Bỏ rừng về làng
Trước đây, một số hộ dân di cư tự do đã vào sinh sống, canh tác trong những cánh rừng thuộc xã Ea Pô, huyện Cư Lút, tỉnh Đắk Nông. Việc bà con phá rừng làm nương rẫy, tranh chấp đất đai, sống nay đây mai đó…trở thành một vấn đề nhức nhối tại địa phương.
Trước thực trạng đó, cán bộ UBND xã Ea Pô đã nhiều lần lặn lội vào rừng, tìm gặp các hộ dân, tuyên truyền, vận động bà con ra định cư bên ngoài rừng nhưng chưa mang lại kết quả tích cực.
Năm 2008, Khu tái định cư Cụm Ba Tầng được quy hoạch, hơn 60 hộ dân đã ra nhận đất, dựng nhà với hy vọng có chỗ ở ổn định để yên tâm sản xuất. Đầu tiên, hơn 60 hộ dân hồ hởi bỏ rừng, ra dựng nhà cửa ở khu tái định cư, hy vọng sẽ có cuộc sống ấm no hơn trước đây. Đến nay, khu tái định cư này đã có 155 hộ sinh sống.
Tại nơi ở mới, bà con rất vui mừng vì không phải sống “chui lủi” như hồi còn trong rừng. Thế nhưng, cơ sở vật chất ở khu tái định cư còn rất nhiều hạn chế, gây ra vô vàn khó khăn, trở ngại đối với sản xuất, sinh hoạt của bà con.
Điểm nổi cộm nhất ở đây chính là đất sản xuất. Theo chị Vi Thị Nga (SN 1985), đất tại Cụm Ba Tầng rất cằn khô, tỉa bắp chẳng được, trồng mì chẳng lên. Đã thế, hệ thống thủy lợi không có, việc tưới tiêu cho cây trồng là điều gì đó quá “mơ mộng”.
Không thể canh tác trên vùng đất mới, một số hộ dân tìm cách quay lại rừng, tiếp tục dựng chòi làm rẫy, số khác thì bỏ xứ đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Nơi đây, đa số là người già và trẻ nhỏ thôi! Đàn ông, thanh niên trai trẻ đi làm thuê hết rồi. Mình có con nhỏ, phải ở nhà trông coi, nếu con lớn mình cũng đi chứ ở nhà khổ lắm. Đất ở đây cằn cỗi, đã thế khí hậu còn khắc nghiệt, một năm 12 tháng thì nắng hạn hết 8 tháng, chẳng thể trồng được cây gì ra hồn”, chị Nga chia sẻ.
Cũng theo lời chị Nga, ngoài việc không có đất sản xuất thì nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, vôi cũng là một vấn đề khiến người dân rất khổ sở. Vào mùa mưa, bà con mang xô, chậu…ra hứng nước rồi đem cất dùng dần. Thế nhưng, vào mùa nắng, nếu không có tiền mua nước lọc tại tiệm tạp hóa, nhiều hộ dân đành “nhắm mắt làm ngơ”, dùng nước nhiễm vôi để nấu cơm và uống.
Chị Vân kể: “Chỉ vài hộ có điều kiện mua nước lọc để uống. Bởi vậy đến nay trong thôn đã có vài người bị sỏi thận khi tuổi còn trẻ. Ở đây, chỉ cần nấu cơm, nấu nước vài ba ngày là vôi bám trắng bên trong nồi, nhìn rất sợ”.
Ngoài đất, nước, thì hệ thống điện trong Cụm Ba Tầng cũng là một vấn đề nan giải, nhiều năm qua chưa khắc phục được, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bà con. Theo lời ông Vũ Văn Sỹ, Trưởng cụm Ba Tầng, điện lưới nơi này có cũng như không.
Bởi lẽ từ 12h trưa trở đi, điện không đủ sức để quay cái quạt máy; từ 16h chiều trở đi, cắm nồi cơm không chín; từ 18h trở đi, thắp cái bóng đèn không sáng… “Muốn có cơm ăn, phải cắm từ chiều hoặc chọn cách nấu bếp than. Cái quạt điện thì lúc chạy lúc không, bóng đèn mờ nhiều hơn tỏ, thành ra bà con vẫn phải sắm quạt giấy, thắp đèn dầu hoặc dùng bình ắc quy để khắc phục những khó khăn về điện suốt mấy năm qua”, ông Sỹ than vãn.
Cũng theo ông Sỹ, sở dĩ điện ở đây yếu vì đang dùng “ké” của xã Đắk Đrông. Đường dây dẫn nhỏ, lại kéo qua một quãng đường xa, dùng cho nhiều hộ nên không đạt chất lượng. Trong khi đó, số lượng điện thất thoát lại cao, tính đi tính lại, bà con dùng điện thì ít mà phải trả tiền nhiều.
Một người dân bên chiếc ấm đun nước bị vôi đọng |
Mơ ước thành lập thôn
Tính sơ sơ, điểm dân cư tập trung tại Cụm Ba Tầng đã hình thành gần được 10 năm. Tại đây, bà con cho rằng tự đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhà sinh hoạt chung, đồng thời thực hiện đóng góp các khoản thuế và khoản thu phúc lợi như xây trường, làm đường…đầy đủ. Thế nhưng, con em của họ thì phải sang học ở xã Đắk Wil (huyện Cư Jút) vì nếu đi ra xã Ea Pô, đường xa gần gấp đôi.
Chị Vi Thị Hương (SN 1990) chia sẻ: “Trong khu tái định cư có một lớp mẫu giáo nhưng cơ sở vật chất và điều kiện học tập không được đầy đủ. Các cháu từ cấp một đến cấp hai thì phải sang xã bạn học nhờ. Mùa mưa nước ngập, đường trơn trượt, mùa nắng bụi bay mịt mù, nên chuyện đi học của các cháu nhỏ cũng gặp muôn vàn khó khăn”.
Trong vòng gần 10 năm qua, bà con tại Cụm Ba Tầng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, xin được thành lập thôn để đảm bảo những quyền lợi thiết yếu của mình. Thế nhưng, mơ ước của bà con vẫn chưa được thực hiện. Những người dân nghèo nơi đây vẫn phải chịu rất nhiều thiệt thòi.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng Ban công tác Mặt trận cụm Ba Tầng chia sẻ rằng, ông làm cán bộ tại đây từ khi cụm dân cư được thành lập. Cũng từ đó, ông và bà con đã gửi nhiều đơn kiến nghị, xin được thành lập thôn nhưng chưa được công nhận. “Nếu được thành lập thôn, là một trong những thôn nghèo nhất xã, bà con sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như bảo hiểm y tế, vay vốn…”, ông Thành trao đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Ea Pô, tại Cụm Ba Tầng hiện có 155 hộ dân sinh sống, có nhà sinh hoạt chung. Khu dân cư này đủ điều kiện để thành lập một thôn. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến địa giới hành chính nên cấp xã, huyện không đủ thẩm quyền để giải quyết.
Vị Phó Chủ tịch xã xác nhận hiện khu dân cư tại Cụm Ba Tầng có 72 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Đây là vùng đất trắng cằn cỗi, cơ sở hạ tầng kém nên cuộc sống của bà con còn rất nhiều khó khăn.
“Thật sự địa phương cũng thấu hiểu và rất chia sẻ với hoàn cảnh bà con về những thiếu thốn trong cuộc sống. Phía xã cũng đã nhiều lần gửi hồ sơ, kiến nghị lên cấp trên đề nghị xem xét, phê duyệt việc thành lập thôn tại khu vực Cụm Ba Tầng. Thế nhưng nhiều năm qua chưa mang lại kết quả. Đây cũng là trăn trở của cấp xã trong nhiều năm qua đối với bà con”, ông Bình nói.