Theo khởi kiện của bà Bùi Thị Quy, ngày 5/3/2015, bà đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng từ ông Xuân, bà Lan quyền sử dụng 10ha đất tại buôn Djerết, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa. Đến ngày 12/5/2015, bà nhờ tài khoản của Cty TNHH Thương mại Chế biến Nông Lâm sản Đường Vạn Phát (Cty Đường Vạn Phát, do bà Quy làm Tổng Giám đốc- PV) chuyển trả ông Xuân, bà Lan 2,2 tỷ đồng. Cùng ngày, Cty Đường Vạn Phát chuyển 50,2 triệu đồng để trả cho ông Xuân, bà Lan theo hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê đất và đền bù cây cối trên 178.600m2 đất theo thỏa thuận giữa Công ty và ông Xuân, bà Lan vào ngày 11/5/2015.
Cho rằng hợp đồng ký kết vào ngày 5/3/2015 là vô hiệu, bà Quy đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc ông Xuân, bà Lan phải trả lại 2,2 tỷ đồng đã nhận qua tài khoản và bồi thường thiệt hại cùng lãi suất ngân hàng (tổng cộng 1 tỷ đồng).
Công nhận mình đã nhận tổng cộng 2.250,2 triệu đồng vào ngày 12/5/2015 qua tài khoản cá nhân do Cty Đường Vạn Phát chuyển đến nhưng bị đơn (ông Xuân, bà Lan) cho rằng số tiền này là để thanh toán theo 02 hợp đồng mà họ đã ký kết vào ngày 11/5/2015 với Cty Đường Vạn Phát. Trong đó, 1 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 10ha đất; 1 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thuê 178.600m2 đất và đền bù các tài sản trên đất tại buôn Djerết, xã Chư Ngọc.
Ngoài ra, phía bị đơn còn khẳng định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 10ha đất ký với cá nhân bà Quy vào ngày 5/3/2015 là hợp đồng kêu gọi vốn đầu tư và họ chưa nhận được tiền. Bởi vậy, bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2017 (lần 1), đại diện VKSND huyện Krông Pa có quan điểm rằng, hợp đồng giữa bà Quy, ông Xuân với bà Lan ký 5/3/2015 là “vô hiệu” bởi hợp đồng không có công chứng, không nêu cụ thể số thửa đất, loại đất, vị trí, ranh giới... và 10ha đất không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, các giấy ủy nhiệm chi đều là do Cty Đường Vạn Phát chuyển tiền. Không có tài liệu nào chứng minh bà Quy là người đứng ra chuyển tiền cho ông Xuân, bà Lan. Theo Kiểm sát viên, việc bà Quy yêu cầu ông Xuân, bà Lan trả lại 2,2 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại là không có cơ sở, đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Quy.
Tuy nhiên, tại Bản án sơ thẩm số 05 ngày 8/5/2017, TAND huyện Krông Pa vẫn quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của bà Quy. Chính vì vậy, ngày 22/5/2017, VKSND huyện Krông Pa đã có kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Gia Lai sửa Bản án số 05 nêu trên theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của bà Quy.
Sau khi xem xét kháng nghị nêu trên và kháng cáo của bị đơn, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/9/2017, TAND tỉnh Gia Lai đã có Bản án số 44 tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 05 ngày 8/5/2017 của TAND huyện Krông Pa, trả hồ sơ để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) ngày 07/5/2018, đại diện VKSND huyện Krông Pa vẫn có quan điểm như trước đây, đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Tuy vậy, TAND huyện Krông Pa vẫn ra Bản án số 03 quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Quy; buộc ông Xuân, bà Lan phải trả bà Quy 2,2 tỷ đồng...
Ngay sau phiên tòa trên, ông Xuân, bà Lan đã có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án số 03 ngày 07/5/2018 vì cho rằng Tòa cấp sơ thẩm đã giải quyết không thấu tình, đạt lý và áp dụng sai quy định của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Duy Ngọc (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) cho rằng, phán quyết buộc ông Xuân, bà Lan phải trả 2,2 tỷ đồng cho bà Quy và bồi thường thiệt hại là hoàn toàn vô lý, vì cá nhân bà Quy không hề chuyển giao tiền cho ông Xuân, bà Lan. Đây là số tiền mà Cty Đường Vạn Phát chuyển khoản cho bà Lan là để thanh toán 02 hợp đồng ngày 11/5/2015, chứ không phải thanh toán hợp đồng với bà Quy ngày 05/3/2015.