sự bất hợp lý trong dự án như phương án bồi thường sai sót, “hàng trăm hộ dân không được họp để giải thích, đối thoại nghe tâm tư nguyện vọng”, một trong những yêu cầu tha thiết của những người mất đất là: “Cán bộ, nhân viên Ban BTGPMBCDAĐTXD khi tiếp xúc dân nên có thái độ hòa nhã, lịch sự, nhã nhặn, cẩn trọng”. Cuộc họp này thống nhất đưa ra sáu kiến nghị, thì 5/6 kiến nghị đều nêu đích danh những sai sót của Ban BTGPMBCDAĐTXD.
Bảng quảng cáo dự án dựng trên lối vào ngả QL1A đi ngang TP Bạc Liêu. |
Những điểm khuất tất lại càng được đẩy lên một cao trào mới ở chỗ sau khi cơ bản hoàn tất công tác tính toán chi trả bồi thường, lấy đất, vai trò “chủ đầu tư” của Ban BTGPMBCDAĐTXD cũng chấm dứt một cách “đột tử”.
Người dân bị ảnh hưởng dự án cho biết họ không nhận được thông báo nào về việc này. Trong một số quyết định của tỉnh Bạc Liêu về dự án này kể từ thời điểm 2012, ví dụ Quyết định 1002/QĐ-UBND ngày 19/4/2012 về phê duyệt giá và vị trí tái định cư trong dự án, chỉ nhắc đến tên Công ty Tràng An.
Trong Công văn số 15/CV-TA ngày 27/4/2015 Tràng An gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến một vài vấn đề, Tràng An cũng giới thiệu rất rõ ràng dự án này “là dự án xây dựng nhà ở thương mại do Tràng An làm chủ đầu tư”.
Họ đã toan tính “đường đi nước bước” ra sao?
Trở lại vấn đề thẩm quyền “đầu tư” trong dự án này, các chuyên gia pháp lý cho rằng thời điểm 2009, việc UBND tỉnh Bạc Liêu giao BTGPMBCDAĐTXD làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Tràng An Bạc Liêu là sai quy định.
Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, như Tràng An đã nêu trong văn bản gửi Bộ Xây dựng đây là “dự án xây dựng nhà ở thương mại”, thời điểm 2009, dự án dạng này phải tuân thủ các văn bản như Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 hướng dẫn thi hành...
Khoản 1 Điều 12 Nghị định này nêu rõ, chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại bao gồm: Doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư theo Luật Đầu tư; Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Chưa hết, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định trên, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại còn phải đáp ứng thêm hai điều kiện: Thứ nhất, phải có đăng ký kinh doanh bất động sản hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật. Thứ hai, có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
Như vậy, BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu không thể đáp ứng các tiêu chí nêu trên. Về điều kiện vốn, trong các quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu và tờ trình của “chủ đầu tư” là Ban BTGPMBCDAĐTXD, cũng chỉ nói chung chung “nguồn vốn thực hiện dự án gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động của khách hàng, vốn vay tín dụng thương mại dài hạn”, mà không nhắc gì đến “vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư”.
Phản đối sự khuất tất mờ ám của dự án Tràng An Bạc Liêu, nên nhiều hộ dân hiện vẫn không giao đất cho dự án này. |
Luật sư Nghĩa đánh giá, như vậy ngay từ khâu xác định chủ đầu tư của dự án Khu dân cư Tràng An Bạc Liêu đã có sự “đánh lận con đen”, mờ ám, khuất tất, sai pháp luật. Hiện Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu đã giải thể. Theo thông tin trên trang masocongty.vn, “mã số thuế 1900284839 (mã số thuế của đơn vị này – NV) đã tạm ngừng hoạt động”.
Theo luật sư Nghĩa: “Xâu chuỗi lại quá trình từ khi được giao làm “chủ đầu tư” dự án, âm thầm rút ra khỏi dự án, đến giải thể, có thể thấy nhiều khuất tất; có thể gọi cái gọi là “Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu” là một “tấm bình phong”, một “bia đỡ đạn”. Phải chăng ai đó đã toan tính trước “đường đi nước bước”?
Thứ nhất, giao đơn vị này làm chủ đầu tư một dự án sai thẩm quyền, sai quy định. Thứ hai, trưng ra cái tên “Ban BTGPMBCDAĐTXD” đánh vào sự thiếu hiểu biết của nông dân và tâm lý tôn trọng cơ quan Nhà nước để dễ lấy đất.
Thứ ba, cho đơn vị này cái quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi” hòng “bóp” tối đa chi phí đền bù. Thứ tư, sau khi đã cơ bản hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử” thì giải thể để tiêu hủy chứng cứ, “nhường sân” cho “đồng chủ đầu tư” và để trốn trách nhiệm với những sai trái mình đã gây ra, trốn khiếu kiện, khiếu nại?”.
Một trong những sai sót “từ gốc” khác trong Dự án Tràng An Bạc Liêu, đó là ngay từ những quyết định ban đầu của cơ quan chức năng Bạc Liêu đã “tù mù” căn cứ pháp lý.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Liên quan đến điều kiện vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình, về phía Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) cấp, thay đổi vào ngày 16/12/2010 (một năm rưỡi sau khi ký hợp đồng liên doanh thực hiện dự án Tràng An tại Bạc Liêu), thì số vốn pháp định chỉ là 6 tỷ đồng, vốn điều lệ (vốn các cổ đông cam kết sẽ góp – NV) 40 tỷ. Trong Giấy chứng nhận này, phần “thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh” bỏ trống.
Như vậy, với dự án Tràng An Bạc Liêu được giới thiệu có tổng vốn đầu tư là 860 tỷ đồng, thì dù có cộng cả của Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu và công ty Tràng An, cũng không thể đáp ứng điều kiện “có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên”.