Xuất xứ trên các thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký
Theo cáo trạng, ông Liêm được bổ nhiệm GĐ Sở Y tế Long An từ 2007 – 2017. Trong thời gian này, ông Liêm được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (cả 4 cơ quan nằm chung tòa nhà). Trong dự án có gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh (gói thầu mà ông Liêm đang bị truy tố).
Ngày 25/1/2014, Sở Y tế xin chủ trương tiến hành thi công gói thầu nêu trên và được UBND tỉnh đồng ý. Nguồn vốn thực hiện trong tổng mức đầu tư dự án tòa nhà đã được phê duyệt.
Ngày 28/3/2014, công ty thẩm định giá cho kết quả giá hệ thống thiết bị thực hiện gói thầu là 1,92 tỷ với tiêu chuẩn, model, xuất xứ hàng hóa và số lượng theo đúng yêu cầu thiết bị của Sở Y tế.
Trên cơ sở đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả đấu thầu, ngày 18/4/2014, ông Liêm ký quyết định chỉ định Cty TNHH, Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á (Cty Đông Nam Á).
Đầu tháng 7/2014, Cty Đông Nam Á nhập thiết bị về chân công trình để thi công. Anh Nguyễn Hữu Phong (nhân viên giám sát công trình) phát hiện xuất xứ trên các thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký. Cụ thể, các thiết bị thay đổi xuất xứ từ Nhật sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, và từ Mỹ sang Thái Lan.
Cáo trạng cho rằng khi được báo cáo, ông Liêm đã hợp thức hóa bằng các thủ tục, giấy tờ theo yêu cầu của bộ phận kế toán, đảm bảo hồ sơ quyết toán, trả tiền cho nhà thầu.
Từ đó cáo trạng quy kết ông Liêm “biết rõ các thiết bị được nhà thầu nhập về để thi công bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng đã ký kết; nhưng không chỉ đạo khảo sát lại giá, không phê duyệt lại dự toán để điều chỉnh hợp đồng đã ký kết, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 871 triệu. Chủ đầu tư đã thanh toán thừa khối lượng dây cáp mạng và ổ cứng lưu trữ so với thực tế thi công hơn 40 triệu. Tổng số tiền gây thất thoát 911 triệu. Ông Liêm là người đại diện chủ đầu tư, để xảy ra sai phạm, nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Ngày 23/12/2017, CQĐT CA Long An khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Liêm. Đến đầu tháng 1/2020, VKSND Long An có cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, từ khi bị khởi tố, ông Liêm luôn kêu oan.
|
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An luôn kêu oan từ khi bị khởi tố |
Luật Thương mại quy định thế nào về xuất xứ hàng hóa?
Theo LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), với tội danh quy định tại Điều 165 BLHS 1999 “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cần có các yếu tố cấu thành tội phạm như sau.
Thứ nhất, phải là hành vi cố ý làm trái, tức biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm và thiệt hại gây ra”. Về hành vi cố ý làm trái, cáo trạng cho rằng “ông Liêm biết rõ các thiết bị được nhà thầu nhập về để thi công cho công trình bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng đã ký kết (camera xuất xứ Nhật Bản được thay đổi sang Trung Quốc, đầu kỹ thuật số Nhật Bản được đổi sang xuất xứ Đài Loan cùng một số thiết bị khác cũng bị thay đổi xuất xứ) nhưng không chỉ đạo khảo sát lại giá, đồng thời không phê duyệt lại dự toán để điều chỉnh hợp đồng đã ký kết”.
“Hiểu như thế là không hợp lý. Thời điểm thực hiện gói thầu, nhà máy sản xuất chính hãng Sony đã chuyển sang Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan. Căn cứ Luật Thương mại thì các thiết bị này phải mang xuất xứ từ nước sản xuất, còn chất lượng thì vẫn đảm bảo theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn từ Sony Japan. Nếu số thiết bị trên là của hãng sản xuất khác thì mới quy kết ông Liêm làm trái”, LS nói.
Thứ hai, về thiệt hại, yếu tố quan trọng để cấu thành tội phạm, cáo trạng nêu “bị can không chỉ đạo thực hiện tham khảo lại giá, đồng thời không phê duyệt điều chỉnh lại dự toán để làm cơ sở điều chỉnh lại giá hợp đồng đã ký kết... gây thất thoát ngân sách nhà nước 911 triệu”. Theo LS Quynh, nội dung trên còn nhiều điểm mâu thuẫn, không có căn cứ vững chắc.
Tiến trình kết luận thiệt hại có nhiều bất thường. Dự án được thực hiện từ 2014 nhưng đến 18/9/2019 UBND Long An mới có Quyết định 3411/QĐ-UBND quyết toán dự án, trong đó gói thầu camera giám sát an ninh là 1,184 tỷ. Chủ đầu tư (Sở Y tế) đã thanh toán tạm ứng 1,92 tỷ nên có trách nhiệm phải thu hồi 735 triệu. Số tiền này, ngay sau đó, Cty Đông Nam Á đã nộp lại ngân sách.
“Theo Thông tư 09/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và Luật Đầu tư công 2002 thì dự án chỉ được coi là hoàn thành khi tiến hành Quyết toán dự án hoàn thành. Đáng lý ra, sau khi quyết toán dự án mà phát hiện sai phạm làm số tiền quyết toán là không đúng thì mới quy kết gây thiệt hại. Chưa quyết toán thì không thể nói gây thiệt hại. Toàn bộ số tiền chủ đầu tư chuyển giao cho bên thực hiện dự án chỉ là tiền tạm ứng. Nếu dư thì chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi, thiếu thì tiếp tục chi trả”, LS nói.
Nhưng không hiểu sao trước khi được quyết toán, năm 2015 gói thầu đã bị UBND tỉnh lập đoàn thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, hồ sơ chuyển sang công an. Ngày 21/3/2017, Sở Tài chính ban hành kết luận giám định 803/KLGĐ-STC. Đến ngày 23/12/2017 thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Liêm.
“Trong kết luận thanh tra và kết luận giám định đều khẳng định đến thời điểm kết thúc thanh tra, giám định, thì gói thầu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Chính Sở Tài chính trong kết luận giám định 803 cũng không nêu hành vi của ông Liêm có gây thất thoát ngân sách hay không”, theo LS.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.