Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, vợ chồng cụ Nguyễn Công Phú (đã mất) và cụ Vũ Thị Tỵ là bố mẹ ông Nguyễn Công Toàn đã mua bất động sản 63 Hàng Than với giá 3 triệu đồng và chứng thư đoạn mãi này đã được chính quyền thành phố Hà Nội thời điểm đó chứng thực đầy đủ vào năm 1955. Sau khi mua ngôi nhà trên, vợ chồng ông Nguyễn Công Phú và các con đã sinh sống tại ngôi nhà này cho đến nay. Hiện nay, ông Nguyễn Công Phú đã mất nhưng bà Vũ Thị Tỵ, vợ ông vẫn còn đang sinh sống cùng các con tại ngôi nhà này.
Theo Luật Đất đai năm 2003 và 2013, nhà đất nêu trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Công Phú và được pháp luật bảo vệ bởi các giấy tờ sở hữu do chính quyền trước đây cấp.
Năm 2019, bà Vũ Thị Tỵ và các con đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật đối với phần di sản mà ông Nguyễn Công Phú để lại. Việc khai nhận di sản đã thực hiện xong và hoàn toàn không có tranh chấp giữa những người thừa kế tài sản của ông Nguyễn Công Phú.
Tháng 7/2020, gia đình ông Nguyễn Công Toàn nộp đơn đề nghị cấp sổ đỏ ngôi nhà 63 Hàng Than được gia đình sinh sống gần 70 năm và có giấy tờ sở hữu tài sản hợp pháp, nhưng khi gia đình ông Toàn đề nghị cấp sổ đỏ thì bất ngờ có đơn thư yêu cầu không cấp sổ đỏ cho gia đình ông.
Theo tài liệu mà Báo Pháp luật Việt Nam có được, một người đàn ông người đàn ông tên Cường, sinh năm 1970 đã ra giá để đội nhóm của ông dàn xếp với những người có đơn là bà Nguyễn Thị Vân Anh và ông Nguyễn Công Việt để họ "rút đơn".
Theo thông tin của người cung cấp đoạn ghi âm này, nhân vật trong cuộc hội thoại được ghi lại này chính là ông Nguyễn Trung Cường, công chức địa chính phường Nguyễn Trung Trực. Ông Nguyễn Trung Cường cũng là em trai ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình.
Đoạn ghi âm dài gần 90 phút ghi lại cuộc nói chuyện của ông Nguyễn Trung Cường cho thấy ông Cường đề cập đến việc nhóm của ông sẽ nhận trách nhiệm đi thỏa thuận với gia đình người có đơn (bà Nguyễn Thị Vân Anh) để họ rút đơn. Thời gian có thể "một tuần, một tháng nhưng cũng có thể là một ngày".
"Tôi không có tính chất là ép người này, ép người kia vì tôi có quyền này có quyền kia", nội dung đoạn ghi âm được cho là ông Cường nói.
Ông Cường còn gợi ý với người "trung gian" về việc để một thời gian rồi đến khi "họ" (gia đình ông Nguyễn Công Toàn) giục một hai lần thì sẽ nói họ (gia đình ông Toàn) tổ chức họp nhau rồi được ra một số việc cảm thấy chấp nhận được thì người "trung gian" sẽ đi truyền đạt lại với nhóm làm dịch vụ.
"Mình nói rằng ông nên chuẩn bị 10 thì công việc tôi tin là sẽ được. Nếu họ nói tôi chỉ hết khả năng và chỉ có thể có 5, mà tôi thấy 5 cũng có thể đi mà giải quyết được thì bọn tôi cũng đi và nếu như mà được thì coi như con số đó là con số khoán. Được hay không được bọn tôi cũng phải có một khúc. Nếu mà ở con số tôi nghe không thể chấp nhận được, như là con số 1 hay 2 thì tôi nói luôn là không bao giờ tôi làm", ông Cường nói với người trung gian.
Theo người cung cấp đoạn ghi âm này, ông Cường cho biết nhóm của ông đã thực hiện nhiều vụ việc như vậy trên địa bàn quận Ba Đình, trong đó có một căn nhà tại phố Đội Cấn.
Người này cũng nói, đối với các ngôi nhà tranh chấp như thế này, họ chỉ mua với giá bằng 50% giá trị ngôi nhà. Điều này càng làm cho những nghi vấn của gia đình ông Nguyễn Công Toàn về việc gia đình ông đang là nạn nhân của một vụ việc cố ý tạo tranh chấp để trục lợi.
Để làm rõ một số nội dung liên quan đến việc UBND quận Ba Đình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 63 Hàng Than và các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, quản lý công chức địa chính phường UBND phường Nguyễn Trung Trực, phóng viên đã liên hệ với UBND quận Ba Đình để được cung cấp thông tin.
Theo Sở Nội vụ TP Hà Nội, việc tuyển dụng, bổ nhiệm và quản lý công tác của ông Nguyễn Trung Cường thuộc UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, sau nhiều tuần chờ đợn, đến nay lãnh đạo UBND quận Ba Đình vẫn không cung cấp thông tin.
Việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho nhà số 63 Hàng Than không còn là vấn đề làm khó người dân khi đi làm thủ tục hành chính, mà có dấu hiệu của tiêu cực liên quan đến cán bộ địa chính phường Nguyễn Trung Trực, cần phải được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trước đó, trả lời Báo PLVN, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực cho biết, về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Công Toàn tại 63 Hàng Than đã đủ điều kiện để đề nghị cấp sổ đỏ.
"Trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ, UBND phường đều thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Khi xuất hiện đơn thư của bà Vân và cả của luật sư Đỗ Anh Thắng thuộc Công ty Luật TNHH ASEM Việt Nam về đề nghị dừng xem xét, trình hồ sơ cấp sổ đỏ cho gia đình ông Toàn, UBND phường đã yêu cầu người có đơn cung cấp tài liệu, giấy tờ chứng minh có liên quan đến quyền lợi của họ nhưng họ không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ gì”, Chủ tịch phường Vũ Hồng Thanh cho biết thêm.
Hơn nữa, hồ sơ của ông Toàn đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Điều 8 Thông tư số 24/2014 của Bộ TN&MT nên hồ sơ của ông Toàn đã đủ điều kiện để xét duyệt và đề nghị UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch UBND phường cung cấp thông tin.
Nhà số 63 Hàng Than là tài sản của vợ chồng ông Nguyễn Công Phú (đã mất) và bà Vũ Thị Tỵ, được chính quyền trước đây cấp giấy tờ sở hữu. Hiện nay ông Nguyễn Công Phú đã mất và tài sản này được người thừa kế khai nhận đầy đủ theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không có tranh chấp. Việc những người không có quyền lợi liên quan đến tài sản này đã "đâm đơn" để ngáng trở việc cấp sổ đỏ rồi một số người đứng ra nhận giàn xếp với cái giá lên đến 10 tỷ đồng rõ ràng là có dấu hiệu tiêu cực.
Không những thế, những người đâm đơn khiếu nại lại không có tài liệu hợp pháp để chứng minh quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, việc UBND quận Ba Đình đã dừng cấp sổ đỏ cho những người thừa kế của ông Nguyễn Công Phú vì lý do "tranh chấp thừa kế" rõ ràng là có nhiều khuất tất cần được các cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội làm rõ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về vụ việc này.