Đây là phát biểu của ông Đinh Dũng Sỹ tại Phiên họp Tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 4/8 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, khi ông đóng góp về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong Dự thảo Luật.
“Đấu thầu, đấu giá càng nhiều thì càng tốt”
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là cực kỳ phức tạp. Về tổng thể, ông ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch. Tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thực hiện đấu thầu, đấu giá.
“Tôi không phải chuyên gia kinh tế nhưng nhìn thấy đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất để xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư”, ông Sỹ nói.
Ông phân tích thêm, nếu đấu thầu, đấu giá sử dụng đất sạch đã được Nhà nước sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng, người bị thu hồi đất chịu thiệt một chút nhưng sẽ nghĩ Nhà nước có lợi, “còn nếu nhà đầu tư có lợi người ta sẽ không chịu”. Vì vậy, theo ông, nếu làm được càng nhiều đấu thầu, đấu giá thì càng quý.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Lê Bình) |
Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vốn ở đâu? Ông Sỹ gợi ý, có thể nghĩ đến cơ chế để mời các ngân hàng thương mại vào cho vay. “Nếu như có cơ chế, giao quyền cho các tổ chức phát triển quỹ đất cho phép các ngân hàng thương mại vào cho vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau đó đấu thầu, đấu giá rồi hoàn trả lại cho ngân hàng. Các ngân hàng thương mại không thiếu vốn và nếu thấy dự án nào khả thi họ sẵn sàng tham gia...”, ông Sỹ kiến nghị.
Cùng quan tâm, nhiều ý kiến tán thành với việc Dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí phân định những dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng nào sẽ được tiến hành đấu thầu, đấu giá hay tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (theo diện tích dự án), thay vì giao HĐND cấp tỉnh quyết định. Bởi cách quy định này sẽ có tiêu chí áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh lúng túng do địa phương không xác định được dự án nào là “dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu”.
Quy định cụ thể các dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội
Trước đó, gợi ý thảo luận về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết đã tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội về việc không quy định dẫn chiếu sang các điều khác mà quy định rõ các trường hợp thu hồi đất.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo đó, sửa đổi các quy định tại Dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm: dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng (trừ công viên, vườn hoa, bãi tắm và các khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác không thu phí của người dân).
Đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu.
Trong đó, phương án 1 giao HĐND quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc như bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương...
Phương án 2 quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10ha là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có.
Dự luật cũng quy định rõ đấu giá đối với dự án đầu tư sử dụng đất sạch có sẵn (không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) giao tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý và khai thác. Đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, quy định rõ đấu giá, đấu thầu đối với dự án cũng như thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có...