Kinh nghiệm làm thiện nguyện an toàn, hiệu quả

(PLVN) - Trong thời điểm khó khăn, nhiều mạnh thường quân trên khắp cả nước sẵn sàng đứng ra quyên góp ủng hộ, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng lũ. Việc xây dựng một kế hoạch hoạt động thiện nguyện rõ ràng, hợp lý sẽ đảm bảo hoạt động thiện nguyện hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, những người tham gia thiện nguyện nên trang bị sẵn một số kỹ năng cần thiết khi tình nguyện tại các khu vực đặc biệt. 
Hội Chữ Thập đỏ đồng hành trong công tác thiện nguyện.
Hội Chữ Thập đỏ đồng hành trong công tác thiện nguyện.

Chi tiền vào đâu, cho cái gì, vì sao?

Câu chuyện ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được số tiền 150 tỷ đồng để cứu trợ cho nhân dân vùng lũ những ngày qua trở thành tâm điểm của cộng đồng. Việc sử dụng nguồn tiền hỗ trợ sao cho hợp lý và xây dựng kế hoạch thiện nguyện hiệu quả là điều mà những cá nhân, tổ chức khi đi thiện nguyện cần quan tâm. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi tham gia thiện nguyện nên liên hệ với chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn để nắm rõ tình hình các hộ dân đang gặp khó khăn. Điều này giúp những người thiện nguyện hiểu rõ địa phương và cuộc sống người dân nơi mình cứu trợ, từ đó quyết định phân phối hàng hóa cứu trợ hợp lý. Đồng thời, việc liên hệ với đại diện địa phương như cán bộ phường, xã, huyện,… sẽ giúp điều tiết giao thông, phân các đoàn thiện đến tận nơi và trao quà thiện nguyện trực tiếp cho người dân. 

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có thể đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức thiện nguyện ở góc độ là chúng tôi có thể cung cấp cho các đoàn cứu trợ về thông tin thiệt hại hay người dân ở đâu, cần hỗ trợ như thế nào, mặt hàng gì. Các đoàn cứu trợ vẫn đến trực tiếp và chúng tôi có thể đồng hành cùng các bạn, lực lượng tình nguyện viên ở cộng đồng rất đông, từ Trung ương hội, tỉnh hội, đến xã phường”.

Một điều mà các đoàn thiện nguyện cần lưu tâm đó là nhu cầu của người dân tại khu vực gặp khó khăn là gì, họ đang cần và thiếu những gì? Chẳng hạn, khi tình hình bão lũ tại miền Trung phức tạp khiến nhiều đồng bào tại đây vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều đoàn thiện nguyện đã nóng lòng lên đường mà chưa kịp tìm hiểu tình hình địa phương cũng như liên hệ với chính quyền. Nhiều đội nhóm tự phát theo kiểu phong trào, thấy ai làm sao cũng ào ào làm vậy. Thế nên, điệp khúc mỳ tôm, hàng hóa ùn ứ, hư hỏng, chỗ thiếu, chỗ thừa, làm khó địa phương... đã xảy ra đâu đó. 

Mới đây, anh Xuân Huy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện tại Thanh Hóa đã ghi lại hình ảnh bánh chưng bị hư hỏng khi chưa đến được nơi cứu trợ, kèm lời nhắn “Bánh bị hư chưa thể tới tay bà con, xót lắm!”. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề làm bánh, chị Phan Thu Thương (Hà Nội) chia sẻ: “Đâu đâu cũng gói bánh với số lượng lớn, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng khi đến tay người dân vùng lũ mà bánh hư hỏng không ăn được thì thật đáng tiếc”. Bởi vậy, mỗi đội nhóm làm gì cũng cần phù hợp với tình hình thực tế, không nên thấy “người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mà không phù hợp thực tế. 

Muốn thiện nguyện trọn vẹn cũng cần đặt cái tôi xuống để tôn trọng lợi ích chung, sử dụng khôn ngoan nhân lực, vật lực, xét đến hiệu quả và tính thực tế của hoạt động... Nếu đầu tư cho vấn đề trước mắt 100% sức lực, của cải thì trong những đợt bão lũ tiếp theo sẽ sử dụng nguồn lực nào để tiếp tục cứu trợ cho người dân. Và nếu đoàn thiện nguyện nào cũng mang theo mì tôm, bánh mì… thì những công việc cần thiết như xây dựng nhà cửa, trường học, tái thiết cuộc sống ai sẽ hỗ trợ khi Chính phủ cũng chỉ hạn chế trong nguồn lực nhất định?

Hiện nay, với các đoàn thiện nguyện, đặc biệt là các đoàn mang theo nguồn hàng và số tiền cứu trợ lớn cần có sự phân chia hợp lý theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, cấp bách là lương thực thiết yếu giúp người dân không đói, những công cụ thiết bị để tăng khả năng cứu trợ và tiếp tế nhằm giảm thiệt hại về người.

Giai đoạn thứ hai là ủng hộ những vật dụng thiết yếu để khôi phục, ổn định, phát triển cuộc sống như: sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh; áo quần, chăn màn; thiết bị trường học, máy móc; thiết bị dọn đồng ruộng, đẩy bùn, xử lý đất, giống cây con, vật nuôi... phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng vùng địa phương, phòng chống dịch bệnh...

Giai đoạn thứ ba, xa hơn là rút kinh nghiệm để có phương án đối phó với các đợt bão lụt sau; thường xuyên kiểm tra, diễn tập phản ứng cho các vùng có mức độ rủi ro cao; lên những phương án đối phó với thiên tai mang tính bền vững, lâu dài. Chẳng hạn, với số tiền 150 tỷ đồng, theo kế hoạch, ca sĩ Thủy Tiên sẽ dành một khoản để xây dựng nhà dân bị sập, xây nhà cộng đồng 4-5 tầng có sẵn thuyền cứu hộ để tránh lũ, hỗ trợ tiền mặt cho những hộ vay ngân hàng nuôi trồng nhưng bị lũ cuốn trôi sạch, làm cầu đường... Đây là hướng đi đúng đắn để giúp bà con, nhân dân vùng lũ sẵn sàng đối phó với thiên tai bão lũ hằng năm. 

Đoàn cứu trợ gặp nạn.
Đoàn cứu trợ gặp nạn. 

Trang bị kỹ năng sinh tồn, xử lý rủi ro

Thời tiết tại các tỉnh miền Trung còn phức tạp, tình hình bão lũ vẫn chưa chấm dứt làm cho nhiều đoàn thiện nguyện gặp sự cố. Mới đây, đoàn thiện nguyện từ Nam Định sau khi cứu trợ tại Quảng Bình trở về không may gặp nạn khiến 1 người phải nhập viện vì chấn thương nặng. Trước đó, tại tỉnh Quảng Trị cũng đã xảy ra sự việc tương tự khi một chiếc ô tô chở hàng cứu trợ bị lật. Chiếc xe này chở hàng trăm suất cơm cứu trợ khi đi đến cầu Hà Thanh bất ngờ bị gãy trục và tông thẳng vào ô tô 4 chỗ khác cũng đang lưu thông cùng chiều. Sau đó, chiếc ô tô chở cơm từ thiện đã mất lái và lật nhào xuống ruộng. 

Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân khi thiện nguyện nên nắm rõ tình hình thời tiết và giao thông tại khu vực cần hỗ trợ. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ không nên tự ý thuê thuyền đò di chuyển vào các vùng bị ngập sâu cũng như không nên di chuyển qua các vùng địa hình có cảnh báo sạt lở. Khi di chuyển trong rừng, người tình nguyện cần dẫm chắc chân và nên chuẩn bị một cây gậy để chống đỡ tránh trơn trượt.

Người tham gia cứu trợ cần nắm rõ những kỹ năng, hoạt động cần thiết để đảm bảo an toàn, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, vật phẩm cần thiết như áo mưa, áo phao, đèn pin khi đi vào vùng lũ… Bên cạnh đó, những dịch bệnh trở nên phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, nấm da, cảm cúm, đau mắt đỏ… Vì vậy, bạn nên mang theo một số loại thuốc kháng sinh như thuốc cảm, thuốc sát thương, bông băng, nước muối cần thiết. Bạn cũng nên bôi một vòng cao nóng quanh tất chống vắt để chống vắt bò lên trên. Bất kỳ phần da hở nào (như bàn tay, cổ, mặt) và các phần quần áo như cổ áo, cổ tay áo đều bôi kem chống muỗi giúp cho côn trùng, muỗi không đốt khi di chuyển. 

Tuỳ điều kiện thời tiết, người tình nguyện nên lựa chọn trang phục phù hợp và thuận tiện nhất. Chẳng hạn, trời khô thì dùng giầy, trời mưa đường trơn, nhiều vũng nước thì nên dùng dép. Ngoài ra, nếu có điều kiện nên mang theo máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh, một cuốn sổ nhỏ và cây bút để ghi chép lại những kinh nghiệm quý báu trên đường.

Đặc biệt, người quản lý tổ chức thiện nguyện cần có kỹ năng quản lý rủi ro, sao cho khả năng rủi ro xảy đến luôn ở mức thấp nhất. Có thể nói, công việc tình nguyện là thứ công việc đa dạng và phức tạp ở môi trường rộng lớn, vì vậy luôn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khi làm việc với tình nguyện viên khác tức là làm với con người, rủi ro xảy đến với con người luôn để lại hậu quả trầm trọng và khó tưởng tượng, sự an toàn của tình nguyện viên khi cứu trợ luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân tham gia thiện nguyện cũng nên kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Đọc thêm