Vướng lao lý từ một cuộc điện thoại
Ngày 1/9/2020, tại khu vực Lũng Thoang thuộc xóm Bản Miài, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, khi đang làm nhiệm vụ tổ Công tác Đồn Biên phòng Ngọc Côn phát hiện một nhóm công dân đang dắt trâu tại khu vực biên giới giữa mốc 797-798 đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác yêu cầu dừng việc di chuyển và đưa 5 công dân cùng 15 con trâu về tổ để làm rõ. Tại đây, những người dắt trâu đã khai nhận đi dắt trâu cho chị Đinh Thị Niềm trú tại Pác Ngà Bo Hay, Ngọc Côn, Trùng Khánh, dân tộc Tày.
Ngày 29/7/2021, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trùng Khánh ban hành bản án hình sự sơ thẩm số 63/2021/HS-ST, kết án bà Niềm 5 năm tù giam với tội danh “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. 3 tháng sau, ngày 29/10/2021 TAND tỉnh Cao Bằng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu công an điều tra lại bởi nhiều vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự.
Ngày 28/10/2022, TAND huyện Trùng Khánh tiến hành xét xử sơ thẩm (lần hai), và vẫn tuyên bà Niềm 5 năm tù giam. Không đồng ý với quyết định của tòa, bà Niềm làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm này.
Theo hồ sơ vụ việc thể hiện, khoảng tháng 7 năm 2020, Niềm kết bạn qua ứng dụng Wechat với một người phụ nữ Trung Quốc (không biết tên và địa chỉ). Người này nói mình làm nghề buôn bán trâu, cần người ở khu vực biên giới giúp làm việc. Ngày 30/8/2020, Niềm nhận được cuộc gọi qua Wechat từ người phụ nữ nói trên. Người này nói với Niềm là đang có đàn trâu để ở chỗ M.T.H trú tại huyện Trùng Khánh nên tối 31/8/2020 có thể nhận trâu ở biên giới và nếu được thì liên hệ với H. để nhận trâu và vận chuyển.
Sau đó, Niềm gọi cho Hội, bảo Hội liên hệ với chị H. để chuyển trâu. Hội được chị H. chỉ đến bãi chăn thả của anh H.V.T để nhận 21 con trâu. Sau đó, Hội và Niềm đã liên hệ với một nhóm người bản địa để dắt trâu và hứa sẽ trả tiền công khi hoàn thành công việc.
Sáng ngày 1/9/2020, khi nhóm đang di chuyển trâu đến khu vực biên giới thì bị lực lượng Bộ đội biên phòng phát hiện bắt giữ rồi hoàn thiện chuyển hồ sơ sự việc cho Cơ quan CSĐT, Công an huyện Trùng Khánh.
Tang vật của vụ án. |
15 con trâu, căn cứ quan trọng
Liên quan đến 15 con trâu là tang vật cũng và cũng là căn cứ quan trọng của vụ án, ngày 24/9/2020 Cơ quan CSĐT huyện Trùng Khánh yêu cầu giám định tài sản trong tố tụng hình sự huyện Trùng Khánh định giá đối với 21 con trâu. Tại kết luận định giá, Hội đồng định giá (HĐĐG) kết luận 15 con trâu có giá trị 525.140.000 đồng, 6 con trâu còn lại không đủ căn cứ định giá.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29/10/2021, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Bởi theo HĐXX, trong quá trình định giá, HĐĐG đã vi phạm quy định về định giá tài sản; vi phạm quy định Bộ luật Tố tụng hình sự. “Kết luận định giá tài sản của HĐĐG là không đảm bảo. Những thiếu sót nêu trên của cấp sơ thẩm, Tòa phúc thẩm không thể bổ sung khắc phục được”, HĐXX khẳng định tại bản án.
Cụ thể, HĐĐG đã vi phạm thời hạn định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngày 24/9 Cơ quan CSĐT Công an huyện Trùng Khánh có văn bản yêu cầu định giá với 21 con trâu (thu giữ được 15 con), thời gian định giá từ ngày 25/9/2020 đến ngày 7/10/2020. Nhưng mãi đến ngày 2/11/2020 HĐĐG mới tiến hành định giá. Điều đáng nói, trước khi HĐĐG có 1 con trâu chết vào ngày 31/10/2020. Cùng với đó, thành phần HĐĐG không đúng về thành phần và số lượng, tại biên bản định giá đã tự ý thêm 2 thành viên không có tên trong HĐĐG...
Để khắc phục những vi phạm của mình, UBND huyện Trùng Khánh lập HĐĐG mới và 15 con trâu lại được định giá lên tới 664 triệu đồng (cao hơn 139 triệu đồng so với lần định giá đầu tiên) để làm cơ sở cho xét xử cho lần sơ thẩm lần hai. Và điều khá ngạc nhiên, ông Nông Quốc Vỹ, Ủy viên HĐĐG, người trực tiếp khảo sát giá số trâu này cho biết, mức giá 664 triệu được xác định bằng hình thức dùng hình ảnh đàn trâu để hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm buôn bán trâu bò ở địa phương.
Luật sư Nguyễn Văn Ngọc và luật sư Ngô Thành Ba là người bào chữa cho bà Niềm cho rằng, trong hồ sơ vụ án không thể hiện được tài liệu về việc Đồn biên phòng khi giao trâu cho ông H.V.T quản lý 21 con được kẹp trì đánh số niêm phong vào tai hoặc chân số tang vật bị bắt giữ như Cơ quan kiểm dịch vẫn làm. Trong khi, ông H.V.T đã khai chiều 31/8/2020 xuống một xe 38 con trâu (Bút lục 103). Tại thời điểm định giá, 1 con trâu đã chết không được ghi nhận trong biên bản và kết luận định giá, không ghi HĐĐG lấy con trâu chết này ở đâu?
Vẫn theo luật sư Ngọc và luật sư Ba cần làm rõ việc bảo quản tang vật của vụ án có đúng quy định hay không?. Bởi trong biên bản tạm giữ (bút lục 23) và biên bản bàn giao tang vật do đồn biên phòng Ngọc Côn đã không tiến hành niêm phong số tang vật theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự. Và tại biên bản bàn giao tang vật ngày 1/9/2020 (bút lục 24) đã thể hiện số trâu được đánh số từ 1-15 bằng Sơn màu đỏ, không có chữ “H” trước mỗi chữ số từ 1-15. Nhưng 12 ngày sau đó, tức ngày 12/9/2020 Đồn biên phòng lại tiến hành phun sơn màu trắng, đánh số từ H1-H15 (bút lục 22). “Việc này cho thấy số trâu có thứ tự 1-15 được đánh số lúc đầu không phải là tang vật của vụ án để cơ quan chức năng làm căn cứ để khởi tố Niềm”, các luật sư khẳng định.
Theo luật sư, hiện tại bà Niềm liên tục gửi đơn kêu oan đến cơ quan chức năng cũng như tại phiên tòa cấp sơ thẩm ngày ngày 28/10/2022 vừa qua.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin /.