Cung không theo kịp cầu…
Trước thách thức lượng du khách tăng mạnh hàng năm, cộng thêm dịp hè cũng là mùa cao điểm của du lịch, các điểm du lịch nóng ở nhiều tỉnh, thành gần biển đang đối mặt với một sự thiếu hụt lớn về nơi vui chơi giải trí cho du khách.
Trong thời gian ngắn, ở tỉnh Khánh Hòa xuất hiện ồ ạt các dịch vụ du lịch tự phát do cá nhân đứng ra dẫn tour như: tour đi chụp hình những điểm đến nổi tiếng tại Nha Trang - Khánh Hòa; tour du lịch thiền tại các địa điểm như Hòn Bà, Suối Đổ, Ba Hồ; tour leo núi tại núi Cô Tiên, núi Sạn...; và các tour tham quan khác tới các điểm như ghềnh Nhảy xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), Bình Hưng (TP Cam Ranh), Đầm Môn, Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh)...
Tại tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đơn cử, tại đảo Phú Quý, do lượng khách đông (dự kiến khoảng 15.000 lượt khách ra đảo trong dịp hè) mà nhân lực tại đảo không đủ phục vụ khách tham quan, nên nhân viên các homestay, nhà nghỉ trên đảo sẽ “nhanh trí” kiêm luôn HDV mọi mặt từ ăn uống, ngủ nghỉ tới đi lại, tham quan. Rủi ro ở đây, những hành động này hầu hết đều là tự phát, chưa có lên kế hoạch từ trước, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà như vậy người có ít, người có nhiều.
Các HDV “tự phát” này cũng không hề có giấy phép hành nghề, qua đào tạo về dẫn tour nên thông tin không có tính chính xác cao thậm chí nhiều người không hề có chứng chỉ điều khiển phương tiện nhưng vẫn điều khiển các phương tiện tàu thuyền chuyên chở cho du khách. Nhưng, trong nhiều trường hợp, bất chấp nguy hiểm lại là lựa chọn của khách du lịch.
Do chuyến tàu ra các đảo mỗi ngày không nhiều, nhiều du khách tự thỏa thuận với ngư dân địa phương để được chở đi. Như tại đảo Hòn Cau (huyện Tuy Phong), tàu cá của ngư dân bỗng trở thành tàu chở du khách lại là “bình thường”. Tình trạng trên cũng diễn ra tại các tuyến du lịch đi đảo Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam); Hòn Bà (thị xã Lagi)… đều do người dân và du khách tự thỏa thuận với nhau.
Có cầu thì mới có cung là nguyên lý cơ bản giải thích cho hiện tượng tour du lịch “chui”. Các tour du lịch tự phát là một biện pháp “chữa cháy” nhằm đáp ứng nhu cầu du khách tăng mạnh vào mùa hè mà tốc độ tăng trưởng cơ sở hạ tầng, phân bố nhân lực ở điểm đến vẫn chưa đáp ứng kịp. Song song với chất lượng kiểu “thượng vàng hạ cám”, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Đơn cử hồi tháng 4/2019, một HDV tự dẫn khách đi tour “chui” tham quan đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bằng xe jeep, bất cẩn rớt ra khỏi xe trong khi đùa giỡn, tử vong tại chỗ. Vụ việc cảnh tỉnh cho nhiều du khách ham tour lạ - rẻ không đảm bảo an toàn. Mặt khác, nhiều công ty du lịch chân chính tỏ ra lo lắng vì hình ảnh du lịch của thành phố biển bị ảnh hưởng.
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thừa nhận thực trạng tour tự phát gia tăng đáng báo động, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp mở thêm nhiều điểm tham quan, dịch vụ. Theo đó, các chương trình tour do công ty du lịch xây dựng đều phải báo cáo sở để cấp phép; các công ty phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho du khách và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Lợi bất cập hại
Về góc độ quản lý, khó có thể cấm toàn bộ các hình thức tour tự phát bởi đây cũng có thể coi là một phương pháp giải quyết vấn đề của người dân, phát sinh từ hoàn cảnh thực tế là do cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Song, nhìn về lâu dài, tour du lịch tự phát hại nhiều hơn lợi. Từ năm 2015, tình trạng tour du lịch tự phát ở tỉnh Khánh Hòa đã xuất hiện và có nhiều biến tướng.
Ví như, nhiều văn phòng tour “chui” hoạt động chỉ với một cái ghế và một cái dù, rồi thuê người nước ngoài chèo kéo du khách trên các đường phố, hạ giá tour để lôi kéo, bán tour trực tiếp cho khách quốc tế. Điều này dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, thất thu thuế nhà nước, chất lượng tour và an toàn du khách không đảm bảo, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam.
Có thể thấy mỗi năm tour tự phát lại có những biến tướng khác nhau. Những bất cập điển hình khi người dân làm du lịch tự phát theo kiểu nghiệp dư tại các đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng (vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) là tình trạng các đơn vị cung cấp dịch vụ, cơ sở lưu trú không niêm yết giá thành, tự ý nâng giá vào dịp cao điểm hoặc tự ý hạ giá đến mức phá giá; tình trạng du khách lên tàu, thuyền không có bảo hộ, phao cứu sinh; rồi một số địa điểm công cộng tự nhiên có người đứng ra thu phí…
Đáng lo ngại là với tốc độ lan truyền của Internet và mạng xã hội, những thông tin thật giả lẫn lộn được lan truyền nhanh chóng, thiếu kiểm soát. Đây là cơ hội béo bở để lan truyền những tour “chui” với mức giá thành “cực mềm” để hấp dẫn du khách.
Nhiều du khách cũng như các công ty du lịch chân chính cho rằng trong khi chưa thể cấm triệt để, các cơ quan chức năng của ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm; nhằm ngăn chặn những biến tướng và hệ lụy của tour du lịch “chui”.
Theo đó, đơn vị nào muốn xây dựng tuyến lữ hành hoặc tuyến tham quan phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở hạ tầng, đào tạo hướng dẫn viên, sau đó đăng ký với sở để thành lập hội đồng thẩm định xem tuyến đó có an toàn cho du khách hay không, nếu đủ điều kiện mới được cấp giấy chứng nhận hoạt động. Về phía bản thân du khách cũng cần tìm hiểu những trang thông tin chính thống hoặc hỏi tư vấn qua số hotline du lịch tại địa phương nơi đến để có cái nhìn nhận đúng đắn hơn về hành trình của mình.