Vì sao kiến nghị của người dân không được xem xét?
Xã Cồn Thoi hiện có 15 hộ đang nuôi trồng hải sản tại bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn được UBND huyện Kim Sơn giao quản lý và khai thác từ năm 1995. Theo đó, có 3 hộ đại diện, gồm hộ ông Mai Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Chính và ông Nguyễn Văn Sử ký hợp đồng với Phòng Kinh tế biển, huyện Kim Sơn để các hộ cùng làm.
Năm 2013, một người tên Thắng ở xã Kim Định, huyện Kim Sơn đến đe dọa, uy hiếp ông Mai Văn Thanh, đòi đắp đầm thành các lô riêng, sau đó bán lại cho các hộ dân để kiếm lời.
“Ông Thắng là người có tiếng là dân xã hội, nên tại thời điểm đó không ai dám làm đơn tố cáo vì sợ bị trả thù, bởi tâm lý người dân ai cũng mong muốn cuộc sống yên ổn để làm ăn, chính vì vậy đành ngậm ngùi chấp nhận thua thiệt. Ngày 19/12/2016, có 3 người xưng là người của Cty TNHH Xây dựng Thống Nhất tới yêu cầu kê khai diện tích và dọa trong một tháng phải thu hết tài sản để trả lại đầm cho họ, nếu không sẽ đưa người tới “xử”và đưa máy móc tới bơm bùn đất lấp hết đầm...?”, một người dân bức xúc.
Lo sợ nhóm côn đồ sẽ “manh động”, các hộ dân đã gửi đơn tới Công an huyện Kim Sơn và các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Ninh Bình để có biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng một thời gian dài, Công an huyện Kim Sơn và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có động thái nào đối với kiến nghị chính đáng của người dân?
Để tìm hiểu rõ thông tin, phóng viên đã liên hệ với Công an huyện Kim Sơn, nhưng cán bộ Đội tham mưu cho biết, lãnh đạo đang bận đi công tác nên sẽ thông tin lại. Tuy nhiên, đến nay phía Công an huyện Kim Sơn vẫn không có hồi âm.
Lợi ích hợp pháp của người dân cần được bảo vệ
Có thể thấy rằng, việc UBND huyện Kim Sơn ký hợp đồng giao vùng bãi bồi ven biển tiếp giáp với sông Đáy và đê Bình Minh III, xã Cồn Thoi cho người dân quản lý, khai thác và nuôi trồng hải sản là một chủ trương đúng đắn, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân phát triển kinh tế, vừa là cách bảo vệ đất, bảo vệ đê. Thực tế, các hộ dân đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo ao, đầm, trồng cây giữ gìn bảo vệ đê.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thời hạn hợp đồng của các hộ dân chỉ được Phòng Kinh tế biển huyện Kim Sơn ký 1 năm một lần và sau đó phải thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, từ năm 2007 cho đến nay UBND huyện Kim Sơn vẫn chưa làm các thủ tục thanh lý hợp đồng. Chính vì vậy, các hộ dân vẫn nuôi trồng thủy sản bình thường từ đó đến nay.
Làm việc với đại diện Thanh tra, Phòng Nông nghiệp và Ban tiếp dân huyện Kim Sơn, phóng viên được cung cấp Tờ trình số 45/TTr-UBND ngày 20/12/2007 của UBND huyện Kim Sơn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Bình về việc thu hồi, giao đất để mở rộng bãi vật liệu của trạm trộn bê tông, bãi vận chuyển vật tư và dịch chuyển kênh để phục vụ thi công đê biển Bình Minh II với diện tích 1.257.901,9m2, trong đó: 611.663,9m2 đất do UBND huyện Kim Sơn đang quản lý, gồm: Ao 304.740,9m2; đất mương 156.173m2; đất hoang 91.350m2; đất bãi bồi 59.400m2… giao cho Cty TNHH Xây dựng Thống Nhất quản lý và sử dụng vào mục đích mở rộng bãi vật liệu của trạm trộn bê tông phục vụ thi công đê biển Bình Minh II.
Theo ông Trần Anh Khôi – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn: “Giữa người dân và doanh nghiệp chưa có sự thỏa thuận thống nhất, nên giờ đang còn tranh chấp…”.
Báo PLVN tiếp tục phản ánh vụ việc trên.