Kon Plông (Kon Tum): Phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến lựa chọn, thẩm định hàng chục dự án đầu tư kém hiệu quả, để xảy ra tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất mà Báo PLVN đã phản ánh… kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ban hành gần đây còn chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng khác trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công trên địa bàn huyện Kon Plông.
Trụ sở UBND huyện Kon Plông.
Trụ sở UBND huyện Kon Plông.

Vi phạm trong đấu thầu, sử dụng tài sản công

Theo Thông báo kết quả kiểm toán số 123/ TB-KV XII ngày 30/12/2020 của KTNN khu vực XII, công tác đấu thầu và cho thuê đất công, việc sử dụng tài sản công trên địa bàn huyện Kon Plông có nhiều vi phạm. Đặc biệt, những vi phạm này diễn ra trong khoảng thời gian dài, có sai phạm tồn tại tận 16 năm mà không bị phát hiện, xử lý.

Đấu thầu qua mạng được chính thức thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2016. Theo quy định, tỷ lệ đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi bảo đảm đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán tại huyện Kon Plông cho thấy, trong năm 2019 huyện này chỉ thực hiện 01 gói thầu đấu thầu qua mạng/tổng số 380 gói thầu (tỷ lệ 0.3%). Điều này là chưa tuân thủ lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định của Nhà nước.

Với tỉ lệ đấu thầu thiếu cạnh tranh như vậy dẫn đến ở các gói thầu sử dụng vốn nhà nước có giá trị từ vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng chỉ là “sân chơi” riêng cho các nhà thầu quen mặt trên địa bàn mà không có sự cạnh tranh từ các nhà thầu chất lượng, đảm bảo tiêu chí nhưng cung cấp giá thành lại rẻ hơn nhiều từ các nơi khác.

Ngoài thiếu cạnh tranh trong công tác đấu thầu, việc sử dụng tài sản công tại địa bàn huyện này cũng tồn tại nhiều bất minh. Theo KTNN, từ năm 2004 đến thời điểm kiểm toán (cuối năm 2020), Trung tâm văn hóa – thể thao – du lịch và truyền thông huyện Kon Plông đã tự ý cho thuê mặt bằng đặt trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) khi chưa có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Theo KTNN, đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công, được quy định tại Điều 7 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước; Khoản 2, Điều 10, Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý tài sản nhà nước: Nghiêm cấm “Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức”.

Đáng chú ý, số tiền thu được đơn vị này lại không hạch toán vào sổ sách kế toán và cũng không nộp vào NSNN toàn bộ khoản thu được từ hoạt động cho thuê ở trên với số tiền 421,5 triệu đồng. Hành vi này là làm trái quy định tại Khoản 3, Điều 13 Luật Kế toán 2015; điểm a khoản 4 Điều 34 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Dấu hiệu của lập hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền Nhà nước

Cũng theo Thông báo kết quả kiểm toán của KTNN khu vực XII, năm 2019, huyện Kon Plông đã không điều chỉnh giảm dự toán phụ cấp thu hút, ưu đãi, lâu năm với các đơn vị không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn số tiền 481 triệu đồng; Giao dự toán chưa gắn chặt với lộ trình tinh giảm biên chế theo quy định dẫn đến phân bổ vượt quỹ lương 120 triệu đồng.

Huyện Kon Plông cũng được cho là đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2018 để chi thường xuyên số tiền 350 triệu đồng, phân bổ nguồn tăng thu vượt phương án sử dụng đã được thường trực HĐND huyện quyết định số tiền gần 15 tỷ đồng chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật NSNN 2015.

Bên cạnh đó, huyện này cũng chưa nộp trả ngân sách tỉnh chi phí thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ còn tồn đã hết nhiệm vụ chi số tiền hơn 3 tỷ đồng; chuyển nguồn một số kinh phí cân đối ngân sách cấp huyện đã hết nhiệm vụ chi qua 2 năm sang năm 2020 và không thuộc trường hợp được chuyển nguồn theo quy định số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; chuyển nguồn chưa đúng mục đích kinh phí theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật NSNN 2015 số tiền 41,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, thực hiện yêu cầu của KTNN, Chi Cục thuế huyện Kon Plông đã tiến hành xác minh 2 hóa đơn có nội dung mua VLXD và thuê máy móc thi công có giá trị gần 800 triệu đồng cho thấy 02 số hóa đơn trên không phải là hóa đơn được cấp cho hộ kinh doanh Bùi Văn Quý mà được cấp cho hộ kinh doanh Phạm Thị Thúy Ánh (kinh doanh phô tô, văn phòng phẩm). Trên 2 số hóa đơn này, liên 2 có đóng dấu và chữ ký của ông Quý, còn liên 1 và 3 được lưu tại trụ sở kinh doanh của bà Ánh. Các hóa đơn trên được Ban phát triển nông thôn Kon Plông 2, xã Đăk Long sử dụng để thanh toán công trình thuộc nguồn vốn công trình 30a.

Ngoài ra, qua kiểm toán cũng phát hiện, Dự toán xây dựng công trình Hệ thống cấp nước tưới rau hoa xứ lạnh được lập, thẩm định, phê duyệt không phù hợp với mức lương cơ sở đầu vào làm tăng giá trị một số chi phí trong dự toán công trình với tổng số tiền lên tới gần 1,3 tỷ đồng…

Từ kết quả kiểm toán nêu trên, KTNN yêu cầu UBND huyện Kon Plông xử lý tài chính với số tiền hơn 24,3 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp NSNN gần 250 triệu đồng các khoản chi sai chế độ, hơn 5,3 tỷ đồng kinh phí hết nhiệm vụ, giảm dự toán, giảm giảm thanh toán năm 2021 gần 3,8 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng hơn gần 257 triệu đồng, bố trí hoàn trả nguồn gần 15 tỷ đồng. Chấn chính việc chưa tuân thủ lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, sai sót trong trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

KTNN cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh Phạm Thị Thúy Ánh và Ban Phát triển nông thôn Kon Long 2, xã Đắk Long.

Đọc thêm