Con Cò Vàng nói gì?
Ngày 13/4/2016, ông Phương là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng, ông Thanh là thành viên Đoàn, cùng các thành viên kiểm tra tại Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm) phát hiện 3 loại phân bón số lượng 198 bao (trong hồ sơ vụ án, số lượng bao phân cũng không thống nhất, có khi ghi 200, có văn bản lại ghi 150 bao - NV) do Tập đoàn Con Cò Vàng (TP HCM) sản xuất nhưng chưa cung cấp được chứng từ về hợp chuẩn nên lấy mẫu đưa đi giám định.
Kết quả 2 lần kiểm nghiệm tại 2 cơ quan khác nhau cho rằng các mẫu phân có chỉ tiêu, có chỉ tiêu không đạt chất lượng. Sau khi Đoàn kiểm tra công bố kết quả kiểm nghiệm lần 2, Con Cò Vàng có Công văn số 12.06/2016/CCV-CV do bà Võ Thị Thanh Tuyền, Phó TGĐ công ty này ký ngày 12/6/2016, gửi Chi cục QLTT và Đoàn kiểm tra.
Công văn nêu: “Con Cò Vàng là nhà sản xuất phân bón có uy tín và lâu đời tại TP HCM và Việt Nam. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam và vì Nhà nông làm giàu. Chúng tôi cam kết chất lượng phân bón đến tay nông dân”.
“Con Cò Vàng cũng là thành viên của Hiệp hội chống hàng giả trong lĩnh vực phân bón, chúng tôi cũng đã, đang và sẽ chung tay với các cấp, các ngành để dẹp bỏ vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành làm đau đầu nhà thẩm quyền, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và lợi ích của người nông dân”.
Từ bảng phân tích kết quả 2 lần kiểm nghiệm trước rất chi tiết, cho thấy phân bón đưa đi kiểm nghiệm có yếu tố đạt, có yếu tố không đạt, có yếu tố vượt, nên Con Cò Vàng kiến nghị: “Nhìn vào kết quả phân tích, quý cơ quan thấy rằng Con Cò Vàng là một đơn vị làm ăn, sản xuất kinh doanh chân chính. Tuy nhiên, do là hàng phối trộn ba yếu tố N, P2O5, K2O nên khi lấy mẫu kiểm tra có thể lấy không đều; hoặc do bên Trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu đem phân tích không đều; nên mới có kết quả là có chỉ tiêu đạt, chỉ tiêu chưa đạt”.
“Con Cò Vàng phân phối xuống nhà phân phối Hồ Mỹ Nhiên tại tỉnh Sóc Trăng. Lô hàng này được vận chuyển bằng đường ghe xuống đến Sóc Trăng mất cả tuần lễ. Có thể chủ ghe không bảo quản tốt bị nắng nóng, bị thấm mưa… cũng bị ảnh hưởng một phần đến chất lượng sản phẩm”.
“Ngoài ra, lô hàng này sản xuất gần hai năm, có thể do điều kiện bảo quản tại kho, nắng nóng bốc hơi và các yếu tố khách quan khác… cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”, Công văn nêu. Từ đó, Con Cò Vàng đề nghị được lấy mẫu, đưa kiểm nghiệm lại.
Tại sao Đoàn kiểm tra đi kiểm tra doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên nhưng lại chấp nhận công văn của nhà sản xuất Con Cò Vàng. Vì Hồ Mỹ Nhiên là nhà phân phối cho Con Cò Vàng chứ không phải doanh nghiệp mua đi bán lại. Con Cò Vàng vừa là nhà sản xuất, vừa thừa nhận số phân bón bị kiểm nghiệm và chịu trách nhiệm, nên Đoàn kiểm tra căn cứ công văn của Con Cò Vàng để đưa mẫu phân đi kiểm nghiệm lần thứ 3.
Kết quả kiểm nghiệm lần 3 tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP HCM) cho thấy các mẫu phân đều đạt chất lượng. Có kết quả kiểm nghiệm này, Đoàn kiểm tra cho tháo niêm phong, trả số phân bón lại doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên.
Vụ án không tang vật
Ngày 15/6/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hơn sáu tháng sau đó, ngày 29/12/2017 Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng gửi Công văn số 06/ANĐT cho Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 (TP HMC). Đây là văn bản “tin tố giác tội phạm với Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng”, có trụ sở số 23, lô B, đường số 1, phường Phú Thuận, Quận 7. Nội dung công văn báo tin “có dấu hiệu phạm tội “sản xuất và buôn bán phân bón giả” xảy ra tại doanh nghiệp trên.
Ngày 26/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 đã có thông báo về sự việc do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Đại tá Nguyễn Minh Hùng ký. Thông báo nêu rõ: “Kết quả giải quyết tin báo tội phạm trên như sau: Nơi có dấu hiệu phạm tội (sản xuất phân bón giả) tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng (KCN Nhị Xuân, huyện Hóc Môn; và KCN Gò Dầu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thời điểm xảy ra sự việc thì trụ sở Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng thực tế không còn hoạt động ở Quận 7”.
Cũng thông báo trên nêu: ““Hiện nay toàn bộ 200 bao phân bón tang vật Đoàn kiểm tra tỉnh Sóc Trăng đã trả hết cho doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên và đã bán hết, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng không thu hồi được. Do vậy, không có phân bón để lấy mẫu gửi giám định lại chất lượng phân bón được. Đối với các mẫu phân bón đã giám định trước đây đã bị huỷ, không còn. Do không có tang vật phân bón để gửi giám định, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Sản xuất và buôn bán hàng giả”. Ngày 26/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 đã ra quyết định không khởi tố vụ án đối với tin báo tội phạm trên”.
Và như vậy, trong vụ án này không chỉ có chuyện các bị cáo có dấu hiệu bị truy tố oan sai, mà còn có một thực tế rất rõ ràng là cơ quan tố tụng không thể xác định số phân bón trên là thật hay giả, Con Cò Vàng có “sản xuất và buôn bán hàng giả” hay không. Mới đây, trong phiên xử sơ thẩm lần hai, đại diện VKSND TP Sóc Trăng cũng cho biết vụ án không còn tang vật để có thể giám định là thật hay giả.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định, khi không thể xác định được vấn đề mang tính nguồn gốc mấu chốt này, thì mọi chuyện phải chấm dứt ở đây. “Đã không chứng minh được đó là hàng giả, thì đương nhiên phải coi đó là hàng thật theo nguyên tắc suy đoán pháp luật. Không có hàng giả thì không có hậu quả gì xảy ra, không có tội phạm. Và cũng không cần bàn đến chuyện Đoàn kiểm tra tháo niêm phong trả hàng cho doanh nghiệp là sai sót hay không”.
Có hay không cán bộ nào đó can thiệp cá nhân?
Thực tế đã rõ ràng như trên, nhưng không hiểu sao mới đây, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng lại một lần nữa cho rằng số phân bón trên “không đảm bảo chất lượng”. Bằng chứng là văn bản ngày 3/4/2019 do Phó Thủ trưởng, Đại tá Dương Việt Hùng, gửi Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Văn bản này cho rằng Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (số 12, Nguyễn Chí Thanh, phường 2, Quận 10) đã có kết quả thử nghiệm sai quy định để “kết luận doanh nghiệp không sai phạm, giải tỏa lô phân bón không đảm bảo chất lượng để doanh nghiệp bán ra thị trường”. Và Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng “chuyển thông tin và tài liệu liên quan đến Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để kiểm tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền”. Hiện chưa rõ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã có phản hồi cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng hay chưa.
Vụ án đã kéo dài gần ba năm, nhiều lần trả hồ sơ, nhưng dấu hiệu oan sai, vi phạm tố tụng ngày càng nhiều. Đến nay, việc xét xử lại kéo dài gần 20 ngày với hai lần nghị án kéo dài. Như PLVN đã phản ánh, Cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng từng cho biết “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc”. Tuy nhiên trả lời PLVN, ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, lại cho biết: “Tôi không nhớ cái này. Hình như là không có. Hình như không phải Ban phòng chống tham nhũng theo dõi đâu. Tôi nhớ như thế”. Rất nhiều khả năng vụ án không thuộc diện theo dõi, đôn đốc của Ban, nên Trưởng ban mới cho biết: Vụ án này “hình như không phải Ban theo dõi”. Vậy vì sao cơ quan ANĐT công an tỉnh lại trả lời khác? Vậy có hay không cán bộ tỉnh nào đó lạm quyền Bí thư tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, lấy tư cách cá nhân “chỉ đạo” đưa vụ án vào diện “theo dõi”? Và phải chăng bị sức ép từ người đó như vậy, cơ quan tố tụng mới hoặc e ngại, hoặc phải bất chấp sự thật khách quan, cố tìm những “chứng cứ” để ép tội.
“Trong vụ án, quả là nếu có chuyện một cán bộ cấp tỉnh nào đó can thiệp cá nhân thì rất nguy hiểm, vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc làm việc. Có tội hay không có tội do đánh giá chứng cứ, hồ sơ vụ án, không thể dựa vào chỉ đạo cá nhân. Nên nhớ nếu điều tra, truy tố, xử án theo chỉ đạo cá nhân ai đó, người chịu trách nhiệm trước tiên chính là cơ quan tố tụng”, Luật sư Hiệp bình luận.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng mới đây cũng cảnh báo về sự việc này như sau: “Theo quy định của Đảng, pháp luật, công tác nội chính, thì tùy tình hình ở một thời kỳ, ở một địa phương thì cấp uỷ Đảng và các ban ngành có thể chỉ đạo đường lối. Đường lối thôi chứ anh không được cụ thể. Tức là phải xét xử cho nhanh, tiến hành nhanh, làm cho đúng, những người nào sai trái phải bỏ ra ngoài… Đó là xem xét chỉ đạo về mặt đường lối. Chứ không phải ép xử theo tội này, xử người này bao nhiêu năm, người này được, người kia mất…”.