Khuất tất trong vụ mua đất 50 tỷ chưa trả hết tiền, mang thế chấp ngân hàng một cách “thần tốc”

(PLVN) - Ông Trịnh Văn Hậu (phường 11, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) kêu cứu tới Báo PLVN về những khuất tất trong vụ việc khu đất của ông bị người mua chưa trả hết tiền đã lén sang tên và mang đi thế chấp tại ngân hàng.

Chưa giao đủ tiền đã sang tên sổ đỏ, mang đất đi thế chấp

Ông Hậu cho biết, ông có thửa đất số 44, tờ bản đồ số 16, diện tích 16.154m2 tại địa chỉ 888/1 đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất đã được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE 037146 ngày 04/7/2006 do ông Hậu đứng tên.

Ông Hậu trình bày sự việc với PV
Ông Hậu trình bày sự việc với PV

Ngày 11/7/2014, vợ chồng ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên cho vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung (SN 1978), bà Trịnh Thị Lan (SN 1976, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Nghiệp Phát, có địa chỉ tại; Số 378 đường Điện Biên Phủ, phường 17 quận Bình Thạnh, TP HCM) bằng giấy viết tay theo giá thực tế thỏa thuận mua bán là 50 tỷ đồng.

Vợ chồng ông Trung, bà Lan đã thanh toán trước cho ông Hậu số tiền 22 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 28 tỷ đồng hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán hết một lần vào ngày 11/01/2015. 

Sau đó, ông Trung, bà Lan âm thầm, tự ý lấy hợp đồng chuyển nhượng đã ký giữa hai bên, ký giả bản khai thuế thu nhập cá nhân về chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hồ sơ khai thuế và tự đi đóng thuế đất hàng năm tại UBND Phường 11, TP Vũng Tàu. Không lâu sau đó, ngày 8/9/2014, vợ chồng ông Trung đã được UBND TP Vũng Tàu cấp sổ đỏ thửa đất đã mua còn nợ tiền của ông Hậu.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi được đứng tên trên sổ đỏ, tháng 10/2014, ông Trung, bà Lan đã đem giấy tờ đất đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành để bảo đảm cho khoản vay hơn 63,7 tỷ đồng của Công ty Nghiệp Phát- công ty do vợ chồng ông Trung, bà Lan làm chủ.

Ông Hậu phản ánh: “Việc sang tên sổ đỏ đất cho vợ chồng ông Trung một cách nhanh chóng “thần tốc” là rất bất thường. Bên cạnh đó, việc vợ chồng ông Trung chưa giao hết tiền mua đất, tôi vẫn sử dụng thửa đất từ đó tới nay nhưng ngân hàng đã chấp nhận cho ông Trung, bà Lan vay tiền mà không xuống đo vẽ thực tế thửa đất là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và chính ngân hàng. Tôi đã nhiều lần đến văn phòng công ty Nghiệp Phát gặp vợ chồng ông Trung, bà Lan để yêu cầu họ thanh toán cho tôi số tiền 28 tỷ đồng còn thiếu theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11/7/2014 nhưng vợ chồng ông Trung vẫn không thanh toán tiền cho tôi như đã thỏa thuận”.

Cũng theo ông Hậu, khi ông yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do vi phạm điều khoản thanh toán thì vợ chồng ông Trung, bà Lan năn nỉ đừng hủy hợp và hứa hẹn sẽ thanh toán đủ tiền cho ông Hậu.

Để làm tin ngày 02/02/2015 ông Hậu và vợ chồng ông Trung cùng đến văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP HCM lập vi bằng về việc thỏa thuận và cam kết thời gian ông Trung, bà Lan thanh toán tiền cho ông Hậu. Theo Vi bằng được lập, ông Trung, bà Lan phải thanh toán số tiền 28 tỷ đồng cho ông Hậu chậm nhất là ngày 10/3/2015; Nếu đến thời hạn trên hạn mà ông Trung, bà Lan vẫn không trả tiền cho ông Hậu thì ông Hậu có quyền hủy hợp đồng chuyển nhượng, không giao đất, được toàn quyền sử dụng lô đất của ông Hậu; Ông Trung, bà Lan bị mất số tiền đã trả trước đó là 22 tỷ đồng mà không được quyền khiếu nại.

Nhưng sau đó, đến thời hạn như trong vi bằng đã lập, ông Trung, bà Lan vẫn không trả tiền cho ông Hậu. Vì quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng nên ông Hậu đã khởi kiện vợ chồng ông Trung, bà Lan ra TAND TP Vũng Tàu.

Trong quá trình khởi kiện ông Trung, bà Lan, ông Hậu được biết họ cố tình nhanh chóng hoàn tất thủ tục vay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành để nhận được tiền cho vay tại Ngân hàng. Vì vậy, ông Hậu đã nộp đơn đến TAND TP Vũng Tàu yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. 

Ngày 6/4/2015, TAND TP Vũng Tàu đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2015/QĐ-BPKCTT về việc: “Cấm Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, chi nhánh Bến Thành tiếp tục thực hiện việc giải ngân cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Nghiệp Phát có liên quan đến tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất diện tích 16.154m2 đất thuộc thửa đất số 44, tờ bản đồ số 16, địa chỉ thửa đất phường 11, thành phố Vũng Tàu.”

Ngày 9/4/2015, TAND TP Vũng Tàu ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2015/QĐ-BPKCTT về việc: “Cấm Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, chi nhánh Bến Thành tiếp tục thực hiện việc giải ngân (chi trả tiền) cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Nghiệp Phát số tiền đã vay là 63.769 tỷ đồng."

Ngày 15/4/2015, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1540/QĐ-CCTHA về việc thi hành án chủ động theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2015/QĐ-BPKCTT của TAND TP Vũng Tàu.

Cán bộ ngân hàng có dấu hiệu tiếp tay

Ông Hậu cho rằng, cán bộ ngân hàng cố tình làm sai lệch hồ sơ thế chấp, đồng lõa, che đậy hành vi sai trái của ông Trung, bà Lan, làm những thủ tục pháp lý gian dối, để hồ sơ vay đủ điều kiện thực hiện việc thế chấp. 

Cụ thể, ngày 15/4/2015, bà Trần Duy Kiều, Giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành đã đến Công ty Nghiệp Phát gặp ông Hậu và ông Trung, bà Lan. Bà Kiều đưa ra các phương án giải quyết vụ việc trên cho ông Hậu. 

Đề nghị ông Hậu rút đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ngân hàng, đồng thời yêu cầu Tòa thu hồi lệnh cấm trước ngày 20/4/2015 thì bà Kiều sẽ bán căn hộ chung cư La Bonita, thay mặt Công ty Nghiệp Phát thanh toán cho ông Hậu số tiền còn lại 28 tỷ theo lộ trình là 5 tỷ đồng  nhưng ông Hậu không đồng ý.

Ông Hậu thắc mắc, bà Trần Duy Kiều là Giám đốc của Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Bến Thành tại sao lại thay mặt công ty Nghiệp Phát của ông Trung, bà Lan trả nợ cho ông. Như vậy trong việc nhận chuyển nhượng, thế chấp tài sản nhằm đảm bảo việc vay vốn của Công ty Nghiệp Phát với bà Trần Duy Kiều có mối quan hệ như thế nào? 

Ông Hậu tìm hiểu được biết, khoảng tám năm trước bà Trịnh Thị Lan làm việc cho Ngân hàng cùng với bà Trần Duy Kiều. Trong một phi vụ làm ăn vay vốn bất chính nhằm mục đích rút tiền Ngân hàng, bà Lan bị bắt giam, sau đó được hưởng án treo. Từ đó, bà Lan không làm việc cho Ngân hàng nữa mà ra ngoài kinh doanh bất động sản.

Bà Kiều làm việc cho Ngân hàng Phương Đông đã cấu kết với ông bà Trung, Lan rút ruột Ngân hàng số tiền 150 tỷ đồng để mua 50 căn biệt thự tại thành phố Hồ Chí Minh và 2 căn hộ chung cư La Bonita. Sau đó, ông Hậu đã làm đơn tố cáo bà Kiều gửi đến Ngân hàng Phương Đông. Ngân hàng Phương Đông đã cho bà Kiều nghỉ việc.

Bản án có hiệu lực bị TAND Tối cao kháng nghị vô lý?

Liên quan đến việc ông Hậu khởi kiện ông Trung, bà Lan, ngày 18/12/2015 TAND TP Vũng Tàu đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành cũng được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo bản án sơ thẩm số 38/2015/DSST, Tòa đã tuyên hủy hai hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 11/7/2014 giữa ông Trịnh Văn Hậu, và ông Nguyễn Vũ Trung, bà Trịnh Thị Lan; Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BS 376668 do UBND TP Vũng Tàu cấp ngày 8/9/2014 đứng tên ông Nguyễn Vũ Trung, bà Trịnh Thị Lan; Ông Trịnh Văn Hậu và bà Nguyễn Thị Giang không phải trả lại số tiền 22.000.000.000 đồng đã nhận của ông Nguyễn Vũ Trung và bà Trịnh Thị Lan.

Tòa không xem xét yêu cầu độc lập của ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành buộc công ty Nghiệp Phát do bà Lan làm Tổng giám đốc trả toàn bộ số dư nợ 79 tỷ đồng theo hợp đồng vay đảm bảo theo tài sản là thửa đất tại phường 11, TP Vũng Tàu và tiền lãi phát sinh.

Không đồng tình với bản án, phía ông Trung, bà Lan và Ngân hàng TMCP Phương Đông- chi nhánh Bến Thành đã kháng cáo. Ngày 11/4/2016, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xét xử phúc thẩm bản án trên. Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hậu như án sơ thẩm đã tuyên. Tòa cũng tuyên hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Trung, bà Lan và ông Hậu có quyền liên hệ cơ quan nhà nước để cấp lại sổ đỏ cho thửa đất của mình. Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của ông Hậu khi hoàn trả cho vợ chồng ông Trung số tiền 20 tỷ là số tiền mà ông Trung, bà Lan đã thanh toán cho ông Hậu khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tòa cũng đình chỉ yêu cầu giải quyết độc lập của ngân hàng.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, vợ chồng ông Trung và Ngân hàng Phương Đông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm 16/2016/DSPT ngày 11/4/2016 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao TP Hồ Chí Minh và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày 04/8/2016 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành thông báo số 346/TB-VC2-V2 về việc giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của ông Trung, bà Lan. Theo đó, Viện này cho rằng tòa án căn cứ vào việc thanh toán thực tế giữa các bên và cam kết thỏa thuận thể hiện trong vi bằng để tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là phù hợp. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên xử là có căn cứ pháp luật. Đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Trung, bà Lan không đưa ra những chứng cứ, tình tiết làm thay đổi nội dung, tính chất của vụ việc nên không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 20/3/2017, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng ban hành thông báo số 414/TB-TA về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Trung, bà Lan. Theo đó, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khẳng định không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm.

Bởi, việc ông Trung, bà Lan chưa thanh toán đủ tiền cho ông Hậu, bà Giang nhưng lại sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua tên ông Trung, bà Lan, rồi đem quyền sử dụng đất diện tích 16.154m2 thế chấp cho Ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ cho Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Nghiệp Phát là không phù hợp với quy định pháp luật.

Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm xét hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết giữa vợ chồng ông Hậu, bà Giang với vợ chồng ông Trung, bà Lan; Đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của ông Hậu, bà Giang đồng ý trả lại số tiền 20 tỷ đồng cho ông Trung,  bà Lan là có căn cứ. 

Ông Hậu cho biết, sau khi bản án có hiệu lực, ông đã được UBND TP Vũng Tàu cấp sổ đỏ cho thửa đất của chính mình. Ông Hậu cũng đã gửi số tiền 20 tỷ cho phía thi hành án để trả ông Trung, bà Lan nhưng họ không nhận tiền mà tiếp tục xin hoãn thi hành án, gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đến TAND Tối cao.

Ngoài ra, ông Hậu cũng đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất này cho người khác. Người này đã tách thửa, chuyển nhượng đất cho nhiều người có nhu cầu mua đất và thế chấp tại các Ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Hiện các hộ dân đã nhận chuyển nhượng đang ở và quản lý sử dụng đất ổn định các thửa đất trên. 

Vậy nhưng ngày 8/3/2019, ông Hậu bất ngờ nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 42/2018/KN-DS của TAND Tối cao đối với bản án dân sự phúc thẩm số 16/2016/DS-PT ngày 11/4/2016 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, TAND Tối cao quyết định kháng nghị toàn bộ bản án của tòa cấp dưới và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật…

Ông Hậu bức xúc: “Vụ án đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật qua ba cấp nhưng phía ông Trung, và Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Bến Thành vẫn gửi đề nghị xem xét khi không có chứng cứ nào mới, cũng như không có căn cứ pháp lý nào để yêu cầu xem xét lại bản án là cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết dứt điểm vụ án, làm tồn đọng án quá hạn.

Bản án đã có hiệu lực thi hành, việc TAND Tối cao chấp nhận đơn đề nghị của Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Bến Thành và Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Nghiệp Phát kháng nghị hủy bản án phúc thẩm là không đúng tình tiết nội dung vụ án, không xem xét đến sự thật khách quan của vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và những hộ dân nhận chuyển nhượng đất khác. Tôi sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan cấp cao để đề nghị xem xét lại quyết định kháng nghị trên”.   

Đọc thêm