Quản lý đất nông, lâm trường: Không đủ người, một cán bộ phải “quản” trung bình 500 ha

(PLVN) - Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong báo cáo kết quả thực hiện việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.
Ảnh: Một vụ phá rừng tại Lâm trường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình
Ảnh: Một vụ phá rừng tại Lâm trường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình

Hầu hết đã được rà soát

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến tháng 12/2019, tổng diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc UBND cấp xã quản lý, sử dụng là gần 9,2 triệu ha.

Qua rà soát, sắp xếp tổ chức, trên cả nước hình thành 745 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, gọi chung là nông, lâm trường  bao gồm Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Ban quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác, các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại hình tổ chức khác; quản lý, sử dụng 8,1 triệu ha tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, tổng diện tích đất các tổ chức trên bàn giao một phần hoặc toàn bộ (giải thể) diện tích về địa phương để giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc UBND cấp xã quản lý... trong quá trình rà soát, sắp xếp từ năm 2004 đến nay là khoảng hơn 1 triệu ha.

Theo Bộ TN&MT, hầu hết diện tích đất đã được các địa phương rà soát, thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng chung với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều diện tích chưa được rà soát chi tiết để điều chỉnh vào quy hoạch chung của địa phương hay lập phương án sử dụng đất để quản lý, nhất là phần diện tích đất các nông lâm trường bàn giao về địa phương qua các thời kỳ.

Thống kê của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho thấy, tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp đã giao và cho thuê là: 8,2 triệu ha chiếm 90,03% diện tích giao khoán; cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư là 531 ngàn ha, bằng 5,8 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng. Trong khi diện tích bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp là 172 ngàn ha, bằng 1,9 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng.

Lợi dụng giáp ranh để khai thác rừng trái phép

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường tuy đã dần đi vào nề nếp nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra.

Vẫn còn tình trạng hợp thức hóa cho các vi phạm đã xảy ra, gây ra sự không ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương. Tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến, hiệu quả sử dụng đất không cao, gây lãng phí nguồn tài nguyên; Chưa quản lý và đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích nông trường, lâm trường bàn giao lại cho địa phương;

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; nhất là vai trò chủ động của UBND các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất; tình trạng đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả còn xảy ra ở  nhiều nơi nhưng chưa giải quyết kịp thời.

Đáng chú ý, theo thông tin mà Bộ TN&MT đưa ra, nguồn lực con người, lao động trong danh sách của nhiều nông trường, lâm trường không đáp ứng với diện tích đất được giao để sử dụng. Thực tế có những công ty bình quân chỉ có một người (bao gồm cả cán bộ quản lý) phải gánh vác việc sử dụng trên 500 ha.

Cụ thể, bình quân diện tích đất/người của một số Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp điển hình như: Công ty Nam Hòa là 840 ha/người, Công ty Lâm sản Khánh Hòa là 975 ha/người, Công ty Trầm Hương là 746 ha/người, Công ty Ninh Sơn là 698 ha/người, Công ty Tân Tiến là 934ha/người, Công ty Đắk Tô là 1.123 ha/người, Công ty Đắk Hà là 5.687 ha/người, Công ty Kon Plông là 1.358 ha/người, Công ty Kông Chro là 992 ha/người, Công ty Chư Phả là 689 ha/người, Công ty Tam Hiệp là 713 ha/người, Công ty Đạ Tẻh là 653 ha/người...

Việc một cán bộ phải “quản” số diện tích đất quá lớn dẫn đến tình trạng các nông, lâm trường giao khoán sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến (điển hình ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung).

Thậm chí, một số đơn vị được giao đất do không quản lý tốt nên đã để bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép mà không được ngăn chặn, giải quyết kịp thời gây nên tình trạng rất phức tạp, chưa giải quyết đượcBên cạnh đó,  hiện tượng lợi dụng ranh giới nhiệm vụ được giao để quản lý, ranh giới loại rừng giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Theo Bộ TN&MT,  tình đến hết năm 2019, diện tích  đất nông, lâm trường đã thiết lập lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất là 2,6 triệu ha, bằng 29,1 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng. Diện tích đã có bản đồ địa chính chi tiết là 4,9 triệu ha, bằng 52,9 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng.  Diện tích đã cấp Giấy chứng nhận là 4,3 triệu ha bằng 47,3 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng (tập trung chủ yếu là các công ty nông, lâm nghiệp, phần diện tích chưa được cấp Giấy chứng nhận tập trung tại các Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được giao quản lý); diện tích đã thiết lập hồ sơ địa chính là 2,6 triệu ha, chiếm 29 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng.

Đọc thêm