Đẩy mạnh cổ phần hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017

(PLO) - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề thông báo một số điểm mới trong nội dung về cổ phần hóa DNNN và “Kế hoạch cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020.”
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo

Tại buổi họp, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoành thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đó là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex; Tổng công ty Thương mại và Xuất khẩu Thanh Lễ; Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty ĐTPT đô thị và khu công nghiệp (IDICO); Công ty TNHHMTV Dịch vụ truyền hình viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng; Công ty TNHH MTV công trình đô thị Sóc Trăng;  Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hưng Yên; Công ty TNHH MTV In Bắc Cạn; Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Nam Định; Công ty TNHH MTV DL – TM Kiên Giang.

Hơn nữa, tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó có giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai  là 5.060 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian qua các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,…

Tại bản báo cáo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020, Bộ Tài chính cho biết, Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp ở 11 lĩnh vực, như đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh xổ số…

Tại buổi họp, ông Đặng Quyết Tiến đã nêu ra 5 điểm mới về dự thảo Nghị định cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2020 với những nội dung gồm: Điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hóa; xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; xử lý các vấn đề tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa được tăng cường đảm bảo bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn; về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 03 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm giải pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building); tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn…khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định, với những điểm đổi mới trong Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và chuyển đổi doanh nghiệp 100 % vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, đồng thời ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi đã được Chính phủ ban hành.

Đọc thêm