Bỗng dưng… bị mổ
Trong đơn tố cáo gửi Pháp luật Việt Nam, anh Lê Đức Lợi (sinh năm 1984, quê quán An Giang) cho biết, khoảng 20h ngày 11/7/2017 vợ anh là chị Lê Hồng Thương, 24 tuổi, ngụ Vũng Tàu bị đau bụng, anh Lợi đưa vợ đến phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nằm sát cạnh bệnh viện (BV) Lê Lợi – TP Vũng Tàu siêu âm. Bác sĩ Xuân chẩn đoán vợ anh bị thai ngoài tử cung. Anh Lợi đã cùng vợ cầm kết quả siêu âm nói trên vào Khoa Sản BV Đa khoa Lê Lợi lúc gần 21h cùng ngày.
Sau khi xem kết quả siêu âm này, bác sĩ Hoàng Phước Ba không khám mà cho nhân viên lấy máu, nước tiểu vợ anh Lợi làm xét nghiệm, đồng thời yêu cầu anh Lợi mua que thử thai về thử cho vợ anh. Trong lúc anh ra ngoài bác sĩ Ba tự ý đưa chị Thương vào chọc dò, sau đó kêu hộ lý đưa chị Thương đi siêu âm và chụp Xquang.
Sau khi siêu âm về (vẫn lại bác sĩ Xuân siêu âm), anh Lợi được yêu cầu kí giấy đồng ý cho bác sĩ Ba mổ gấp cho vợ. Mặc dù không được giải thích rõ là vì sao phải mổ gấp hay có cơ hội nào giữ thai hay không, nhưng vì nghe bác sĩ nói nếu không mổ sẽ không cứu chữa kịp thời, nên anh Lợi nhanh chóng kí tên vào giấy cam kết và ra ngoài vay tiền cho vợ mổ ngay trong đêm.
Theo sự tư vấn của bác sĩ Ba, anh Lợi và gia đình chọn phương pháp mổ nội soi để không để lại sẹo xấu. Sau khi hoàn tất ca mổ, ngày 16/7, anh Lợi được yêu cầu ra đóng tiền để cho vợ xuất viện về ngày khác quay lại lấy giấy xuất viện. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi xuất viện, anh Lợi lại phải đưa vợ quay lại cấp cứu vì vợ anh bị đau bụng quằn quại. Trong lúc siêu âm, bác sĩ siêu âm khi biết chị Thương mới được mổ thai ngoài tử cung, vội yêu cầu mời bác sĩ Khoa Sản sang bàn bạc, rồi trả vợ anh Lợi về Khoa Sản.
Tại đây, chị Thương tiếp tục được đưa đi chọc, hút dù anh Lợi không hề được hỏi ý kiến hay thông báo gì. Bác sĩ Hòa (người trực tại Khoa Sản ngày 18/7/2017) đã mang ra một ống chích có máu, báo với anh Lợi là chị Thương bị chảy máu trong ổ bụng do đứt mạch máu bên trong bụng và yêu cầu anh phải ký giấy cho vợ đi mổ gấp lần 2. Từ đó đến nay, sau khi ra viện, chị Thương lâm vào tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Theo một bác sĩ Khoa Sản lâu năm (xin giấu tên), thì việc tiến hành mổ ngay trong đêm của ê kíp trực đối với trường hợp của chị Thương là một việc làm không phù hợp với nguyên tắc chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu thông thường. Thứ nhất, bệnh nhân vào viện lúc 21 giờ, xét nghiệm Beta hCG mới thực hiện 1 lần xác nhận sự có mặt của thai trong cơ thể người mẹ chưa đủ đánh giá là thai ngoài tử cung. Cạnh đó, việc chọc dò cùng đồ là một thủ thuật tiến hành trên cơ thể bệnh nhân kim tiêm cỡ lớn dài 20 cm đâm xuyên qua cùng đồ ở trong âm đạo nhằm đánh giá xem có máu trong bụng qua đó gián tiếp kết luận có tình trạng chảy máu trong gây nên sự mất máu là nguy cơ gây ảnh hưởng tính mạng cho bệnh nhân hay không. Thủ thuật này được thực hiện lúc bệnh nhân tỉnh táo, không gây tê hoặc mê, phải được thông báo, giải thích cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân biết và có sự đồng ý của họ.
Thứ hai, kết quả của chọc cùng đồ cũng phải được đưa cho người nhà bệnh nhân xem và giải thích rõ nếu từ việc chọc dò này dẫn đến chỉ định mổ. Điểm sai phạm quan trọng trong quá trình chẩn đoán đi đến mổ cho chị Thương là các dữ kiện để đưa ra quyết định mổ còn rất là mơ hồ như: kết quả siêu âm không cho ra kết luận chính xác hoàn toàn, việc phẫu thuật phải có sự hội chẩn hoặc cân nhắc đến việc liệu có phải thai ngoài tử cung hay thai đang trong giai đoạn di chuyển về buồng tử cung? Một khi đã quyết định mổ cấp cứu gấp ngay sau khi bệnh nhân mới nhập viện gần 2 giờ đồng hồ thì phải áp dụng biện pháp mổ hở để nhanh chóng cầm máu và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhưng bác sĩ Ba lại chỉ định mổ mổ nội soi. Đây cũng chính là điểm lẩn quẩn, khó hiểu trong toàn bộ bệnh án của chị Thương.
Một vấn đề khác liên quan đến sự an toàn của bệnh nhân, đó là việc cuộc mổ cho bệnh nhân được được chỉ định vào giữa đêm và kíp mổ chỉ có 1 bác sĩ duy nhất (bác sĩ Ba) còn tất cả đều là điều dưỡng và kỹ thuật viên (không có bác sĩ gây mê). Điều khiến vợ chồng anh Lợi vẫn luôn day dứt đến nay, đó là họ sau khi vào viện khám đã được bác sĩ chỉ định mổ thai và làm theo ngay, chưa được giải thích, tìm hiểu, cân nhắc, liệu họ có cơ hội để giữ được đứa con hay không, liệu có phải sự qua loa, vội vàng của bác sĩ đã tước đi quyền làm cha, mẹ của vợ chồng họ?
Có hay chăng “lợi ích nhóm” tại BV Lê Lợi?
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có khuất tất trong ca mổ nói trên, bác sĩ Hoàng Phước Ba còn liên tiếp liên quan đến nhiều sai phạm gây hậu quả trên bàn mổ từ năm 2013 đến nay. Ngày 8/6/2013, bệnh nhân T.T.G (SN 1977, ngụ TPHCM) vào BV Lê Lợi với triệu chứng đau hạ vị sau khi dùng bữa, bác sĩ Ba phụ trách ca trực để chữa trị và quyết định nhầm sang… cắt ruột thừa không viêm. Năm 2014, cô giáo P. Th. H. 27 tuổi, sau khi bác sĩ Ba tiến hành mổ cắt tử cung hoàn toàn bị tuột chỉ gây chảy máu dẫn đến rối loạn đông máu, chuyển đến BV Từ Dũ mổ lại nhưng bệnh nhân đã tử vong. Năm 2015, cô giáo mầm non tên H. 47 tuổi, cũng được bác sĩ Ba chẩn đoán cho mổ ngay trong trường hợp chưa thông qua hội chẩn, lấy ý kiến bác sĩ trưởng khoa, bệnh nhân đã tử vong trên bàn mổ... Được biết, nhiều chẩn đoán mang tính sai sót chuyên môn được thực hiện khi bác sĩ Ba trở về từ… phòng khám tư bên ngoài, ngay trong giờ trực BV(!).
Điều đáng nói là, mặc dù có rất nhiều sai phạm đã bị phanh phui, nhưng bác sĩ Ba ngoài bị đình chỉ chuyên môn 3 tháng thì ngay sau đó vẫn được bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc BV ký quyết định cho đi học, được đề nghị kết nạp Đảng. Về vấn đề kết nạp Đảng của bác sĩ Ba, đã có nhiều ý kiến của các đảng viên trong BV cho rằng tồn tại khuất tất. Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, nguyên bác sĩ Khoa Sản BV Lê Lợi đã có đơn tố cáo đến Đảng ủy khối cơ quan của tỉnh về việc “bỗng dưng” xuất hiện chữ kí của bác sĩ Hằng trong giấy giới thiệu cảm tình Đảng của bác sĩ Hằng đối với bác sĩ Ba. Thực tế bác sĩ Hằng hoàn toàn không đồng ý với đề nghị kết nạp Đảng cho bác sĩ Ba, xét trên năng lực và các sự cố của bác sĩ Ba gây ra trong thời gian phát triển Đảng.
Một điểm lạ trong vụ việc của bệnh nhân Lê Hồng Thương nói trên cũng như nhiều trường hợp khác, là BV Lê Lợi vẫn tiếp nhận kết quả siêu âm của một phòng khám ngoài không thuộc BV (do bác sĩ trong BV mở). Cũng trong thời gian từ 19h-21h hàng ngày, bác sĩ Ba cùng với một số bác sĩ khoa siêu âm của BV Lê Lợi được “mặc nhiên” bỏ trực ra điều hành phòng khám bên ngoài, dù lịch trực phân công rất rõ. Thay thế họ là một số kĩ thuật viên. Sự việc này đã diễn ra nhiều năm nay, các bác sĩ, kĩ thuật viên và y tá BV đều nắm rõ. Bác sĩ Trần Văn Bảy - Giám đốc BV đã nhận được nhiều đơn tố cáo, phản ánh của bệnh nhân cũng như của báo chí, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Tại sao bác sĩ Hoàng Phước Ba nhiều sai phạm, nhưng vẫn tiếp tục được ưu ái và vẫn được phép tiếp tục cầm dao mổ? Vì sao việc bỏ trực hàng ngày của các bác sĩ BV Lê Lợi đã thành một hệ thống, nhưng nhiều năm qua vẫn không được xử lý triệt để? Điều này liệu sẽ còn đem đến những hậu quả gì cho bệnh nhân? Có hay không “nhóm lợi ích” đang tồn tại trong BV Đa Khoa Lê Lợi? Câu trả lời cho hàng loạt vấn đề này, xin nhường câu trả lời cho các cơ quan quản lý về y tế của TP Vũng Tàu.