Sau đó, ông Sơn tiếp tục bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ việc gây chú ý dư luận bởi một hành vi lại bị xử lý đến hai lần, cơ sở xác định tội danh không vững chắc, có dấu hiệu oan sai.
Theo nội dung vụ án, vào năm 2008, Công ty CPĐN do ông Hồ Văn Sơn làm giám đốc, ông Nguyễn Tiến Ly làm Kế toán trưởng, ký hợp đồng mua bán xăng dầu với Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hương Trang (HHT) ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ do bà Nguyễn Thị Hương làm chủ. Do HHT không thanh toán đủ tiền nên ông Sơn khởi kiện HHT ra tòa.
Bản án có hiệu lực pháp luật số 01/2009/KDTM.PT ngày 18/8/2009 của TAND TP Cần Thơ buộc chủ HHT phải trả cho Cty CPĐN cả tiền gốc và lãi gần 5.358.599.310 đồng. Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án, nếu HHT không trả nợ thì phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
Sau khi thu hồi được cho Cty CPĐN hơn 1 tỷ đồng, ngày 27/3/2013 Chi cục THADS quận Ô Môn ra quyết định “trả lại đơn yêu cầu THA” cho công ty với lý do bị đơn không còn tài sản để thi hành. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Hòa – Giám đốc Cty CPĐN khẳng định, đến cuối tháng 9/2015, Cty mới nhận được quyết định này.
Ngày 31/12/2014, hai ông Sơn - Ly bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; sau một năm, thì thay đổi tội danh thành “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 BLHS.
Ngày 21/11/2015, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, mặc dù các căn cứ kết tội các bị cáo không vững chắc nhưng HĐXX vẫn tuyên phạt ông Sơn 3 năm tù cho hưởng án treo; ông Ly 3 năm 6 tháng tù, chấp nhận cho bị cáo Sơn nộp 1,43 tỷ đồng và bị cáo Ly nộp 1,428 tỷ để khắc phục hậu quả (đã nộp). Cả ông Sơn và Ly đều kháng cáo kêu oan.
Ngày 19/4/2016, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại do có những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng. Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc hai bị cáo nộp tiền 2,858 tỷ đồng để khắc phục hậu quả là không đúng, bởi hậu quả đã được khắc phục bằng án dân sự của TAND TP Cần Thơ buộc DNTN HHT phải trả cho Cty CPĐN hơn 5,3 tỷ đồng…
Vụ án được TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xử lại vào ngày 15/2/2017. Đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xử phạt hai bị cáo mức án từ 4 đến 4 năm 6 tháng tù, đồng thời tạm giữ số tiền 2,854 tỷ đồng mà gia đình của hai ông này đã nộp để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án. Ông Sơn và ông Ly tiếp tục kêu oan.
Trong đơn thư gửi Báo PLVN, ông Sơn, ông Ly cho biết: Thứ nhất, tuy có một số thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý của cá nhân ông Sơn với vai trò giám đốc và ông Ly - Kế toán trưởng. Nhưng ở mức độ này không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh (hiện đang có lãi, chiều hướng phát triển tốt). Mức độ vi phạm đã được lãnh đạo Tổng Cty Cà phê Việt Nam lập đoàn thanh tra xem xét, đã có quyết định xử lý kỹ luật “cảnh cáo”. Chỉ một hành vi nhưng bị xử lý đến hai lần là không đúng.
Thứ hai, việc THADS quận Ô Môn có văn bản trả lời phía DNTN HHT không còn tài sản để thi hành án không phải là cơ sở để xác định hậu quả nghiêm trọng (do thu hồi chưa đủ số tiền theo hợp đồng), bởi vì văn bản này không làm chấm dứt nghĩa vụ trả nợ của DNTN theo bản án. Cơ quan THADS quận Ô Môn vẫn phải thi hành nếu nguyên đơn phát hiện DNTN HHT có tài sản để thi hành, hoặc bị đơn tiếp tục tự nguyện thi hành án khi có tài sản. Điều này cũng đã thể hiện trên thực tế: DNTN HHT đã có cam kết tiếp tục trả nợ. Mới nhất là ngày 28/11/2016, HHT đã chuyển trả cho Cty CPĐN qua Chi cục THADS quận Ô Môn 7,88 triệu đồng. Trước đó, Cty đã nhận được 28 triệu đồng từ HHT…
Thứ ba, số tiền cáo trạng quy kết hai bị cáo gây thiệt hại đã được đảm bảo bằng bản án dân sự của TAND TP Cần Thơ, đang có hiệu lực thi hành. Như vậy, quyền và lợi ích của Cty CPĐN chưa bị thiệt hại. Mặc khác, cơ sở để TAND Cấp cao hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông cũng xác định số tiền “gây hậu quả nghiêm trọng” đã được khắc phục bằng bản án dân sự đã được thi hành án nên không chấp nhận TAND tỉnh Đắk Nông buộc hai bị cáo nộp số tiền 2,858 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Thứ tư, Điều 285 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm hình sự. Tại Kết luận Thanh tra số 119/TCT-KLTT ngày 20/2/2009 của Tổng Cty Cà phê Việt Nam kết luận: mục đích của việc kinh doanh xăng dầu là nhằm kiếm lợi nhuận cho Doanh nghiệp và được sự hội ý thống nhất trí trong tập thể lãnh đạo Cty. Kết luận nêu rõ: Cty CPĐN kinh doanh, sản xuất có lãi nhiều năm liền, chứng từ mua bán, hợp đồng đầy đủ. Do có một số sai sót nên bị xử lý kỹ luật bằng hình thức “Cảnh cáo”.
Tại Công văn số 162/TCT-PCTTr ngày 12/3/2015 của Tổng Cty Cà phê Việt Nam gửi VKSND tỉnh Đắk Nông và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định vụ việc kinh doanh xăng dầu là do thiếu kinh nghiệm nên xảy ra rủi ro và không ngoài mục đích tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp, không cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Việc ông Sơn thắng kiện để đòi tiền nợ cũng thể hiện việc ông Sơn có trách nhiệm, làm đúng nên được Tòa án chấp nhận.
Thiết nghĩ, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bao giờ yếu tố rủi ro cũng cần phải tính đến và chấp nhận giải quyết một cách tốt nhất. Điều quan trọng là động cơ và việc kinh doanh không trái nhiệm vụ, không vi phạm pháp luật, quyền lợi doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Việc Tòa án hình sự chỉ căn cứ vào yếu tố rủi ro trong kinh doanh để định tội thiếu trách nhiệm là không vững chắc, chưa xem xét toàn diện hoạt động, sản xuất kinh doanh đang có kết quả tốt. Đó là chưa nói, hậu quả xảy ra chỉ là còn một số nợ đã và đang được THADS.
Thay vì phải xem xét kỹ lưỡng, tránh oan sai khi bị TAND Cấp cao hủy án, TAND tỉnh Đắk Nông lại nâng mức án phạt từ tù treo thành tù giam 3 năm 9 tháng khiến dư luận bức xúc.