Kinh hãi “ô nhiễm âm thanh” từ loa kéo, karaoke

(PLVN) - Rất nhiều khu dân cư, người dân bị “tra tấn” tiếng ồn từ loa kéo, karaoke quá ngưỡng cường độ âm thanh. Điều này đã gây bức xúc, hệ lụy ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là việc học của các học sinh, sinh viên. Trên thực tế đã xảy ra sự bất hòa, xô xát, thậm chí còn có không ít vụ án đau lòng trong khu dân cư vì “ô nhiễm âm thanh” này.
Âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe

Những vụ án đau lòng

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tự sắm dàn loa, đầu đĩa để hát karaoke. Do tâm lý “của nhà nên hát tẹt ga” nên nhiều khi đã quá khuya, hay giữa trưa, gia chủ vẫn vô tư hát với âm thanh rất lớn, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi, giấc ngủ của hàng xóm. Dù đã được hàng xóm nhắc nhở, họ vẫn bỏ ngoài tai. Và những vụ án đau lòng đã xảy ra.

Tối ngày 19/9/2021, 6 thanh niên tổ chức ăn nhậu tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Khoảng 22h30, nhóm này hát karaoke lớn, gây ồn ào. Trần Đình Trung ở gần đó qua nhắc nhở nhưng những người này vẫn hát. Cãi vã, xô xát xảy ra, Trung lấy cây sắt đánh nhiều nhát vào đầu Phùng Bá Hoàng, 24 tuổi, khiến nạn nhân tử vong tại bệnh viện.

Tối 28/3/2021, Đặng Quang Hùng (SN 1985, Bình Định) cùng nhóm bạn ăn nhậu tại nhà Hùng, có thuê loa kẹo kéo hát karaoke gây ồn ào. Gia đình ông Thịnh (hàng xóm) phản ứng. Tức giận, Hùng và nhóm bạn kéo sang nhà ông Thịnh gây sự rồi lại trở về nhà Hùng ăn nhậu tiếp. Sau đó vợ chồng Đặng Tấn Cơ (con rể ông Thịnh) cùng nhóm bạn cầm kiếm, xẻng sang trước cửa nhà Hùng thách thức, chửi bới. Nhóm của Hùng liền cầm hung khí ra đánh nhau với những người bên gia đình ông Thịnh. Hùng cầm hung khí chém vào lưng, cổ ông Thịnh khiến ông Thịnh tử vong trên đường đến bệnh viện.

Trước đó, khoảng 19h ngày 20/12/2020, Phan Hoàng Minh Tuấn (37 tuổi, quê Quảng Bình) tổ chức ăn nhậu tại phòng trọ ở khu phố Phước An, phường Phước Bình, thị xã Phước Long (Bình Phước).

Cuộc nhậu có Nguyễn Đăng Cường (36 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Quang Trường (34 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) và 3 người khác. Gần 21h, thấy nhóm Tuấn ăn nhậu, hát karaoke ồn ào, anh Võ Hồng Dương cầm gậy đánh bóng chày sang đập liên tiếp vào loa kẹo kéo. Lúc này, Tuấn, Cường, Trường ra can ngăn nên anh Dương bỏ về. Khoảng 5 phút sau, anh Dương tiếp tục cầm gậy bóng chày sang phòng trọ Tuấn chửi bới, thách thức nên Cường, Trường lao vào đánh. Tuấn lúc này từ trong phòng chạy ra cầm theo con dao đâm trúng ngực khiến anh Dương tử vong.

Anh Nguyễn Khánh Duy, 32 tuổi cùng nhóm bạn tổ chức nhậu và hát karaoke bằng thùng loa kẹo kéo tại phòng trọ trên đường Võ Văn Kiệt (Bạc Liêu) tối 28/12/2019. Ở phòng kế bên cũng có nhóm thanh niên khác đang nhậu. Lúc sau, nhóm này sang phòng anh Duy phản ứng vì hát quá lớn, gây ồn ào nên xảy ra cự cãi, đánh nhau. Trong lúc hỗn chiến, anh Duy bị một thanh niên đâm nhát dao vào cổ, tử vong sau đó.

Tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) xảy ra án mạng vì hàng xóm hát karaoke vào buổi trưa, âm thanh quá lớn. Theo đó, vào khoảng 11h45 ngày 28/2/2018, ông Nguyễn Minh Phước cùng vài người bạn sau khi nhậu xong đã kéo nhau về nhà ông Thành ở cùng thôn Bình Tiến A để hát karaoke. Lúc này, ông Nguyễn Viết Lộc (SN 1959) nhà cạnh ông Thành, đang nghỉ trưa, thấy nhà ông Thành hát quá lớn, ông Lộc đi qua đề nghị giảm âm lượng. Thế nhưng, hàng xóm vẫn không thực hiện mà vô tư hát inh ỏi. Bức xúc, ông Lộc đã cầm dao sang đâm chết ông Phước, khi ông này vừa bước ra sân.

Chỉ vì “ô nhiễm âm thanh”, người mất mạng, kẻ vào tù gây đau lòng, nhức nhối cho gia đình và xã hội.

Nhiều vụ xô xát thậm chí xảy ra án mạng từ tiếng ồn karaoke, loa kéo.

Giảm tiếng ồn, nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress…

Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam như một trong những nội dung được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ngay từ những tháng đầu năm 2021, chính quyền các cấp TP HCM đã vào cuộc hành động ngay, quyết tâm xử lý các loại tiếng ồn vốn là vấn nạn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo đó, chính quyền TP HCM đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ xử lý chấm dứt vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn. Từ tháng 3/2022, các địa phương thuộc quận 3, Bình Thạnh, Gò Vấp… triển khai tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân, hộ kinh doanh không vi phạm về tiếng ồn. Đến nay, bước đầu ghi nhận tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các quán bar, beer club, quán ăn vỉa, hát karaoke với loa công suất lớn tại các khu dân cư trên địa bàn TP HCM giảm hẳn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra, ra quyết định xử phạt hơn 30 trường hợp vi phạm về “tiếng ồn”, “không đảm bảo yên tĩnh chung”, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Đồng thời, nhắc nhở hàng nghìn trường hợp gây ồn ào trong khu dân cư, nơi công cộng. Ngày 31/8, Công an TP đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quán TST Beer Garden, thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sao Tháng Tám (số 44 đường 3/2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Số tiền Công ty này phải nộp phạt là 140 triệu đồng do vi phạm về độ ồn vượt quá quy chuẩn.

Trước đó, 24/1 với sự tham mưu của Công an TP, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt hành chính cá nhân chủ cơ sở kinh doanh Minh Nhí (số 26-28 đường Đống Đa, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) vi phạm về độ ồn vượt quy chuẩn với số tiền 70 triệu đồng. Cùng với số tiền nộp phạt, cả 2 cơ sở nói trên cũng bị đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày.

Nhiều địa phương đã triển khai tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn, quy tắc đô thị, công an, quân sự, mặt trận, đoàn thể và tổ dân phố cùng tham gia xử lý các trường hợp vi phạm. Phường, xã hợp đồng với đơn vị tư vấn đo lường âm thanh để cùng trực tiếp đi đo tiếng ồn để có cơ sở ra quyết định xử phạt.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, một số quy định trong 2 nghị định này còn những vấn đề bất cập.

Nghị định số 155 quy định việc đo đạc tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường), đồng thời không giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt hành vi này.

Trong khi đó, tiếng ồn gây ra từ việc hát karaoke phát sinh vào thời điểm tức thời nên cơ quan chức năng gặp khó trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm. Theo Nghị định số 167 thì mức phạt tiền rất thấp, 100 - 300 ngàn đồng; đồng thời chỉ giới hạn việc xử lý vi phạm trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Do vậy, nhiều người bị karaoke tự phát từ nhà hàng xóm “tra tấn” cả ngày cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Có gia đình chọn giải pháp tạm “lánh nạn” đến nhà bạn bè, người thân, đợi khi yên ắng mới về. Chỉ thương các em nhỏ không thể tập trung học bài được vì tiếng ồn kéo dài gây căng thẳng, mỏi mệt, nhất là khi phải nghe những giọng hát đã… nhừa nhựa, sai tông, lạc điệu do bia rượu.

Nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn.

Đọc thêm