Hôm qua (1/2) , Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó trưởng ban thường trực; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba tham dự Hội thảo.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ
Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ủy viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: gần 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đã thực hiện những đổi mới căn bản và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa xứng với tiềm năng.
Đáng chú ý, hệ thống pháp luật được tiếp tục hoàn thiện nhưng còn thiếu đồng bộ, phức tạp, cồng kềnh, mâu thuẫn, khó tiếp cận. Một trong những bất cập lớn là pháp luật chưa được thi hành nghiêm minh, trách nhiệm thi hành chưa rõ ràng; nhiều quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống…Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có những vướng mắc từ quy định của Hiến pháp 1992.
Trên cơ sở xác định rõ mục đích, phạm vi, yêu cầu tổng kết thi hành Hiến pháp, dự thảo báo cáo của Chính phủ có 4 nội dung lớn bao gồm: mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; về HĐND, UBND và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Đánh giá kết quả đạt được về từng nội dung cụ thể, dự thảo báo cáo cũng nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, từ đó đề xuất những vấn đề sửa đổi, bổ sung.
Tập trung sửa đổi các quy định về quyền con người, quyền công dân
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, từ tổng kết thực tiễn thi hành Hiến pháp 1992, Chính phủ đề xuất sửa đổi bổ sung tập trung vào 7 nhóm vấn đề với 19 kiến nghị (trong đó nhiều kiến nghị được nêu bằng nhiều phương án khác nhau). Trong đó, theo Thứ trưởng Liên, nổi bật là các kiến nghị về 2 vấn đề: tổ chức bộ máy thực hiện quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương; về quyền con người, quyền công dân.
Thực tế, hiện nay các quy định của Hiến pháp đã ghi nhận đầy đủ các quyềng và tự do cơ bản của con người và công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Chính phủ cùng với các cơ quan nhà nước như Quốc hội, TAND, VKSND đã có nhiều chủ trương chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm các quyền và tự do của con người, công dân và đạt nhiều thành tựu.
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành, sửa đổi nhiều đạo luật tạo cơ sở pháp lý cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền công dân trên các lĩnh vực. Các văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ ban hành tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác triển khai và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, từng bước tiêp cận với chuẩn mực quốc tế và tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hiện, Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các công ước quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền.
Tuy nhiên, vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân cũng còn nhiều vướng mắc bất cập trong đó nhiều quy định trong Hiến pháp còn nặng tính cương lĩnh, tuyên ngôn. Vì những bất cập này, Chính phủ sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền con người, quyền công dân.
Bình An