Bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, mùi sơn
Người dân xóm 3, thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn cho biết, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ hoạt động từ giữa năm 2017, do ông Tô Mạnh Tường (người ở địa phương) làm chủ thường xuyên phát ra tiếng ồn lớn từ máy móc cùng lượng bụi gỗ, mùn cưa, mùi sơn… khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân nơi đây. Hàng ngày, xưởng hoạt động từ khoảng 5 giờ và kết thúc vào lúc tối muộn. Nhiều hôm, xưởng hoạt động 24/24 giờ và bật loa đài ầm ĩ khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, nhà ai cũng phải đóng chặt cửa để mong có được những giây phút “yên tĩnh” cho gia đình.
Tiếng ồn của xưởng gỗ còn ảnh hưởng đến việc học tập tại trường tiểu học phía trước. Đặc biệt là khi xưởng phun sơn sản phẩm, một mùi nồng nặc, khó chịu phát tán ra xung quanh, gây buồn nôn, chóng mặt… đe dọa đến sức khỏe của các cháu học sinh. Thầy cô trong trường nhiều lần ý kiến nhưng chủ xưởng vẫn bỏ ngoài tai. Không những thế, ông Tường còn tự ý lấp rãnh nước để dựng nhà xưởng khiến cho việc tiêu thoát nước của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng, đôi khi tắc nghẽn, ùn ứ…
Bà Nguyễn Thị Nga, một hộ dân có nhà ở cạnh xưởng gỗ cho biết, nhà bà có cháu nhỏ, vì bị xưởng gỗ “tra tấn” suốt ngày đêm, nhằm đảm bảo sức khỏe, vợ chồng con trai bà nhiều lần phải “di tản” về bên ngoại để tránh.
Vụ việc được giải quyết qua quýt, không dứt điểm
Quá bức xúc, gia đình bà Nga cùng nhiều hộ dân đã nhiều lần kiến nghị với ông Tường và làm đơn gửi tới các cấp có thẩm quyền nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, ông Tường còn có biểu hiện thách thức, coi thường người dân.
Tại Biên bản làm việc ngày 4/5/2018 của Ban tiếp công dân huyện Kinh Môn, nêu rõ: Theo quy định của pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Vì vậy, hộ ông Tường mở xưởng sản xuất gỗ trong khu dân cư cũng phải chấp hành các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường bao gồm các vấn đề về chất thải, khói bụi, tiếng ồn không để ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Các đoàn thể chính trị tại thôn nếu phát hiện việc gây ô nhiễm cần chủ động đề xuất biện pháp xử lý. Đồng thời, yêu cầu xã Hiệp Sơn cần phải kiểm tra các thủ tục pháp lý về việc cấp phép hoạt động của xưởng. Trường hợp hoạt động mà không được cấp phép, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định.
Đại diện thôn Hiệp Thượng cũng xác nhận sự việc và cho biết có lần khoảng 3 giờ sáng, người dân gọi họ tới xưởng để chứng kiến sự việc và đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng gia đình ông Tường không chấp hành.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thượng cũng thừa nhận, trước khi người dân có đơn kiến nghị, xưởng gỗ của ông Tường hoạt động 24/24 giờ. Xã đã mời ông Tường và các hộ dân lên để thỏa thuận và giải quyết xong về rãnh nước lấn chiếm. Ông Tường cũng chấp hành giảm thời gian sản xuất từ 5 giờ đến 21 giờ. Tuy nhiên, xưởng gỗ chưa được cấp phép hoạt động và chỉ có một máy tiện gỗ dùng để khảm tranh gỗ. Để giải quyết vụ việc, xã tiếp tục tổ chức đối thoại và trong trường hợp không đạt kết quả, công chức tư pháp xã sẽ tham mưu để xử lý theo quy định và báo cáo UBND huyện.
Được biết, Sở TN&MT và UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Kinh Môn và Thanh tra tỉnh này căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiến hành kiểm tra, xem xét giải quyết những đề nghị, phản ánh của người dân theo quy định. Nhưng theo ghi nhận, xưởng đồ gỗ của ông Tường vẫn hoạt động bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra?