Các bị cáo khai gì tại tòa
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Huỳnh Hiệp Xuyên (tên gọi khác Xuyên bụi, SN 1983, ngụ xã Mỹ Châu), Thái Hoàng Nhật (SN 1994), Nguyễn Hồng Quân (SN 1992), Hoàng Ngọc Tú (SN 1999), Nguyễn Văn Lâm (SN 1994) cùng ngụ huyện Phù Mỹ, Đào Duy Đô (SN 1991, ngụ huyện Hoài Nhơn).
Ngay phần thủ tục, không khí phiên tòa đã căng thẳng. Khi chủ tọa hỏi ý kiến của luật sư (LS) và người có quyền, nghĩa vụ liên quan, một luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Bình Nhất Phương (SN 1988, ngụ huyện Phù Mỹ, đã chết, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) bị cắt ngang và vị chủ tọa kết thúc phần thủ tục.
Sau khi đại diện VKSND tỉnh Bình Định đọc xong cáo trạng, LS Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn LS TP Đà Nẵng), người bảo vệ quyền và lợi ích cho Phương cho rằng chưa được hỏi ý kiến trong phần thủ tục. Các LS khác cũng đồng ý với LS Hùng và đề nghị đại diện VKSND có ý kiến nhưng người này im lặng. Tranh cãi vì cho rằng bị tước quyền ý kiến, triệu tập các nhân chứng đến phiên tòa ở phần thủ tục giữa các LS và vị chủ tọa diễn ra khá gay gắt. Vị chủ tọa cho rằng đã hỏi “có ai còn ý kiến gì không” nhưng không nghe ai nói gì nên kết thúc và tiếp tục phần xét hỏi.
Phiên tòa tiếp tục, bị cáo Tú và Lâm khai, khuya ngày 16/6/2017, khi đang ngồi nhậu chung ở thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) thì Phương rủ ra nhà Xuyên để đánh nhau. Tú và Lâm đồng ý. “Anh Phương tìm được 3 cây phảng (dạng rựa) ở đâu bị cáo không biết. Bị cáo chở cả ba ra nhà Xuyên. Đến nhà Xuyên, bị cáo với anh Phương vào đập cửa, Lâm đứng ở ngoài”, Tú khai.
Theo Tú, bên trong nhà Xuyên có tiếng hỏi “ai vậy”. Phương mới trả lời: “Kêu thằng Xuyên ra đây tao chém”. Do trong nhà hô ăn cướp nên cả ba chạy về thị trấn Bình Dương tiếp tục nhậu.
Khoảng 1h45 ngày 17/6/2017, Phương rủ Đô ra nhậu. Sau đó, Đô, Tú, Lâm và anh Phương đi trên một xe máy tiếp tục hướng ra nhà Xuyên. Trên đường đi thì thấy hai người chạy xe máy ngược chiều quay đầu bỏ chạy, Tú, Lâm, Đô và Phương đuổi theo nhưng không kịp. Đến nhà Xuyên lần thứ 2, Đô khai thấy nhiều người nên cả bốn đi tiếp ra hướng bắc. Trên đường đi có gặp Phạm Linh Khương và Phạm Văn Thi đi trên 2 xe máy hướng ngược lại. Phương nhờ Khương chở mình, Thi chở Lâm quay ngược về thị trấn Bình Dương, Đô với Tú đi riêng, về trước.
Còn bị cáo Xuyên khai rằng đang ở trong nhà thì có người đến đập cửa. Bị cáo Xuyên không biết đó là ai và rất lo sợ. Khi được hỏi tại sao sợ lại không ở nhà hoặc báo công an? Xuyên nói: “Bị cáo định đi báo công an nhưng không biết ai nên không báo được. Bị cáo mới cùng Quân và Nhật cầm 2 cây phảng đi tìm hỏi xem ai đập cửa nhà bị cáo để báo công an”?!
Bị cáo Xuyên khai rất lo sợ nhóm đập cửa nhà mình. Nhưng không hiểu tại sao bị cáo gặp ai đi xe máy cũng đuổi theo và mục đích là “hỏi xem là ai, tại sao đập nhà bị cáo”. Cụ thể, trên đường đi ra hướng bắc (theo hướng nhóm Phương đi) gặp Tú và Đô đi ngược chiều. Xuyên chỉ đạo vòng xe lại, đuổi theo nhưng không kịp. Xuyên chỉ đạo quay xe lại, ra hướng bắc. Thấy 2 xe máy đi ngược chiều với Xuyên và quay đầu xe bỏ chạy, nhóm Xuyên đuổi theo.
Nhóm Xuyên khai không nẹt pô, không la hét, không kéo phảng trên đường làm tóe lửa. Nhóm Xuyên đuổi kịp xe đi sau (xe Thi và Lâm), vượt qua nhưng Thi và Lâm bị tai nạn. Còn Xuyên khai: “Bị cáo không biết Thi và Lâm là ai, không biết họ bị tai nạn. Gần đến xe đi trước, hai người này quay mặt lại thì mới biết là Phương. Cách xe Phương 10m thì xe này bị tai nạn. Bị cáo thấy bị tai nạn nên hoảng sợ quá, sợ lắm nên không dám đứng lại cứu giúp”.
Tòa trả hồ sơ
Khương và Thi khai nhóm Xuyên đuổi sau lưng cách chừng 2m, Khương trình bày: “Nhóm Xuyên la hét, nẹt pô và người ở giữa giơ phảng lên. Tôi sợ quá nên chạy nhanh và không làm chủ được tay lái nên mới gây ra tai nạn. Tôi yêu cầu nhóm Xuyên bồi thường viện phí”. Còn gia đình Phương đề nghị xử lý nhóm Xuyên tội “Giết người” và bồi thường tiền tang ma, thiệt hại.
Phần xét hỏi của LS diễn ra căng thẳng, một LS đề nghị được hỏi Phạm Văn Khương và nhân chứng Nguyễn Đình Thánh. Chủ tọa nói rằng hai người này không có mặt nên đề nghị luật sư hỏi người khác. Tuy nhiên, LS cho rằng tại phần thủ tục, chủ tọa cắt mất quyền được yêu cầu triệu tập các nhân chứng.
Sau khi tranh cãi, chủ tọa đồng ý cho LS hỏi nhân chứng Thánh dù người này… không có mặt tại tòa. LS đặt câu hỏi và chờ nhân chứng này trả lời?! Chủ tọa cho rằng LS đặt câu hỏi với người không có mặt ở phiên tòa là đang có hành vi gây rối phiên tòa. Tuy nhiên, LS đối đáp rằng “chủ tọa đồng ý thì tôi mới hỏi”.
Sự tranh luận đang căng thẳng thì chủ tọa cho dừng phiên tòa vì hết giờ làm việc buổi sáng. Ngay trong đầu giờ chiều, các LS có đơn khiếu nại cho rằng chủ tọa phiên tòa có những vi phạm tố tụng. Đơn được nộp tại TAND tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, ngay đầu giờ chiều, HĐXX tiến hành hội ý và ra quyết định trả hồ sơ vụ án. Theo HĐXX còn một số vấn đề chưa được làm rõ tại phiên tòa: “Các bị cáo và người liên quan khai mâu thuẫn, chưa được đối chất. Người nhà của Phương yêu cầu xem xét xử lý nhóm Xuyên tội “Giết người” và bồi thường”. Vì thế, cần điều tra làm rõ mâu thuẫn giữa Xuyên và Phương để xác định động cơ, mục đích phạm tội. Xác định lại hành vi của các bị cáo có dấu hiệu phạm tội “Giết người” hay “Gây rối trật tự công cộng”. Trước đó, TAND tỉnh Bình Định có tham gia ba lần họp liên ngành cùng với VKSND tỉnh và Công an tỉnh, thống nhất việc khởi tố các bị cáo tội “Gây rối trật tự công cộng” và bác bỏ luận điểm của PC44 khi cho rằng các bị cáo đã phạm tội “giết người”.