Kỳ án bán cả miếu thờ trên đất công tại Bà Rịa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bà Nguyễn Ngọc Hoa (SN 1979, ngụ 96 Hạ Long, phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa có đơn gửi C03 Bộ Công an tố cáo sự việc ngôi miếu thờ giáp mặt biển trên đường Hạ Long bị mang bán trái luật cho một cá nhân; và ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đã cấp sổ đỏ biến ngôi miếu của “bá tánh” thành... đất ở đô thị.
Ngôi miếu có vị trí tuyệt đẹp ngay sát biển.
Ngôi miếu có vị trí tuyệt đẹp ngay sát biển.

Bán cả đất công lẫn miếu thờ lấy 3,5 tỷ đồng

Trước đó, theo các văn bản trả lời công dân, cơ quan chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cho rằng ngôi miếu trên nằm trong diện tích đất 226,1m2 Nhà nước quản lý. Khu đất công này nằm liền kề với nhà ở sở hữu nhà nước số 98 Hạ Long. Năm 1987 hộ bà Phạm Thị Ngãi được Nhà nước cho thuê nhà số 98 để ở và diện tích đất công 226,1m2 là lối đi duy nhất vào nhà bà Ngãi từ đó đến nay.

Năm 1994, bà Ngãi đăng ký kê khai 226,1m2 thuộc sử dụng của gia đình mình. Nhưng đây là đất công, bà Ngãi kê khai như trên là sai nên năm 2018 UBND phường 1 (nay là phường 2) đã ra quyết định hủy bỏ nội dung đăng ký của bà Ngãi.

Ngày 4/4/2017, bà Ngãi lại làm đơn xin mua khu đất công trên. Ngày 23/1/2018, UBND BR-VT ra Quyết định 157/QĐ-UBND phê duyệt chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) khu đất công trên cho bà Ngãi. Theo đó, 226,1m2 đất ở được bán với giá 3,5 tỷ đồng.

Về phía người tố cáo, bà Hoa cho biết 226,1m2 đất BR-VT bán cho bà Ngãi thực chất gồm 3 phần. Thứ nhất là đường đi chung rộng khoảng 3,5m lên Khánh Hòa Tự (ngôi chùa do người thân bà Hoa xây dựng, tu tại gia, hiện vẫn còn) nằm trong đất gia đình bà Hoa (mẹ bà Hoa là em ruột và được thừa kế khu đất). Thứ hai là đất của nhà bà Hoa thừa kế. Thứ ba, chiếm phần lớn, là ngôi miếu xây từ năm 1967 do bà Hoàng Mộng Giác xây dựng và thờ cúng. Đến 1980 thì bà Giác qua đời. “Bà Ngãi muốn đi vào nhà 98 Hạ Long thì phải đi nhờ con đường dẫn lên miếu”, bà Hoa giải thích.

Sau khi bà Giác qua đời, gia đình bà Hoa và bá tánh tiếp tục thờ phụng, nhang khói ngôi miếu. Bà Hoa cho biết, ngôi miếu được người dân địa phương gọi là miếu Bà thờ Bà chúa xứ (để phân biệt với miếu Ông). “Ngày xưa, dọc đường Hạ Long, bên sườn núi Lớn núi Nhỏ hoang vắng được xem là linh thiêng bậc nhất, nên nhiều người đến lập am, lập miếu, chùa để tu hành. Cậu tôi lập Khánh Hòa Tự để tu tại gia. Bà Giác cũng lập miếu thờ kế bên chùa cậu tôi lập”, bà Hoa nói.

Theo ghi nhận của PLVN, ngôi miếu nêu trên hiện vẫn còn nguyên vẹn, được người dân địa phương thờ phụng, nhang khói, lau dọn chỉn chu. Nằm ở sườn dốc ngọn núi kề bên mặt biển, ngôi miếu được xây dựng công phu với nhiều bậc thang dẫn lên, có tay vịn an toàn. Vật liệu xây dựng khá vững chắc, nên sau 55 năm xây dựng công trình vẫn không hề có dấu hiệu xuống cấp. Ngôi miếu nằm ở vị trí tuyệt đẹp khi có “mặt tiền” biển. Ngoài miếu quét vôi vàng, năm xây 1967 và những chữ Nho còn ghi rõ ràng. Bên trong miếu thờ ngũ hổ, các vị bà chúa xứ.

“Hóa kiếp” miếu thờ bất chấp dư luận

Ông Phan Hùng Thanh, Trưởng khu phố 5 cho biết: “Sau 1975, lúc đó tôi khoảng mười mấy tuổi thì đã thấy có miếu này. Nhưng miếu thờ ai và do ai xây dựng, quản lý thì tôi không biết”.

Về phía Tổ trưởng tổ dân phố số 5, xác nhận năm 1990 khi bà vào đây sinh sống thì đã có miếu thờ, nhưng không biết miếu có từ năm nào.

Thế nhưng, bỏ qua sự thật đây là ngôi miếu, BR-VT vẫn bán miếu cho người khác, chuyển mục đích thành “đất ở đô thị”, theo Quyết định 157/QĐ-UBND ngày 23/1/2018?

Quyết định 157 “căn cứ” vào Luật Nhà ở 2014; Quyết định 1064/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 của UBND BR-VT phê duyệt giá bán nhà ở thuộc nhà 98 đường Hạ Long (quyết định này là bán nhà ở cho bà Ngãi vào năm 2015): Tờ trình 298/TTr-HĐXĐGBNƠ ngày 5/12/2017 của Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (HĐXĐG) BR-VT.

Phân tích về Quyết định 157, LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nói: “Quyết định này là hoàn toàn trái pháp luật. Có dấu hiệu dùng thuật ngữ để nhập nhèm đánh tráo là “chuyển QSDĐ với diện tích đất liền kề nhà ở cũ sở hữu nhà nước”, hòng làm dư luận hiểu nhầm đây là hóa giá nhà ở. Nhưng thực tế đây là hành vi bán đất công. Trên đó không có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Và cũng không thể coi ngôi miếu của bá tánh là “nhà ở thuộc sở hữu nhà nước”.

“Trong mọi trường hợp, BR-VT không thể bán ngôi miếu là công trình tín ngưỡng của dân. Với diện tích đất còn lại nằm trong khu đất công 226,1m2, muốn chuyển QSDĐ thì phải đấu giá theo khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013. Và đây là công việc thuộc lĩnh vực đất đai, thẩm quyền Sở TN&MT. Nhưng Quyết định 157 lấy Luật Nhà ở làm “căn cứ” để chuyển QSDĐ là cố tình làm trái pháp luật”.

Bà Hoa cho biết, ngay khi biết có Quyết định 157, đã có đơn khiếu tố, đồng thời gửi đơn ngăn chặn, yêu cầu không cấp sổ đỏ cho bà Ngãi. Thế nhưng ngày 5/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn ban hành Thông báo 697/TB-UBND không thụ lý giải quyết khiếu nại của bà.

Nhận được thông báo, thực hiện đúng quy định, bà Hoa lập tức khiếu nại Thông báo 697; đồng thời gửi đơn ngăn chặn đến UBND TP Vũng Tàu đề nghị không cấp sổ đỏ với ngôi miếu trên cho bà Ngãi. Ngày 10/1/2019, UBND tỉnh có Quyết định 35/QĐ-UBND giao Thanh tra tỉnh xác minh nội dung đơn khiếu nại của bà Hoa.

Theo luật, với yêu cầu trên, việc cấp sổ đỏ ngôi miếu cho bà Ngãi phải ngưng lại chờ kết quả giải quyết khiếu tố. Thế nhưng ngày 8/1/2019, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu vẫn cấp “sổ đỏ” cho bà Ngãi với diện tích 226,1m2; chính thức biến ngôi miếu của bá tánh thành “đất ở đô thị” của nhà bà Ngãi.

Sau khi khu đất công có ngôi miếu bị bán, Thanh tra vào cuộc kiến nghị hủy bỏ “thương vụ”, giữ lại đất công; nhưng ý kiến đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Sau khi khu đất công có ngôi miếu bị bán, Thanh tra vào cuộc kiến nghị hủy bỏ “thương vụ”, giữ lại đất công; nhưng ý kiến đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Cần nhắc lại, ông Vũ Hồng Thuấn cũng chính là người lạm quyền Thủ tướng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật với khu rừng trên núi Nhỏ cho bà Trần Uyên Phương, mà PLVN đã có loạt bài phản ánh vào giữa năm 2021.

Thanh tra tỉnh xác định có sai phạm

Ngày 20/7/2019, Thanh tra BR-VT có Văn bản 1132/TTr-NV3 về việc rà soát thủ tục chuyển QSDĐ với 226,1m2 đất công cho bà Ngãi.

Theo Thanh tra tỉnh: “Qua rà soát nội dung vụ việc cũng như hồ sơ, tài liệu thu thập được, Thanh tra nhận thấy thủ tục chuyển QSDĐ với 226,1m2 cho bà Ngãi còn thiếu sót”.

Hồ sơ, tài liệu Thanh tra thu thập được cho thấy đến 20/7/2019, UBND TP Vũng Tàu chưa có văn bản cho ý kiến về khu đất 226,1m2. Vậy vì sao ngày 8/1/2019 ông Thuấn vẫn cấp sổ đỏ cho bà Ngãi?

Thanh tra cho biết theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 3/11/2017 thì HĐXĐG chưa thông qua việc có chuyển nhượng 226,1m2 đất công này hay không. Và Tờ trình 298/TTr-HĐ.XĐGBNƠ ngày 5/11/2017 của HĐXĐG là có ý kiến về phần đất khác chứ không phải khu đất công 221,1m2.

Văn bản 6475/UBND-TNMT ngày 30/10/2017 của UBND TP Vũng Tàu là văn bản phúc đáp Công văn 4543/STNMT-CCQLĐĐ ngày 20/9/2017 của Sở TN&MT chứ không phải văn bản gửi HĐXĐG hay Sở Xây dựng để làm căn cứ phê duyệt bán khu đất công cho bà Ngãi.

Từ đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các thủ tục bán khu đất công trên; xử lý theo hướng Nhà nước giữ lại phục vụ cho các hộ dân trong khu vực.

Ngôi miếu của bá tánh xây từ 1967 được BR-VT “hô biến” thành “đất ở tại đô thị” bán cho người khác.

Ngôi miếu của bá tánh xây từ 1967 được BR-VT “hô biến” thành “đất ở tại đô thị” bán cho người khác.

Không rõ đề xuất trên của Thanh tra tỉnh BR-VT đã được giải quyết xử lý ra sao.

LS Thanh cho biết, sự việc trên có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS. “Tôi đánh giá đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Các đối tượng đã vi phạm một cách có hệ thống, khi xâm phạm cả công trình tín ngưỡng của bá tánh; rồi không thèm đấu giá mà bịa chuyện trên đất công có nhà ở sở hữu nhà nước để lấy danh nghĩa “bán hóa giá nhà”. Nghiêm trọng hơn nữa, theo kết luận của Thanh tra tỉnh, các đối tượng trong vụ việc này còn báo cáo sai sự thật, bịa đặt các văn bản của các cơ quan thẩm quyền để quyết bán khu đất công có ngôi miếu bằng mọi giá. Sự việc này phải được xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, để lập lại trật tự quản lý đất đai, trật tự quản lý xây dựng tại BR-VT, đặc biệt là TP Vũng Tàu”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm này trong các số báo sau.

Trong sự việc bán trái phép khu đất công có ngôi miếu thờ, theo LS Thanh, còn có dấu hiệu của vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 BLHS.

Cụ thể, UBND tỉnh không áp dụng hệ số K khi tính tiền sử dụng đất. Tại Quyết định 43/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 về quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn BR-VT năm 2018 (hiệu lực từ 2/1/2018) thì đường Hạ Long có hệ số K là 1,7. Quyết định 157 được ký vào ngày 23/1/2018 nên phải áp dụng hệ số K này. Khu đất 226,1m2 có vị trí đường loại 1 với giá là 15,6 triệu đồng/m2. Tạm tính là 1,7 x 15,6 triệu đồng x 226,1m2 thì tổng số tiền phải là gần 6 tỷ đồng. Do đó, việc UBND tỉnh BR-VT “bán” với giá 3,527 tỷ đồng là đã làm thất thoát gần 2,47 tỷ đồng.

Đọc thêm