Như PLVN đã từng thông tin, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai mở rộng thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài cấp THPT tại hai trường là THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội Amsterdam (người học được nhận song song bằng tú tài Anh quốc theo chương trình Cambridge, được cấp chứng chỉ A- Level ngay tại Việt Nam, cùng với bằng tốt nghiệp THPT quốc gia).
Theo quy định, sau khi sơ tuyển, các thí sinh sẽ phải trải qua 3 vòng thi: Vòng 1: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam (ngày 07/6/2018 thi Ngữ văn và Toán cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên); Vòng 2: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc ngày 10/6/2018 (thi các môn Toán, Vật lý, Hóa học đều bằng tiếng Anh và thi môn tiếng Anh); Vòng 3: Phỏng vấn.
Các học sinh được chọn để vào vòng 3 đảm bảo đã tham dự đủ các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, không có bài thi nào bị điểm 0 và nằm trong số top đầu (gấp 2 lần chỉ tiêu tuyển sinh) có tổng điểm cao nhất của 4 bài thi ở vòng 2. Thời gian phỏng vấn vào ngày 18/6/2018.
Triển khai tuyển sinh, ngày 15/6, GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định duyệt điểm vòng 2 (tổng điểm 4 môn thi) là 22,25 điểm và đưa ra danh sách các học sinh được dự vòng 3 (phỏng vấn vào ngày 18/6). Điều này đã gây thắc mắc cho một số phụ huynh vì họ cho rằng, tại thời điểm này chưa có điểm thi vòng 1 thì làm sao Sở GD&ĐT có thể “quyết” được danh sách các thí sinh vào vòng 3?
Khi đã tổ chức thi xong vòng 2 và vòng 3 thì đến ngày 28/6/2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội mới có Quyết định số 1277/QĐ-SGDĐT “Duyệt điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 hệ song bằng của Trường THPT Chu Văn An là 6 điểm (điểm phỏng vấn) và THPT Hà Nội Amsterdam là 6,5 điểm (điểm phỏng vấn).
Với trình tự triển khai và quyết định trên, có thể hiểu, các học sinh được cho là đã đỗ kỳ thi vòng 2 (10/6), vòng 3 (ngày 18/6) nhưng vẫn có thể bị loại do đã không đủ điểm chuẩn ở ngay vòng 1 (7/6). Nhiều phụ huynh thắc mắc, tại sao Hội đồng tuyển sinh không tổ chức xét, thi lần lượt vòng 1, vòng 2 rồi căn cứ vào kết quả thi hai vòng này để lựa chọn 200 học sinh vào vòng phỏng vấn? Như vậy vừa tránh tình trạng “tréo ngoe”, vừa tránh được tốn kém và căng thẳng không cần thiết cho học sinh lẫn phụ huynh?
Đến ngày 2/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội có tiếp Quyết định số 1314/QĐ-SGDĐT duyệt điểm chuẩn phỏng vấn của cả hai trường xuống còn 4,5 điểm (tức là giảm từ 1,5 đến 2 điểm), cho phép các học sinh có điểm thi vòng 2 từ 20 điểm trở lên được tham gia “phỏng vấn đợt 2” (tức giảm 2,25 điểm).
Đã “chốt” được 200 học sinh vào vòng phỏng vấn (để chọn 100 học sinh) từ ngày 16/6, không hiểu sao Sở GD&ĐT lại phải hạ điểm của cả vòng 1 lẫn vòng 2 để có “phỏng vấn đợt 2” như trên?
Đáng nói, tại cả hai Quyết định nêu trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đều dùng khái niệm “điểm chuẩn trúng tuyển...” để nói về điểm thi vòng 1 của học sinh. Thế nhưng vào ngày 6/7 vừa qua, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội về vấn đề điểm trúng tuyển (còn gọi là thi vòng 1) trên đây, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lại cho biết, “điểm đó là dùng để tham khảo”. Cụ thể, ông Dũng cho biết: “Để tuyển sinh vào lớp song bằng thì chúng tôi căn cứ vào kết quả vòng 2 là vòng thi 4 môn bằng tiếng Anh, lấy điểm từ cao xuống thấp để chọn vào vòng 3 để phỏng vấn… Sở không xét điểm Toán và Ngữ Văn, điểm đó là dùng để tham khảo, giúp học sinh là: nếu không đỗ thì sẽ tham gia học công lập hoặc nếu không theo được song bằng thì quay về nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 trước đây… Một số phụ huynh băn khoăn tại sao không tham khảo điểm thi tiếng Việt (tức vòng 1- PV).
Nhưng như chúng tôi đã nói, sau vòng sơ tuyển với các em điểm trung bình các môn 8,0 trở lên thì với kết quả thi 2 vòng sau tốt như thế thì tôi nghĩ tiếng Việt là đảm bảo để các em học được chương trình Việt Nam. Cái khó là học chương trình nước ngoài nên từ vòng 2, vòng 3 mới xét đến nội dung đó…”.
Khá ngạc nhiên với nội dung trả lời trên, nhiều phụ huynh buộc phải đặt câu hỏi, nếu đã coi là “điểm tham khảo” thì việc gì Sở GD&ĐT phải đề ra cái gọi là “vòng 1” và đưa ra “điểm chuẩn” của vòng này là 4,5 điểm như trên. Tại sao đại diện Sở GD&ĐT lại “bất nhất”, lúc thì gọi là “điểm chuẩn trúng tuyển” (tại văn bản chính thức) và “điểm tham khảo” (khi trả lời chất vấn) như vậy?