“Kinh doanh tiền giả” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

(PLO) -Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Đức Long, Văn phòng luật Đức Tín  “ đối với các người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ” 
“Kinh doanh tiền giả” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tiền giả được rao bán… như mớ rau

Trong thời gian qua, trên các mạng xã hội người dùng liên tục thấy tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage rao bán tiền giả một cách công khai.

Một tài khoản Facebook tên Bích Ngọc liên tục đăng hình ảnh và những lời quảng cáo như thế này “Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm, chỉ khác chỗ là các tờ tiền giả cùng mệnh giá có số seri giống nhau, nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không phát hiện, đổ xăng, đi chợ, mua hàng tạp hóa đều ok hết, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện thôi…”.

Tiền giả được rao bán công khai
  Tiền giả được rao bán công khai

Thậm chí một số tài khoản Facebook khác còn khẳng định “không lừa đảo”  và chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng tiền thật là nhận lại được tới 10 triệu đồng tiền giả.

Hay như một Fanpage còn có hẳn chương trình khuyến mại nếu mua tiền giả  “mua 2 tặng 1, mua 2 tặng 2, mua 3 tặng 2. Giống 98% bạn yên tâm”.

Gây hoang mang cho dư luận, anh Huy Hoàng (Thanh Hà, Hải Dương) chia sẻ: “khi thấy các tài khoản trên facebook chia sẻ bán tiền giả như thế mình rất hoang mang không biết thực hư như thế nào?”

Chị Ngô Hoa (Ninh Bình) cho biết: “Mình bán hàng thì mỗi ngày nhận tiền của khách cũng không thể lúc nào cũng lôi máy ra kiểm tra tiền nên cũng rất lo lắng”  

Theo Luật sư Nguyễn Đức Long, Văn phòng luật sư Đức Tín cho biết “Nếu các cá nhân chỉ dừng lại ở việc đăng tin giao bán tiền giả mà không có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì các cá nhân đó không vi phạm pháp luật hình sự về tội mua bán tiền giả. Vì vậy, không áp dụng được điều luật và hình phạt về tội mua bán tiền giả đối với việc đăng tin này.

Còn nếu trong trường hợp các cá nhân này có hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 180 Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và mục 3 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Long  cũng chia sẻ thêm đối với tội làm tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (sau đây gọi chung là tiền giả), nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới ba triệu đồng tiền Việt Nam thì thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ ba triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Tiền giả có trị giá tương ứng từ năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Đối với các cá nhân phạm tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả tiền giả có trị giá tương ứng dưới mười triệu đồng tiền Việt Nam thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ mười triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng tiền Việt Nam thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Long cũng nhấn mạnh với các hành vi “kinh doanh tiền giả” được quy định trong luật: “Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự”.

Bán tiền giả chỉ là cái bẫy?

Cố gắng liên lạc với những tài khoản đăng tin “bán tiền giả” PV Báo Pháp luật Việt Nam nhận được lời khẳng định chắc chắn. Theo lời đàn ông tên N.T.K này nếu tiêu tiền giả vào những việc nhỏ hàng ngày thì không thể bị bắt. Người đàn ông này còn khoe chiến tích “đã bán được nhiều tiền giả cho nhiều người ở các tỉnh”.

Đặc biệt dịch vụ bán tiền giả này còn sẵn sàng mang tiền đến tận nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề gặp mặt người đàn ông này để trực tiếp giao dịch thì ngay lập tức bị từ chối.

N.T.K cho hay: “Đảm bảo uy tín, không cần phải gặp mặt chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản và làm theo hướng dẫn là nhận được tiền giả”. Tuy nhiên, sau khi PV chuyển tiền vào tài khoản như hướng dẫn thì nhiều ngày trôi qua vẫn không nhận được tiền. Còn số điện thoại của người đàn ông này liên tục tắt máy.

Luật sư Nguyễn Đức Long, Văn phòng luật sư Đức Tín
 Luật sư Nguyễn Đức Long, Văn phòng luật sư Đức Tín

Theo Luật sư Nguyễn Đức Long: “nếu những cá nhân đăng thông tin bán tiền giả trên trang mạng xã hội Facebook không phải vì mục đích bán tiền giả mà chỉ dụ dỗ những người “nhẹ dạ cả tin” nghe theo lời dụ dỗ của những cá nhân này chuyển tiền vào tài khoản nhằm mục đích chiếm đoạt thì những cá nhân này đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi vì, những cá nhân này đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật để những người có nhu cầu mua tiền giả tin vào mình và chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt số tiền đó”.

Mặc dù, hiện tượng tiền giả gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số cá nhân đăng thông tin bán tiền giả trên trang mạng xã hội Facebook chỉ nhằm mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của số ít những người nhẹ dạ cả tin, chưa có việc mua bán tiền giả bởi một số cá nhân đăng thông tin bán tiền giả trên trang mạng xã hội trong thời gian vừa qua.

Người tiêu dùng không hoang mang hay lo sợ, hãy cảnh giác đối với loại tội phạm này và nếu phát hiện tội phạm về việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì người tiêu dùng có thể trình báo cơ quan Công an để góp phần giữ gìn trật tự xã hội và ổn định kinh tế của đất nước.

Đọc thêm