Hàng chục DN tham gia “xẻ thịt” thắng cảnh
Hồ Tuyền Lâm có hồ nước ngọt tự nhiên trong xanh, rộng 320ha, bao quanh những cánh rừng thông, là thắng cảnh được công nhận là Khu du lịch quốc gia (KDL). Do sự buông lỏng, thậm chí tiếp tay của cơ quan quản lý Nhà nước, KDL này liên tục bị xâm lấn trong nhiều năm qua, khiến những cánh rừng, hồ nước tuyệt đẹp đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho những công trình bê tông hóa.
Một kiểm tra mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) đã tham gia vào việc “băm nát” KDL hồ Tuyền Lâm. Khi tại đây, các DN dù biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình xây dựng hàng loạt công trình không phép, xâm phạm vào cả khu vực bảo vệ 1 di tích thắng cảnh này. Trong đó nổi bật như: Cty CP đầu tư Lý Khương, Cty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt, Cty TNHH Li Mi, Cty Sao Đà Lạt, Cty CP Thiên Nhân…
Cụ thể, trong quá trình thi công, theo kết quả kiểm tra vừa được tỉnh Lâm Đồng công bố, Cty CP đầu tư Lan Anh (Cty Lan Anh) đã có hành vi vi phạm khi xây dựng hạng mục Nhà rường số 1, Nhà rường số 2 với tổng diện tích gần 800m2 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cố tình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng.
Sau đó, DN này còn vi phạm khi xây dựng kè chắn nước nằm trong khu vực bảo vệ 1 của Di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm (Di tích) không có giấy phép xây dựng. Đáng nói, kết cấu công trình bằng bê tông cốt thép có chiều dài tới 49m, chiều cao từ 3,5m trở lên, thậm chí còn lắp đặt công trình nhạc nước khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định.
Trong khi đó, Cty CP đầu tư Lý Khương đã xây dựng không phép trên diện tích gần 500m2, xây dựng vi phạm vào khu vực 1 di tích là hơn 12 ngàn m2. Theo đó, DN này cố tình tình xây dựng 19 căn (mỗi căn 24m2) không có giấy phép xây dựng để kinh doanh. Ngoài ra, còn tự ý xây dựng thêm 9 công trình mỹ thuật mô phỏng một số kỳ quan thế giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Cty CP Sao Đà Lạt cũng tham gia vào việc phá nát cảnh quan của hồ Tuyền Lâm khi xây dựng không phép với diện tích vi phạm lên tới gần 2000m2. DN này tự ý xây dựng tới 43 hạng mục công trình có mái che nhưng không lập thủ tục xây dựng theo quy định.
Đáng kể nhất là Cty CP Thiên Nhân đã phá rừng trái phép để xây dựng hàng loạt công trình nhằm mục đích kinh doanh. Thống kê cho thấy, DN này đã phá “thành công” 300m2 rừng thông trạng thái Th21, 500 m2 rừng thông tái sinh xen cây dẻ tạp thuộc đối tượng rừng phòng hộ, thiệt hại 2,8m3 gỗ tròn thông ba lá nhóm 4 tại khoảnh 3, tiểu khu 226; tự ý chuyển mục đích sử dụng 700m2 đất rừng phòng hộ mà không được phép của cơ quan chức năng.
Vì sao chưa xử lý dứt điểm?
Theo kết quả xử lý vi phạm tại KDL hồ Tuyền Lâm mà UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tuy một số công trình đã được xử lý bước đầu nhưng thái độ chống đối của một số tổ chức, cá nhân trong việc tháo dỡ công trình vi phạm và thái độ thiếu quyết liệt của một số cơ quan chức năng khiến việc khôi phục lại thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm là điều không hề dễ dàng.
Ví dụ như hành vi phá rừng phòng hộ làm công trình kinh doanh của Cty CP Thiên Nhân đã được kết luận khá rõ ràng, nhưng báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trên thực tế DN này vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt hành chính, quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; chưa khắc phục trồng lại rừng tại vị trí buộc khôi phục; chưa tiến hành tháo dỡ 5 nền nhà trên vị trí tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hay ở các hạng mục công trình vi phạm của Cty CP đầu tư Lan Anh, DN này cũng chỉ đồng ý tháo dỡ 1 phần hạng mục Nhà rường 1, phần nổi hạng mục bê tông cốt thép chắn nước; còn hạng mục khán đài, nhạc nước, Nhà rường số 2, thông tin cho thấy DN này chỉ tạm đình chỉ thi công và làm hồ sơ để hợp thức.
Cty TNHH Li Mi thuê mặt bằng 870m2 với Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm để mở quán cà phê, DN này còn cải tạo trái phép và tiến hành xây dựng thêm 3 công trình nằm trong khu vực bảo vệ Di tích. Theo báo cáo, đến nay DN này cũng chỉ chịu tháo dỡ một phần kè đá, tháo dỡ một phần công trình tại khu vực tiểu cảnh. Việc khắc phục chưa triệt để, vẫn còn tồn tại một số công trình, tiểu cảnh xây dựng trái phép, vi phạm vào phạm vi bảo vệ hành lang an toàn công trình và vi phạm khu vực bảo vệ 1 của Di tích hồ Tuyền Lâm.
Việc khôi phục cảnh quan hồ Tuyền Lâm sở dĩ khó khăn là do thái độ xử lý thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Bằng chứng là một loạt công trình vi phạm khác của Cty CP đầu tư và du lịch toàn cầu, Cty tư nhân Phong Phú, Cty CP du lịch sinh thái Lạc Nam, Cty CP Sao Đà Lạt… chỉ mới tháo dỡ một phần, nhiều hạng mục vi phạm khác cơ quan chức năng vẫn đồng ý cho tồn tại, với lời “cam kết” “của các đối tượng vi phạm: “Sẽ giải tỏa vô điều kiện lúc nào Nhà nước có nhu cầu” hay “sẽ tự tháo dỡ các hạng mục không phù hợp sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt”…Thậm chí, một số công trình vi phạm còn được cơ quan xử phạt “định hướng” cho cách sửa sai, để điều chỉnh nhằm hợp thức hóa.